Huế: Mưa kéo dài, nhiều diện tích lúa đổ ngã
Xã hội - Ngày đăng : 17:42, 03/05/2022
Theo ghi nhận của PV, khoảng 3 ngày qua, mưa diễn ra liên tiếp tại Thừa Thiên – Huế. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) cho biết, đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra tình hình thiệt hại do ảnh hưởng mưa lớn, lúa đông xuân đổ ngã, ngập úng và hướng dẫn các HTX biện pháp ứng phó nhằm giảm thiệt hại cho cây trồng.
Vụ đông xuân 2021- 2022, toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đưa vào gieo cấy hơn 28.000 ha lúa. Đến thời điểm hiện tại có khoảng 27.000 ha trổ bông và gần 1.000 ha bắt đầu thu hoạch.
Do mưa, nhiều diện tích lúa đông xuân đang trổ bông ở một số địa phương như Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Lộc… bị ngã đổ, ngập úng hàng loạt. Hiện các HTX đang huy động máy bơm tiêu úng cứu lúa.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, đơn vị đã chỉ đạo các địa phương, HTX, đối với diện tích lúa ngập úng, khẩn trương huy động lực lượng khơi thông dòng chảy, tiêu nước trong ruộng lúa, không để ruộng lúa bị ngâm nước nhiều ngày, nhằm hạn chế lúa bị mọc mầm và các nấm gây bệnh như đạo ôn cổ bong, lem lép hạt, khô vằn phát sinh gây hại nặng ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng gạo.
Đối với diện tích lúa bị đổ ngã, diện tích lúa giai đoạn trổ chín, có tỷ lệ hạt chín trên bông cao tiến hành thu hoạch sớm, với phương châm xanh nhà hơn già đồng để hạn chế thiệt hại.
Diện tích lúa giai đoạn trổ chắc xanh, sau khi tháo cạn nước trong ruộng cần tiến hành dựng lúa bằng cách túm 3-5 gốc lúa lại với nhau bằng sợi ni lông, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lúa trổ, vào chắc và chín.
Đối với lúa làm đòng chuẩn bị trổ cần thoát nước nhanh, dựng lúa nếu bị đổ rạp, sau khi thời tiết tạnh ráo tiến hành phun bổ sung phân bón lá siêu kali để cây lúa nhanh chóng phục hồi và thúc đẩy lúa trổ thoát. Tăng cường kiểm tra các đối tượng sinh vật gây hại như bệnh lem lép hạt, khô vằn, rầy nâu,…để chỉ đạo phun trừ kịp thời, hạn chế thiệt hại, nhất là trên diện tích lúa bị ngập úng, đổ ngã...