Thừa Thiên – Huế: "Điểm mặt" một số dự án treo, chậm tiến độ

Đất đai - Ngày đăng : 17:41, 03/05/2022

Tại Thừa Thiên - Huế hiện nay, vẫn tồn tại nhiều công trình, dự án chậm triển khai hoặc xây dựng không hiệu quả, “đắp chiếu” gây lãng phí tài nguyên đất đai, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế.

Năm 2008, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Công nghệ Việt Nam (Vinconstec) làm chủ đầu tư dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng Vinconstec - Huế (đóng ở xã Phú Thuận, huyện Phú Vang), quy mô thực hiện rộng hơn 70 ha, tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng. Dự án sẽ xây dựng hơn 700 căn nhà thương mại có diện tích 150 m2/căn, 91 căn nhà biệt thự ven biển, 53 căn nhà biệt thự ven phá Tam Giang, 4 tòa nhà là khách sạn 5 sao và căn hộ cao cấp, resort ven biển và khu tái định cư...

Theo phê duyệt, giai đoạn 1 dự án từ năm 2012- 2015 và giai đoạn 2 kết thúc vào năm 2017. Nhưng sau khi xây xong phần khung, dự án “đắp chiếu” từ đó cho đến nay. Các công trình, biệt thự đang nằm trơ trọi như những căn nhà hoang. Những móng trụ, cọc sắt hoen gỉ, xuống cấp. Nước mưa đọng lại bốc mùi, xung quanh cỏ dại mọc um tùm, rác thải bừa bãi gây ô nhiễm...

a.jpg

Khu đô thị nghỉ dưỡng Vinconstec - Huế nằm trơ trọi

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên – Huế, dự án chậm tiến độ do vướng mắc trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư kiến nghị được điều chỉnh giảm quy mô dự án từ 72,09 ha xuống còn 30,4 ha và đã được UBND tỉnh thống nhất vào năm 2015. Đến cuối năm 2019, qua nhiều lần báo cáo phương án điều chỉnh quy hoạch tại Sở Xây dựng, nhà đầu tư vẫn chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Nguyên nhân là hồ sơ báo cáo đều chỉ mang tính phác thảo, chưa có sự đầu tư, nghiên cứu sâu về nội dung điều chỉnh, chất lượng không bảo đảm yêu cầu. Bên cạnh đó, nhà đầu tư chưa phối hợp với đơn vị tư vấn có đủ năng lực tư vấn lập quy hoạch theo quy định.

Sở Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp các ban ngành liên quan rà soát hồ sơ, nghiên cứu căn cứ pháp lý để tiến hành thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, chấm dứt hoạt động đầu tư dự án theo quy định.

Trong khi đó, nhếch nhác và xuống cấp, trở thành nơi chăn thả trâu bò… là hiện trạng nhức nhối tại khu vực dự án Nhà máy xi măng Nam Đông (xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông).

Công trình này được khởi công vào năm 2009, do Công ty CP Đầu tư xi măng Nam Đông - Việt Song Long làm chủ đầu tư, tổng vốn hơn 4.400 tỷ đồng, cam kết hoàn thành vào năm 2011 trên diện tích 40 ha.

Người dân và chính quyền từng rất phấn khởi khi dự án đáp ứng nhu cầu khai thác 50 năm, cho ra lò trung bình 1,8 triệu tấn xi măng/năm, qua đó giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động địa phương, đóng góp vào ngân sách tỉnh. Thế nhưng, dự án xây dựng dang dở và “đắp chiếu” đến nay. Cũng chừng ấy thời gian, hàng chục hộ dân nhường đất cho dự án gặp nhiều khó khăn do thiếu đất sản xuất.

hueee.jpg

Dự án Nhà máy xi măng Nam Đông nhếch nhác

Ông Nguyễn Như Hai là một trong số các hộ dân bị thu hồi hơn 4 ha đất. Cũng như bao người dân khác, ông đã xin chính quyền cho mình trồng các loại cây ngắn ngày ở khu vực dự án và cam kết dẹp bỏ ngay khi dự án tái triển khai.

“Nhân dân nhường đất cho xây dựng nhà máy để tạo công ăn việc làm, nhưng mười mấy năm đã qua nhà máy không triển khai khiến đất bỏ hoang, quá lãng phí. Người dân kiến nghị chính quyền huyện và tỉnh nếu dự án làm được tiếp thì cho làm, nếu không xin thu hồi lại đất để cho nhân dân trồng trọt, để phát triển kinh tế...”, ông Hai bày tỏ.

Năm 2019, dựa trên kiến nghị của tỉnh Thừa Thiên - Huế, Thủ tướng đã đồng ý cho phép triển khai lại dự án trên tinh thần lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực. Tuy nhiên, từ đó đến nay, dự án này vẫn “án binh bất động”. Hiện Sở Kế hoạch & Đầu tư đang phối hợp với các sở, ngành liên quan tìm phương án xử lý phù hợp.

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế còn hàng chục dự án chậm tiến độ, ngừng triển khai trong thời gian dài, tác động xấu môi trường đầu tư. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện toàn tỉnh có khoảng 63 dự án cần rà soát tiến độ.

Theo ông Phan Quốc Sơn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế, nguyên nhân dẫn đến các dự án treo, chậm tiến độ là do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Các quy định của pháp luật liên quan tới công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thay đổi, khung giá đền bù có khoảng cách lớn so với giá cả thị trường, đơn giá đền bù được điều chỉnh hàng năm dẫn tới phải thường xuyên tính toán bổ sung. Việc bố trí kinh phí và nguồn lực cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm, chưa đáp ứng đúng nhu cầu.

“Diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 kéo dài từ cuối năm 2019 đến nay làm ảnh hưởng chung đến tiến độ, tình hình triển khai dự án đầu tư, đặc biệt trong việc mua sắm máy móc, thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài cũng như khả năng tiếp cận nguồn vốn vay do suy thoái kinh tế”, ông Sơn nói.

Vừa qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thành lập 4 tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để giải quyết vướng mắc của các dự án. Ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, quan điểm của tỉnh giai đoạn này là thúc đẩy mạnh hơn thủ tục đầu tư, phục vụ công tác hỗ trợ đầu tư.

“Các dự án khi triển khai rất chậm, không đảm bảo theo thời gian, thủ tục và quy trình. Tỉnh đã cho rà soát và đã có chỉ đạo các sở, ban ngành giám sát nhà đầu tư nếu đưa đất vào thực hiện không đúng quy định sẽ xử lí theo thẩm quyền. Trên cơ sở giám sát, nếu dự án triển khai quá thời hạn quy định sẽ bị xử phạt, thậm chí chấm dứt dự án”, ông Phương nhấn mạnh.

Văn Dinh