Tăng dày mật độ trạm đo mưa tự động - vấn đề then chốt phòng chống thiên tai
Môi trường - Ngày đăng : 11:27, 05/05/2022
Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn GS.TS Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV, Bộ Tài nguyên và Môi trường xung quanh nội dung này.
PV: Thưa Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV, được biết, việc dự báo chính xác các hiện tượng thời tiết phụ thuộc nhiều và các trạm quan trắc, vậy xin ông cho biết, hệ thống trạm quan trắc đo mưa tự động của chúng ta hiện đã được đầu tư ra sao?
GS.TS Trần Hồng Thái:
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của thiên tai do ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Những năm gần đây, mưa lũ ngày càng gia tăng cả về cường độ lẫn tần suất, gây nhiều tổn thất về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Các dữ liệu quan trắc mưa được quan trắc và truyền liên tục, kịp thời trong mùa lũ có vai trò hết sức quan trọng cho công tác dự báo, cảnh báo lũ để ứng phó và giảm nhẹ thiên tai.
Dữ liệu từ các trạm mưa được quan trắc và truyền số liệu tự động theo thời gian thực sẽ nâng cao hiệu quả dự báo, cảnh báo, phát hiện sớm khả năng xuất hiện lũ, lũ lên đột ngột đặc biệt tại vùng núi, thượng nguồn các hồ chứa. Các thông tin cảnh báo sớm sự xuất hiện lũ, lũ xuất hiện trong thời gian ngắn đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành điều tiết đảm bảo an toàn hồ chứa cũng như lập kế hoạch phòng chống lũ hạ du.
Mạng lưới trạm quan trắc mưa tại các trạm KTTV và đặc biệt là tại các lưu vực sông là vấn đề quan trọng. Hơn mười năm trở lại đây, mạng lưới trạm đo mưa độc lập được đầu tư tự động ngày càng nhiều thông qua các dự án ODA và thuê dịch vụ đo mưa. Việc phân vùng đầu tư có xem xét ưu tiên những vùng trống số liệu, vùng thường xuyên xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Hiện nay mạng lưới trạm đo mưa do ngành KTTV quản lý có 861 trạm được tự động hoàn toàn, trong đó có 370 trạm thuê dịch vụ. Hệ thống trạm đo mưa tự động cơ bản đã phục vụ kịp thời công tác dự báo, cảnh báo KTTV, phục vụ tốt công tác phòng chống thiên tai.
PV: Hiện nay, mật độ các trạm đo mưa tự động của chúng ta còn thưa, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Đâu là nguyên nhân của hiện trạng này và điều này đã ảnh hưởng đến công tác dự báo mưa, cảnh báo lũ, lũ quét, ngập úng cục bộ, sạt lở đất... như thế nào, thưa ông?
GS.TS Trần Hồng Thái:
Việc bố trí các trạm đo mưa tự động phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Vị trí lắp đặt phải đảm bảo các quy định về kỹ thuật; công tác sửa chữa và sẵn sàng thiết bị thay thế kịp thời nhằm đảm bảo duy trì hoạt động liên tục của các trạm, đặc biệt là các trạm ở vùng núi, hải đảo là một thách thức không nhỏ. Do các thiết bị đo KTTV tự động là thiết bị điện tử hoạt động liên tục trong điều kiện thời tiết Việt Nam khắc nghiệt nên dễ hỏng hóc; việc truyền tải dữ liệu từ các trạm đo phải liên tục, ổn định, không bị ảnh hưởng của các vấn đề như thiên tai, mất điện, mất sóng và không bị các vật cản như núi, cây cối… Ngoài ra, nguồn ngân sách cấp cho việc phát triển mạng lưới quan trắc KTTV nói chung vẫn còn hạn hẹp. Do vậy, việc bố trí lắp đặt trạm phải được thực hiện theo lộ trình phù hợp.
Hiện nay mạng lưới trạm đo mưa do ngành KTTV quản lý có 861 trạm được tự động hoàn toàn, trong đó có 370 trạm thuê dịch vụ. Hệ thống trạm đo mưa tự động cơ bản đã phục vụ kịp thời công tác dự báo, cảnh báo KTTV phục vụ tốt công tác phòng chống thiên tai. Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ nâng số lượng trạm đo mưa tự động lên 1000 trạm tại các điểm nằm trong danh sách quy hoạch theo Quyết định số 90 của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, ở khu vực đồng bằng, số lượng trạm đo mưa tự động đã được lắp đặt với mật độ khá dày, những khu vực mật độ trạm đo mưa tự động còn thưa thường là khu vực vùng núi, vùng thượng lưu các sông, suối do khó khăn về kỹ thuật cũng như điều kiện thi công nói trên. Tuy nhiên, những vấn đề khó khăn này hiện nay về cơ bản đã khắc phục được. Theo đó, trong năm 2022, Tổng cục KTTV sẽ lắp đặt tăng cường thêm 1.000 trạm đo mưa tự động cho khu vực vùng núi, vùng thượng lưu các sông, khu vực thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Số liệu mưa tự động là một trong nhiều số liệu đầu vào quan trọng cho các mô hình dự báo lũ, ngập úng, lũ quét, trượt lở đất. Việc không có số liệu mưa hoặc số liệu mưa không đủ dày dẫn đến các kết quả tính toán, mô phỏng của các mô hình thiếu chính xác. Tuy nhiên, ngoài việc số liệu mưa tự động không đủ dày, nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trong công tác dự báo mưa, cảnh báo lũ, lũ quét, ngập úng cục bộ, sạt lở đất… còn do thiếu các thông tin nền về điều tra, khảo sát thực địa của các vùng có nguy cơ phát sinh lũ quét, sạt lở đất, thảm phủ, cấu trúc địa chất, lớp vỏ phong hóa, mức độ bão hòa trong đất..., các số liệu này cần được thu thập đủ độ chi tiết, cập nhật thường xuyên. Thực tế đã cho thấy, kể cả khi dự báo chính xác và chi tiết được lượng mưa thì vẫn chưa đủ để có thể dự báo chính xác được lũ quét và sạt lở đất, nếu thiếu và chưa xác định kịp thời được các thông tin chi tiết nền như đã nêu ở trên.
Nhằm tăng cường năng lực công tác dự báo phục vụ phòng chống thiên tai, ngoài việc đầu tư tăng dày mật độ trạm đo mưa tự động, Tổng cục KTTV đã và đang tập trung tăng cường phát triển hệ thống quan trắc lưu lượng tự động, tăng cường cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ bùn đá, lũ quét thông qua việc xây dựng công nghệ đồng hóa dữ liệu cảnh báo mưa, dông, hạn cực ngắn cho khu vực miền núi; xác định ngưỡng mưa gây sạt lở, lũ quét cho khu vực miền núi, khu vực trọng điểm xảy ra sạt lở, lũ quét; cùng với đó là nghiên cứu ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, xây dựng hệ thống cảnh báo tác động và cảnh báo rủi ro do sạt lở đất.
PV: Thưa Tổng cục trưởng, trong điều kiện ngân sách cấp cho việc phát triển mạng lưới quan trắc còn hạn hẹp, đặc biệt đầu tư hệ thống trạm quan trắc tự động còn hạn chế, việc thuê dịch vụ đo mưa tự động nhằm hỗ trợ, phục vụ công tác dự báo KTTV là một giải pháp quan trọng, phù hợp với Chiến lược phát triển ngành KTTV đã đặt ra. Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của giải pháp này và những định hướng trong thời gian tới?
GS.TS Trần Hồng Thái:
Hiện nay, mạng lưới trạm đo mưa có 861 trạm được tự động hoàn toàn; Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ nâng số lượng trạm đo mưa tự động lên 1.000 trạm tại các điểm nằm trong danh sách quy hoạch theo Quyết định số 90 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, ngành KTTV sẽ đẩy mạnh công tác đầu tư phát triển mạng lưới đo mưa tự động, trong đó chú trọng công tác thuê dịch vụ đo mưa theo hình thức xã hội hóa cao. Những năm tiếp theo dự kiến có hơn 4.000 trạm đo mưa độc lập với mật độ trung bình khoảng 9km2/trạm và được phân bố phù hợp, ưu tiên cho các vùng còn trống số liệu, thường xuyên xảy mưa, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất, thường xuyên xảy ra thiên tai nguy hiểm…
Bên cạnh đó, cần quan tâm đến việc hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật nhằm bảo đảm cho hệ thống hoạt động ổn định lâu dài, đáp ứng công tác dự báo, cảnh báo KTTV phục vụ phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!