Thu hồi đất theo Luật Đất đai 2013: Đắk Lắk đề xuất gỡ “vướng”
Triển khai Luật Đất đai 2024 - Ngày đăng : 11:28, 05/05/2022
Trình tự, thủ tục thu hồi đất được thực hiện đảm bảo theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng vào thực tế còn một số vướng mắc, khó khăn cần có các biện pháp tháo gỡ.
Những vướng mắc
Theo Báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk, Tại Khoản 3 Điều 62 của Luật Đất đai năm 2013 chưa quy định rõ việc thu hồi đất để xây dựng các Khu, Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Do đó, việc kêu gọi các dự án đầu tư về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đang gặp khó khăn, vướng mắc.
Bên cạnh đó, quy định thu hồi đất do vi phạm đối với một số trường hợp triển khai thực hiện còn gặp khó khăn trên thực tế như: Thu hồi đất trồng cây hằng năm không được sử dụng 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm không sử dụng trong 18 tháng liên tục, đất trồng rừng không sử dụng trong 24 tháng liên tục (điểm h khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai); Thu hồi đất đối với dự án đầu tư đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất mà không sử dụng 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ ngày bàn giao đất trên thực địa (điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai) do pháp luật không quy định về cưỡng chế thu hồi đất trường hợp trên.
Ngoài ra, từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn quốc, trong đó có tỉnh Đắk Lắk. Do đó, việc áp dụng ảnh hưởng của dịch Covid-19 thuộc trường hợp bất khả kháng theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ là nội dung quan trọng trong xem xét tiến độ sử dụng đất và tiến độ thực hiện dự án đầu tư của Nhà đầu tư. Việc xác định thời gian và mức độ ảnh hưởng (trực tiếp hay không trực tiếp) của dịch bệnh nêu trên đến tiến độ sử dụng đất còn chưa rõ ràng, chưa quy định cụ thể phương thức xác định; gây lúng túng cho địa phương trong quá trình áp dụng, xem xét xử lý các dự án chậm tiến độ sử dụng đất theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai và điều chỉnh dự án đầu tư theo quy định tại Điều 41 của Luật Đầu tư năm 2020.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk cho biết, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của Trung ương liên quan đến giải phóng mặt bằng chưa thể điều chỉnh hết các vấn đề thực tế phát sinh của công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, việc hướng dẫn xử lý các vấn đề vướng mắc trong công tác định giá đất và giải phóng mặt bằng của Bộ TN&MT theo đề nghị của địa phương có lúc còn chưa kịp thời hoặc chưa hướng dẫn các vướng mắc cụ thể của địa phương.
Tuyên truyền mạnh, thực hiện nghiêm
Theo ông Y Giang Gry Nie Knơng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, để phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, vướng mắc của chính sách, pháp luật về đất đai trong thời gian tới, UBND tỉnh Đắk Lắk đề xuất một số giải pháp. Cụ thể, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai. Đồng thời, tổ chức thực hiện việc giao đất, cho thuê đất công khai, minh bạch cho các đối tượng đáp ứng các điều kiện quy định trong pháp luật về đất đai. Thực hiện nghiêm việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua phương thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; có biện pháp ngăn chặn tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép. Kiểm soát chặt chẽ và công khai, minh bạch việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, hoạt động sản xuất và đời sống của người có đất thu hồi.
Tỉnh Đắk Lắk tiếp tục rà soát và nâng cao trình độ, năng lực bộ máy làm công tác quản lý đất đai, đô thị; phát huy vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành trong quản lý tài nguyên đất, thanh tra việc quản lý, sử dụng đất. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, gắn với chương trình xây dựng nền hành chính hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sử dụng. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai; kiên quyết thu hồi theo quy định của pháp luật đối với những dự án đất không đưa vào sử dụng, dự án triển khai chậm tiến độ, dự án đã bị chấm dứt chủ trương đầu tư, dự án sử dụng đất sai mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai, quy hoạch đô thị, xây dựng và bảo vệ môi trường.