Giải quyết hồ sơ xin đóng cửa mỏ dự án khai thác titan - zircon Long Sơn - Suối Nước

Tài nguyên - Ngày đăng : 17:16, 05/05/2022

(TN&MT) - Ngày 5/5, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên làm việc với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam về việc giải quyết đề nghị của Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn đối với dự án khai thác sa khoáng titan – zicron Long Sơn – Suối Nước, phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
img_8183(1).jpg
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu tại cuộc họp

Ông Đào Chí Biền – Phó Cục trưởng điều hành Cục Kinh tế Địa chất và Khoáng sản (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) cho biết: Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn được Bộ TN&MT cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 402/GP-BTNMT ngày 28/3/2013 để khai thác sa khoáng titan - zircon tại khu vực Long Sơn - Suối Nước, phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận với trữ lượng địa chất là 427.151 tấn khoáng vật quặng; thời hạn khai thác 9 năm, kể từ ngày ký Giấy phép (hết hạn ngày 28/3/2022).

Trên cơ sở nội dung Giấy phép khai thác số 402/GP-BTNMT, thực hiện quy định của Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, ngày 18/7/2014, Bộ TN&MT đã ban hành Quyết định số 1448/QĐ-BTNMT phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với mỏ sa khoáng titan-zircon khu vực Long Sơn - Suối Nước với tổng số tiền gần 23,07 tỷ đồng; số lần nộp tiền là 4 lần (bắt đầu từ năm 2014 đến năm 2017).

Về đề nghị của Công ty, Công ty đã có rất nhiều văn bản đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết một số nội dung liên quan về tính lại tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; hoàn trả tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; điều chỉnh công suất và thời gian khai thác; tạm dừng hoạt động khai thác; xin trả lại 50% diện tích dự án khai thác titan; đóng cửa mỏ.

img_8179(1).jpg
Quang cảnh cuộc họp

Về hồ sơ đóng cửa mỏ của Công ty, hiện nay, Công ty đã nộp hồ sơ đề nghị trả lại và lập Đề án đóng cửa mỏ đối với Giấy phép khai thác khoáng sản số 402/GP-BTNMT. Trong quá trình thẩm định hồ sơ, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận và các Sở, ban ngành có liên quan của tỉnh Bình Thuận để kiểm tra thực tế, thu thập hồ sơ liên quan đến Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản nêu trên.

Ngày 25/11/2021, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam có Công văn số 3251/ĐCKS-KS đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát để có ý kiến về việc đóng cửa mỏ theo Đề án của Công ty. Tuy nhiên, đến nay Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chưa nhận được ý kiến trả lời của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận.

Tại Báo cáo kết quả kiểm tra thực địa khu vực đề nghị đóng cửa mỏ số 493/BC-KSMN ngày 21/12/2021 và Công văn số 05/KSMN-KS ngày 4/1/2022 của Cục Kiểm soát Hoạt động khoáng sản Miền Nam, Công ty đã kê khai từ năm 2015 đến ngày 31/12/2020 với tổng sản lượng là 18.559,18 tấn khoáng vật nặng (có xác nhận của Cục Thuế tỉnh Bình Thuận); con số này chưa phù hợp với sản lượng khai thác thực tế hàng năm theo Báo cáo của Công ty là 25.515 tấn khoáng vật nặng.

Theo ông Đào Chí Biền, hiện nay, hồ sơ đóng cửa mỏ của Công ty đã được Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tiếp nhận. Sau khi Bộ TN&MT ban hành quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản sẽ được xem xét, điều chỉnh trên cơ sở Hồ sơ đóng cửa mỏ. Quyết định điều chỉnh sẽ được thông báo đến Cục Thuế tỉnh Bình Thuận để xem xét, giải quyết hồ sơ hoàn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định pháp luật về quản lý thuế.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên đề nghị Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tổ chức hoàn thiện lại hồ sơ đóng cửa mỏ theo quy định của pháp luật, đồng thời tiếp tục có văn bản đôn đốc Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận phê duyệt đề án đóng cửa mỏ.

Mai Đan