Australia đẩy mạnh mục tiêu tái chế

Thế giới - Ngày đăng : 19:15, 04/05/2022

(TN&MT) - Australia hiện đang nỗ lực để đạt được mục tiêu tái chế, phân hủy hoặc tái sử dụng 100% bao bì đóng gói của nước này vào năm 2025. Quốc gia này cũng đang tìm cách tăng tỷ lệ tái chế bao bì nhựa lên 70% trong thời gian trên.
7046b889-0fda-4f34-bd36-57a26e08d7fb(1).jpeg
Australia thải ra 54 megaton chất thải mỗi năm, tương đương khoảng 880kg mỗi người. Ảnh: CNA

Thách thức trong cải thiện khả năng thu gom và tái chế

Theo số liệu mới nhất từ ​​Tổ chức Hiệp ước Bao bì Australia (APCO), tính đến năm tài chính 2019-2020, 86% bao bì của nước này có thể tái chế, phân hủy hoặc tái sử dụng.

APCO hiện đang làm việc với 2.200 thành viên là các doanh nghiệp chiếm khoảng 20% GDP của đất nước đang hoạt động trên hơn 150 lĩnh vực, bao gồm bán lẻ, thực phẩm và đồ uống, viễn thông… để thiết kế bao bì cho các sản phẩm đang lưu hành và mở rộng thị trường cho bao bì đã sử dụng.

Tuy vậy, quốc gia này dường như đang bị “tụt hậu” trong mục tiêu tái chế, với chỉ 16% bao bì nhựa được tái chế hoặc phân hủy hoàn toàn thành phân ủ trong giai đoạn 2009-2020.

Bà Brooke Donnelly, Giám đốc điều hành của APCO nhận định: “Việc cải thiện khả năng thu gom và tái chế là khó khăn nhất. Chúng tôi thực sự cần đảm bảo rằng rác thải đang được thu gom đúng cách, phân loại phù hợp và các vật liệu được đưa vào cơ sở hạ tầng đang được xây dựng, để tái chế”.

Nhân rộng chương trình tái chế hữu hiệu

Nhằm khuyến khích người tiêu dùng tái chế đúng cách, APCO đã tạo ra nhãn tái chế mà các thương hiệu ở Australia có thể thêm vào trên các nhãn sản phẩm để xác định rõ ràng hơn các thành phần khác nhau và phân loại dễ dàng hơn khi vứt bỏ.

Các nhãn này được phát triển vào năm 2018, liệt kê các thành phần hoặc vật liệu được sử dụng trong đóng gói sản phẩm như hộp hoặc nắp, kèm theo hướng dẫn về việc chúng nên được tái chế, vứt bỏ hay tái chế đặc biệt – chẳng hạn như thông qua thùng thu gom nhựa mềm.

Theo bà Donnelly, việc này giúp người tiêu dùng vứt bỏ rác thải vào đúng thùng và đảm bảo rằng chúng sẽ thực sự đến được những cơ sở tái chế, giáo dục mọi người cách phân loại đúng các loại rác thải.

Ngoài ra, một nhóm công ty bao gồm Nestlé, Nespresso Australia và công ty tái chế iQRenew đã tiến hành một thử nghiệm nhằm thu gom, xử lý và tái chế nhựa phế thải mềm từ các gia đình thành các sản phẩm khác và mở rộng đến nhiều hộ gia đình hơn.

Tính đến nay, khoảng 15.000 hộ gia đình ở khu vực Central Coast và Newcastle Council đang tham gia vào chương trình tái chế Curby Soft Plastics, tăng nhiều so với chỉ 2.000 hộ khi chương trình thử nghiệm lần đầu tiên được triển khai vào năm 2020.

Giấy gói bánh quy và túi nhựa là loại nhựa mềm được thu gom trải qua quá trình tái chế vật lý và hóa học để tạo ra loại nhựa dùng để sản xuất nhiều loại sản phẩm như bao bì hoặc các tấm pano dùng trong xây dựng. Đến nay, chương trình đã giúp chuyển hơn 50.000kg nhựa mềm từ các bãi rác đến các trung tâm tái chế.

Chương trình hiện đang mở rộng quy mô và số lượng các cơ sở thu hồi rác thải nhựa trực tuyến ngày càng gia tăng.

Mai Đan