Quảng Ngãi: Lo lắng nhà máy bột giấy xả thải ra biển
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 20:01, 04/05/2022
Nỗi lo ô nhiễm
Dự án Nhà máy Bột - giấy VNT19 do Công ty CP Bột giấy VNT19 làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp chứng nhận đầu tư vào ngày 31/3/2011. Đây là một trong những nhà máy bột giấy có quy mô lớn nhất Việt Nam, dự kiến sử dụng gần 117 ha đất, công suất thiết kế 350 nghìn tấn/năm (giai đoạn I), chủ yếu nằm ở thôn Phú Long, xã Bình Phước, huyện Bình Sơn; tổng vốn đầu tư gần 9.900 tỉ đồng, thời gian hoạt động là 50 năm.
Theo chủ đầu tư, nhà máy đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải mới 100% do Phần Lan thiết kế, cung cấp thiết bị, giám sát lắp đặt và chạy thử đảm bảo nước thải sau xử lý đạt các tiêu chuẩn quy định. Các nguồn nước thải của nhà máy được xử lý qua hệ thống xử lý tập trung với công suất 50.000 m3/ngày đêm.
Dự án thực hiện thiết kế xây dựng tuyến ống thoát nước đúng yêu cầu kỹ thuật; lắp đặt đường ống đảm bảo yêu cầu về độ nghiêng và chịu lực. Thiết kế các van sự cố trên tuyến ống để dễ dàng đóng, ngắt kịp thời; đảm bảo khắc phục sự cố trong mọi trường hợp để tránh gây ảnh hưởng đến người dân. Phương án vị trí xả thải cách bờ 1.000 m tại vịnh Việt Thanh với công nghệ xả thải phân tán.
Dù chủ đầu tư khẳng định việc xả nước thải ra vịnh Việt Thanh đảm bảo an toàn, nhưng qua sự cố môi trường tại một số dự án lớn ở miền Trung, chính quyền địa phương, người dân và cử tri huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi hết sức quan tâm, lo ngại về vấn đề xả thải của Nhà máy sẽ ảnh hưởng, tác động đến môi trường và đời sống sinh hoạt của người dân; phạm vi, mức độ ảnh hưởng khi Nhà máy để xảy ra sự cố môi trường, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị khi để xảy ra sự cố...
Ông Thới Văn Kim - Bí thư Chi bộ thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), khu vực biển ở Bình Trị - có nhiều cá cơm, ruốc… Đây là sinh kế của người dân địa phương, do đó cần tính toán kỹ khoảng cách từ bờ đến vị trí xả thải. Chính vì vậy, việc Nhà máy Bột - Giấy VNT19 trong quá trình xả thải gặp sự cố về môi trường thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của bà con ở đây.
“Đường ống nước xả thải ra vịnh Việt Thanh còn ngắn, cần đưa từ 1km cách bờ lên 1,5km để dòng nước khuếch tán nhiều hơn, loãng hơn, tránh ảnh hưởng đến khai thác nguồn lợi thủy sản, khu vực tắm biển của người dân. Nên xây dựng hồ kiểm chứng ngay trên động cát sát bãi biển để bà con cộng đồng dễ giám sát hơn” - ông Kim nói.
Một người dân khác cũng bày tỏ lo lắng khi đi vào hoạt động trong trường hợp nhà máy xảy ra sự cố công ty có nhận trách nhiệm không? Hồ sinh học và hồ kiểm chứng của nhà máy cần phải làm lớn hơn so với lượng nước thải dự kiến mỗi ngày. Hơn nữa, nhà máy xả thải ra vịnh Việt Thanh, một vịnh đẹp về du lịch của Quảng Ngãi sẽ gây nguy cơ ảnh hưởng đến phong cảnh nơi đây. Do vậy, nhà máy cũng cần phải có cam kết với địa phương và người dân việc xả thải không ảnh hưởng đến việc đánh bắt thủy sản ven bờ; tổ chức đối thoại, lấy ý kiến nhân dân để chuyển tải thông tin liên quan đến môi trường.
Cần cam kết bảo vệ môi trường
Ông Đỗ Thiết Khiêm – Phó bí thư Thường trực Huyện uỷ Bình Sơn cũng cho rằng, việc người dân xã Bình Trị (nơi có tuyến ống xả thải và điểm xả thải) lo lắng là hoàn toàn xác đáng. Chính vì vậy mà Huyện uỷ, Ban thường vụ huyện uỷ đặc biệt quan tâm, theo dõi để có chỉ đạo kịp thời. “Lãnh đạo huyện cơ bản thống nhất với phương án xả thải nhưng cần phải được kiểm soát, quản lý môi trường chặt chẽ, hệ thống thiết bị cần phải mới 100% như cam kết. Đề nghị ban quản lý nhà máy cần phải tiếp thu, bổ sung theo ý kiến tư vấn phản biện tại hội thảo này trước khi lấy ý kiến của người dân lần cuối. Đồng thời, các đơn vị thuộc huyện cần phải công khai thông tin liên quan dự án cho người dân nắm bắt”, ông Khiêm đề nghị.
Theo Thạc sĩ Trần Đông Phong - Tổng thư ký Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam cho rằng, đối với nhà máy Bột- Giấy VNT19, vấn đề liên quan môi trường nhiều nhất chính là nước thải, chủ yếu là trong quá trình tẩy trắng, do đó hệ thống xử lý rất quan trọng.
“Vịnh Việt Thanh rất nhạy cảm, yêu cầu cần phải giám sát chặt chẽ trước khi xả thải, vị trí thực hiện có đảm bảo khoảng cách theo quy định không? Bên cạnh đó, hồ sơ thiết kế xả thải của nhà máy là 50.000 m3/ngày đêm, tuy nhiên dung tích chứa của hồ sinh học chỉ có 25.000 m3/ngày đêm. Như vậy sẽ xảy ra hiện tượng nước xả sau xử lý sẽ luôn chảy tràn. Trong khi bình thường nước thải sẽ được tích trong hồ ổn định và cá nuôi kiểm chứng trong đó không bị ảnh hưởng. Do đó, cần kiểm tra lại để đảm bảo việc xả thải đảm bảo 50.000 m3/ngày đêm như thiết kế.”, Thạc sĩ Trần Đông Phong bày tỏ.
Để nhà máy sớm đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, các nhà khoa học, chuyên gia và lãnh đạo huyện Bình Sơn đề nghị Công ty CP Nhà máy Bột – Giấy VNT19 giải trình làm rõ, bổ sung, chỉnh sửa, cam kết, hoàn thiện đối với những nội dung góp ý của Hội đồng tư vấn phản biện. Chú ý lựa chọn phương án tối ưu về công nghệ và quy trình xử lý nước thải hoặc bố trí lại mặt bằng khu xử lý nước thải nhằm đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định.
Được biết, cách đây 5 năm (khoảng tháng 5/2017), trong quá trình bắt đầu triển khai xây dựng Nhà máy Bột-Giấy VNT19, người dân và chính quyền địa phương của tỉnh đã bày tỏ lo ngại, phản ứng về vấn đề môi trường, đặc biệt là việc xây dựng và xử lý nước thải của dự án này.