Những dự án cộng đồng ứng phó biến đổi khí hậu
Thế giới - Ngày đăng : 15:51, 04/05/2022
Đầu tháng 4, 29 quốc gia đã cam kết tài trợ hơn 5 tỷ USD cho Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn. Hành động này được đánh giá là sự hỗ trợ lớn giúp tăng cường động lực để thúc đẩy bảo vệ sự đa dạng sinh học và hạn chế các mối đe dọa đối với biến đổi khí hậu, nhựa và hóa chất độc hại.
GEF là một quỹ đa phương đóng vai trò là cơ chế tài chính cho một số công ước về môi trường, bao gồm Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu và Công ước về đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc.
GEF cũng có Chương trình Tài trợ Nhỏ (SGP) với khoản trợ cấp lên tới 50.000 USD cho các cộng đồng địa phương để đầu tư vào dự án “chữa lành” Trái đất.
Trong số hơn 25.000 dự án được thực hiện kể từ năm 1992 - thời điểm GEF bắt đầu hoạt động, theo UN News, dưới đây là 5 hoạt động nổi bật và ấn tượng nhất.
Mang ánh sáng đến vùng nông thôn Belize.
Belize - nơi một số ngôi làng nằm cách xa hệ thống điện lưới quốc gia khiến việc cấp điện cho họ trở nên khó khăn và tốn kém. Tuy nhiên, nhờ sự hợp tác được tài trợ bởi Chương trình Tài trợ Nhỏ (SGP) của GEF, 3 nữ kỹ sư bản xứ đã lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời và đóng góp vào sự phát triển bền vững của các cộng đồng bản địa nhỏ ở Nam Belize.
Họ là Florentina Choco, Miriam Choc và Cristina Choc, từng được đào tạo tại Trường Cao đẳng Barefoot ở Ấn Độ để xây dựng và sửa chữa các hệ thống năng lượng mặt trời.
“Những người phụ nữ này đã phá bỏ định kiến về giới tính! Họ đã lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời cho bốn vùng bản địa và mang lại ánh sáng cho hơn 1.000 cư dân”, Leonel Requena, Điều phối viên Quốc gia SGP Belize cho biết.
Vào năm 2021, bất chấp đại dịch COVID-19, 3 kỹ sư năng lượng mặt trời này cùng với chính quyền quốc gia và các đối tác đã lắp đặt các hệ thống năng lượng mặt trời cho hai cộng đồng xa xôi nhất của Belize. Nhờ đó, điện đã được kết nối đến 25 ngôi nhà, tức 150 cư dân và một trường tiểu học với 30 trẻ em.
Không chỉ cấp điện, hành động này còn làm giảm 6,5 tấn khí thải carbon. Ông Requena đã công nhận, phụ nữ là những nhà lãnh đạo xuất sắc ở Belize.
Biến Barbados thành nhà vô địch bảo tồn đồi mồi
Đồi mồi (một loại rùa biển thuộc họ Vích) được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế xếp vào loại cực kỳ nguy cấp do số lượng đang giảm dần trên khắp thế giới. Trong hàng trăm năm, đồi mồi đã bị săn bắt để lấy trứng và thịt. Giờ đây, sự phát triển của chúng cũng bị đe dọa do khí hậu.
Cách đây 20 năm, dự án Rùa biển Barbados cho phép gắn thẻ lên các con rùa biển họ Vích đã mở ra cơ hội lớn cho loài sinh vật biển này phát triển mạnh trở lại ở đảo Barbados thuộc vùng Caribê. Việc gắn thẻ cho rùa giúp các nhà khoa học và nhà bảo tồn theo dõi sự di chuyển, tính toán tốc độ tăng trưởng, khả năng sống sót và số lượng sinh sản của chúng.
Barbados hiện là nơi sinh sống của quần thể đồi mồi lớn thứ hai trong vùng Caribe rộng lớn, với 500 con cái làm tổ mỗi năm. Vào mỗi tháng 8, khi rùa con nở, những người điều hành dự án sẽ có mặt 24/7 để ứng phó với các trường hợp khẩn cấp nếu rùa con về biển sai hướng hoặc bảo vệ tổ trong mùa bão.
Những người điều hành dự án cũng giúp quảng bá du lịch sinh thái, mang lại nguồn thu nhập cho người dân địa phương.
Dự án nổi tiếng này đã nhận được một khoản tài trợ trị giá 46.310 USD từ GEF.
Hỗ trợ giảm thiểu suy thoái rừng Amazon
Puerto Ayacucho là Thủ đô cũng như thành phố lớn nhất của bang Amazonas ở phía Nam Venezuela. Nhiều cư dân sống ở đây đã phải di dời khỏi vùng đất của họ do cuộc khủng hoảng kinh tế cũng như sự xuất hiện các nhóm vũ trang và hoạt động khai thác bất hợp pháp.
Dự án Amazonas Originaria hiện đang đào tạo một nhóm các gia đình bản địa di cư sử dụng bền vững và chăm sóc các khu rừng nhiệt đới ở vùng lân cận Puerto Ayacucho. Họ được học cách chăm sóc cây trồng như ca cao, cupuaçu, manaca và túpiro (tất cả các loại cây bản địa của Amazon) cũng như cách sản xuất bột giấy, socola, giỏ và các sản phẩm thủ công khác từ trái cây.
“Đặc biệt, dự án này rất thú vị và đầy cảm hứng vì được dẫn dắt bởi phụ nữ… Không chỉ góp phần chống lại biến đổi khí hậu, mục đích của Amazonas Originaria còn là bảo tồn rừng Amazon”, Điều phối viên Quốc gia GEF-SGP tại Venezuela Alexis Bermúdez chia sẻ.
Tại Amazon, nạn phá rừng đang làm giảm trữ lượng carbon và biến đổi khí hậu khu vực. Tác động của biến đổi khí hậu, suy thoái rừng và cháy rừng có thể khiến 60% rừng nhiệt đới Amazon biến mất vào năm 2050.
Sáng kiến do SGP hỗ trợ không chỉ đào tạo người dân sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc từ Amazon và bao bì sinh thái giúp họ đa dạng hóa sinh kế, mà còn giúp phục hồi các khu vực của rừng nhiệt đới bị suy thoái bằng cách trồng lại cây bản địa và các loài cây khác.
“Chúng tôi giúp cho người dân bản địa có được sức mạnh và tự tin để đối mặt với việc bảo tồn văn hóa, môi trường cũng như sản xuất và tiếp thị sản phẩm của họ ở nhiều thị trường, góp phần trực tiếp tạo ra nền kinh tế bền vững”, Kenia Martinez từ Amazonas Originaria nhấn mạnh.
Phát triển ngành du lịch thân thiện môi trường
Du lịch cộng đồng là một giải pháp kinh tế cho phép cộng đồng địa phương tạo ra thu nhập bổ sung cho các hoạt động sản xuất chính, đồng thời, bảo vệ và nâng cao giá trị tự nhiên và văn hóa. Tuy vậy, quản lý du lịch sai cách có thể gây áp lực lên tài nguyên thiên nhiên và làm tăng ô nhiễm và mất môi trường sống tự nhiên.
Do đó, dự án Đối thoại Kiến thức Mỹ Latinh xung quanh Du lịch cộng đồng ra đời đã tập hợp các doanh nghiệp du lịch từ Costa Rica, Panama, Colombia và Mexico để trao đổi kinh nghiệm thực tiễn quý báu. “Một mình sẽ đi nhanh hơn, nhưng đi cùng nhau có thể khiến chúng ta tiến xa hơn”, Beatriz Schmitt, Điều phối viên Quốc gia SGP Panama nhấn mạnh.
Các ý tưởng được SGP hỗ trợ bao gồm các khóa đào tạo trực tuyến và trao đổi thực tiễn với 23 tổ chức nông thôn nhằm tập trung vào phát triển địa phương, mạng lưới hợp tác làm việc, tiếp thị, quan điểm thể chế và các quy trình an toàn sinh học. Vào cuối khóa đào tạo trực tuyến, các học viên được trải nghiệm du lịch cộng đồng ở Costa Rica.
Trao đổi với UN News, bà Viviana Rodriguez, Trợ lý Chương trình SGP tại Panama cho biết: “Du lịch cộng đồng là một chiến lược mang lại thu nhập cho người dân nông thôn tại địa phương. Dự án này rất quan trọng vì du lịch không chỉ được tiếp cận như một hoạt động kinh doanh mà còn bắt nguồn từ kinh nghiệm bảo tồn đất ở nơi họ sinh sống”.
Theo bà Rodriguez, bằng cách bảo tồn những khu vực này cho du lịch và giảm bớt các hoạt động khác như sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, các cộng đồng nhỏ cũng đang đóng góp vào vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
“Cứu” Páramos ở Colombia
Páramo còn được biết đến với miêu tả là một hệ sinh thái thảo nguyên nhiệt đới. Ở Colombia, các páramo trên dãy núi Andes chỉ chiếm 1,7% lãnh thổ quốc gia nhưng lại đóng góp vào 85% nước uống của người dân.
Guardianas de los Páramos (Những người phụ nữ bảo vệ Páramos) là một Liên minh giữa Chương trình Tài trợ Nhỏ của GEF và hai tổ chức nhằm tập trung bảo tồn và thích ứng với biến đổi khí hậu ở Páramos Pisba và TotaBijagual-Mamapacha, cách Bogotá khoảng 280km về phía Đông Bắc.
Liên minh đặc biệt chú trọng đến sự tham gia của phụ nữ vì trong lịch sử, sự can thiệp của phụ nữ trong quản lý môi trường bị giảm đi do sự phân biệt đối xử và tiếp cận nguồn lực không bình đẳng.
Catalina Avella, điều phối viên của liên minh cho biết: “Cần phải kiểm soát hoặc giảm áp lực cũng như ảnh hưởng tiêu cực do hoạt động khai thác đối với páramo và thiết lập các khu vực bảo tồn, các biện pháp giảm thiểu rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu”.
Các sáng kiến cũng bao gồm thích ứng với hệ thống ống dẫn nước và xây dựng các vườn nông nghiệp tự chế để hạn chế sử dụng hệ thống sản xuất truyền thống có hại cho môi trường.