Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Giữ rừng cho biển thêm xanh
Biển đảo - Ngày đăng : 11:26, 05/05/2022
Hiểu rừng để giữ rừng
Đối với môi trường và đời sống người dân ven biển, rừng ngập mặn có vai trò hết sức quan trọng trong duy trì tính ổn định và độ màu mỡ của đất, hạn chế lũ lụt, hạn hán, ngăn chặn xói mòn đất, làm giảm nhẹ sức tàn phá khốc liệt của các thiên tai, bảo tồn nguồn nước và điều tiết môi trường, làm giảm mức ô nhiễm không khí...
Theo thống kê, diện tích rừng và đất rừng ngập mặn ven biển toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có khoảng 9.648ha, chiếm khoảng 88% đất rừng của tỉnh, phân bố dọc theo 72km bờ biển. Chủ yếu là rừng phòng hộ bảo vệ môi trường và rừng phòng hộ chắn sóng lấn biển với hệ sinh thái phong phú về chủng loại động thực vật. Đây là nơi có sản lượng sinh khối động thực vật lớn, nơi sinh đẻ, nuôi dưỡng và cung cấp thức ăn quan trọng cho các loài cua, cá, tôm biển và nhiều loài khác có giá trị kinh tế lớn; bồi đắp đất đai, bảo vệ vùng ven biển; tạo ra nơi cư trú cho nhiều loại động vật hoang dã.
Rừng ngập mặn ven biển Sóc Trăng có nhiều loài thực vật thuộc sách đỏ, chiếm ưu thế trong hệ thực vật rừng ngập mặn Việt Nam như đước, mắm, bần đắng, đây những loài cây tiên phong lấn biển, kết hợp với nhau tạo thành quần thể thực vật hỗn giao. Trong hệ thực vật của rừng ngập mặn, đước là loài có giá trị kinh tế cao nên thường được chọn là cây để trồng rừng, loài cây này hiện trong tình trạng phát triển tốt. Cùng với đước, loài quao nước sống trong môi trường nước lợ, do cây không có giá trị kinh tế nên ít bị chặt phá.
Những năm trước, dưới nhiều tác động của tự nhiên và con người, hệ sinh thái vùng ngập mặn bị suy giảm nghiêm trọng. Từ năm 2000 trở lại đây, rừng ngập mặn bắt đầu được khôi phục trở lại với sự chung tay của chính quyền địa phương, người dân và các dự án của các tổ chức nước ngoài với mục tiêu khôi phục rừng ngập mặn ven biển để cải thiện chức năng dinh dưỡng của rừng ngập mặn và bảo vệ bờ biển. Dự án không chỉ góp phần làm tăng độ phủ xanh của vùng ven biển mà còn nuôi ước mơ phục hồi trở lại những loài đặc biệt trong hệ sinh thái như trồng cây chà là làm nơi trú ngụ của loài đuôn đặc sản, nhân rộng giống dơi ngựa lớn tại khu vực đuôi cồn Cù Lao Dung; gọi loài rái cá lông mượt, cá ngát, nghêu, chim trời quay về...
Nhân lên những mảng xanh
Chỉ tính riêng giai đoạn từ năm 2015 - 2021, mỗi năm, tỉnh Sóc Trăng trồng thêm khoảng 300ha rừng, nâng tổng diện tích rừng ngập mặn ven biển lên gần 7.000ha, trong đó tập trung nhiều nhất ở TX. Vĩnh Châu với diện tích gần 5.000ha. Ngoài diện tích rừng ngập mặn hiện có, hiện các cơ quan chức năng, hội, đoàn thể, địa phương và các tổ chức quốc tế vẫn đang tiếp tục triển khai trồng cây gây rừng thuộc các dự án phát triển rừng phòng hộ ven biển, chống xói lở trên địa bàn tỉnh.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng Võ Minh Thiên không giấu được niềm vui, ông nói: “Để có được những vạt rừng phòng hộ ven biển với hàng trăm ha như hiện nay là sự nỗ lực, cố gắng đầu tư công sức, tiền của trong hơn 10 năm qua của các cấp, các ngành, hội đoàn thể, người dân, tổ chức quốc tế trong việc trồng và phát triển rừng, tạo thành vành đai rừng vững chắc bảo vệ khu vực bờ biển trước tác động từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng”.
Người đứng đầu ngành kiểm lâm chợt trầm tư khi nhớ lại quãng thời gian nhiều khó khăn đã qua, nhất là những tháng ngày cán bộ, nhân viên các ngành chức năng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh bền bỉ đi tuyên truyền, vận động người dân tham gia các hoạt động trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, thành lập các Tổ cộng đồng tham gia trồng và bảo vệ rừng…
Sự kiên trì đã cho quả ngọt. Năm 2009, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp với UBND TX. Vĩnh Châu, huyện Cù Lao Dung ra mắt 20 Tổ cộng đồng tham gia trồng và bảo vệ rừng với tổng cộng 240 thành viên, trong đó TX. Vĩnh Châu chiếm nhiều nhất với 13 tổ. Hằng tháng, các Tổ cộng đồng tham gia trồng, phân công thành viên phối hợp với lực lượng chức năng tuần tra, bảo vệ rừng; tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ rừng cho người dân; phát động phong trào thu gom rác thải dưới tán rừng, bờ biển, góp phần giúp cây sinh trưởng tốt và làm sạch các bãi bồi ven biển.
Nối dài cánh tay bảo vệ rừng
Những ngày này, thời tiết bắt đầu nắng nóng khiến cho lớp thực bì tại các khu rừng trên địa bàn TX. Vĩnh Châu trở nên khô, rất dễ xảy ra cháy rừng. Để chủ động phòng cháy, các thành viên của Tổ cộng đồng đã và đang ngày đêm phối hợp với lực lượng kiểm lâm tổ chức tuần tra, canh gác gần 5.000ha rừng mắm, đước ven biển.
Tổ cộng đồng tham gia trồng và bảo vệ rừng ở khóm 6, phường 1, TX. Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng được thành lập vào giữa năm 2009 với tổng cộng 21 thành viên. Trong hơn 10 năm đã qua, các thành viên trong tổ đã trực tiếp trồng gần 160ha rừng; tham gia chăm sóc, bảo vệ hơn 255ha rừng ngập mặn thuộc phường 1, phường 2, xã Vĩnh Hải, TX. Vĩnh Châu.
Tổ trưởng Tổ cộng đồng Trần Chí Dũng cho biết: Hằng ngày, ngoài việc tham gia tuần tra bảo vệ rừng, các thành viên trong Tổ còn tổ chức phát quang cây ngoại lai; trồng thay thế những cây bị chết; vận động, tuyên tuyền người dân sinh sống, sản xuất giáp với đai rừng phòng hộ các quy định về phòng cháy chữa cháy, nghiêm cấm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng.
Họ đã tham gia trồng và bảo vệ rừng bằng nhiệt huyết và lòng đam mê mà không đòi hỏi gì đến quyền lợi dù đời sống của nhiều gia đình còn khó khăn. Cũng vì sự nhiệt huyết đó mà từ khi thành lập đến nay, quân số của Tổ cộng đồng ở khóm 6, phường 1 luôn ổn định.
Tuy nhiên, để khuyến khích người dân tham gia bảo vệ rừng, thời gian qua, các cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ một số thành viên Tổ cộng đồng thực hiện các mô hình trồng hành trong nhà lưới, nuôi cua, khai thác một số loài thủy hải sản ở dưới tán rừng, giúp họ cải thiện đời sống, yên tâm gắn bó với rừng.
Là người có thâm niên hơn mười năm tham gia Tổ cộng đồng trồng và bảo vệ rừng ở khóm 6, ông Lâm Thi cho biết: “Chúng tôi nhận thức được rằng, muốn cho biển yên thì phải giữ rừng phòng hộ ven biển. Rừng là lá phổi xanh của biển, chỉ khi rừng xanh biển yên thì đời sống người dân mới thật sự ấm êm”.
Ông Trần Trọng Khiêm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Những việc làm hàng ngày của các thành viên trong Tổ cộng đồng tham gia trồng và bảo vệ rừng ở TX. Vĩnh Châu, huyện Cù Lao Dung nói chung và người dân ven biển Sóc Trăng nói riêng đã góp phần giảm tình trạng chặt phá rừng trái phép, duy trì ổn định và phát triển thêm diện tích rừng phòng hộ, góp phần giúp tỉnh Sóc Trăng ứng phó hiệu quả với những tác động ngày càng phức tạp, khó lường từ BĐKH, nước biển dâng”.
Hiện nay, Sóc Trăng đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trồng cây gây rừng, tạo vành đai rừng phòng hộ, bảo vệ vững chắc khu vực ven biển trước tác động từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đồng thời đầu tư những dự án phát triển du lịch sinh thái rừng ngập mặn nhằm tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt đối với những thành viên các Tổ cộng đồng tham gia trồng và bảo vệ rừng để họ yên tâm chung tay giữ rừng. Và như vậy, cứ từng chút, từng chút một, mỗi tổ chức, cá nhân góp thêm một cánh tay nối dài vòng tay gây dựng và bảo vệ rừng, để rừng mãi xanh cho biển thêm xanh.