Hoài Ân (Bình Định): Tự hào đi lên cùng đất nước

Xã hội - Ngày đăng : 20:07, 01/05/2022

Từ một địa phương bị chiến tranh tàn phá nặng nề, sau 50 năm xây dựng và trưởng thành kể từ Ngày giải phóng 19/4/1972, Hoài Ân không ngừng phát triển về kinh tế - xã hội. Ðến nay, Hoài Ân là địa phương đi đầu của tỉnh Bình Định phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng công nghệ cao bền vững.

Tự hào truyền thống anh hùng

Hoài Ân là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, hiếu học; quê hương của nhà yêu nước Tăng Bạt Hổ. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Hoài Ân luôn một lòng sắt son với Đảng, anh dũng, kiên cường và góp phần cùng với tỉnh Bình Định trở thành hậu phương vững chắc của Khu V.

Hoài Ân cũng là nơi ra đời, nuôi dưỡng và trưởng thành của Sư đoàn 3 Sao Vàng anh hùng - Sư đoàn quân chủ lực đầu tiên của Quân khu V. Cùng với dân và quân toàn tỉnh, dân và quân Hoài Ân phối hợp với bộ đội chủ lực Sư đoàn 3 Sao Vàng chiến đấu anh dũng, lập nên nhiều chiến công vang dội, mà đỉnh cao là chiến thắng Xuân - Hè 1972, giải phóng hoàn toàn huyện Hoài Ân vào ngày 19/4/1972.

Hoài Ân là huyện đồng bằng đầu tiên của Khu V được giải phóng trong chống Mỹ cứu nước, đồng thời là một trong những huyện giải phóng hoàn chỉnh trên chiến trường miền Nam trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Thắng lợi của chiến dịch Xuân - Hè 1972 giải phóng hoàn toàn huyện Hoài Ân có ý nghĩa chiến lược quan trọng, làm tiền đề cho chiến thắng Bắc Bình Định, góp phần cùng với toàn chiến trường mở ra vùng chiến lược quan trọng ở đồng bằng Nam Trung bộ và nối liền duyên hải với Tây Nguyên.

h1.jpg
 Hoài Ân phát triển toàn diện sau 50 năm Ngày giải phóng 

Trong công cuộc bảo vệ và xây dựng quê hương, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng cho Đảng bộ và nhân dân Hoài Ân nhiều phần thưởng cao quý, trong đó, đáng trân trọng và tự hào là vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng vào dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng huyện nhà. Tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng quê hương, huyện Hoài Ân vinh dự đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ. Đó là những danh hiệu, phần thưởng cao quý, là niềm vinh dự, tự hào của toàn Đảng bộ, quân và dân huyện Hoài Ân, là nguồn động viên to lớn, tạo nên sức mạnh để huyện Hoài Ân tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới.

Viết tiếp bản hùng ca xây dựng quê hương giàu đẹp

Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, từ một địa phương bị chiến tranh tàn phá nặng nề, sau 50 năm xây dựng và trưởng thành kể từ Ngày giải phóng 19/4/1972, Hoài Ân không ngừng phát triển về kinh tế - xã hội. Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển nông, lâm nghiệp toàn diện, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây trồng, vật nuôi mang thương hiệu riêng của huyện Hoài Ân; cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển; công nghiệp, thương mại - dịch vụ, văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ; quốc phòng - an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được giữ vững; bộ mặt đô thị, nông thôn, miền núi có nhiều khởi sắc.

h2.jpg
 Hoài Ân hướng đến xây dựng đô thị xanh -sạch - đẹp 

Đặc biệt, điểm sáng của huyện Hoài Ân là tập trung phát triển ngành nông nghiệp theo hướng công nghệ cao; nhiều sản phẩm thế mạnh của huyện từng bước khẳng định được giá trị, thương hiệu trên thị trường như: “Trà Gò Loi”, “Bưởi da xanh”, “Heo Hoài Ân”, “Dừa xiêm”, “Gà ta thả vườn”. Riêng ngành chăn nuôi heo chiếm hơn 67% cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp của huyện và luôn đứng đầu tỉnh Bình Định về tổng đàn và chất lượng. Cùng với những thành quả trong công tác xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Phát triển bền vững những sản phẩm chủ lực

Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Hoài Ân chú trọng công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch vùng sản xuất theo quy mô hàng hóa, xây dựng nhãn hiệu và quảng bá cho sản phẩm nông nghiệp. Ðến nay, Hoài Ân là địa phương đi đầu trong tỉnh Bình Định phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng bền vững với Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực huyện Hoài Ân giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Chia sẻ với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường về chiến lược phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực địa phương, ông Nguyễn Xuân Phong - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân cho biết: Hiện nay huyện Hoài Ân bắt đầu hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái hợp chuẩn VietGAP, vùng sản xuất lúa gạo hữu cơ, vùng chăn nuôi an toàn sinh học với hệ thống các trang trại, gia trại quy mô lớn.

“Đến tháng 5/2022, Hoài Ân sẽ tổ chức Ngày hội nông sản huyện Hoài Ân lần thứ I. Đây là dịp để nông sản Hoài Ân trình làng trong một diện mạo mới. Ngày hội là dịp để huyện giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp đã có nhãn hiệu như “Bưởi Hoài Ân”, “Trà Gò Loi”, các sản phẩm đang trong lộ trình hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ như “Lúa hữu cơ Hoài Ân”, “Heo Hoài Ân”, “Gà ta thả vườn Hoài Ân”. Cùng với việc quảng bá sản phẩm là cơ hội để thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ nông sản tìm hiểu cơ hội đầu tư tại địa phương; nhà quản lý giữ vai trò kết nối để đưa tới những cuộc gặp gỡ, ký kết thúc đẩy phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện” ông Nguyễn Xuân Phong nói.

h3.jpg
 Công trình cầu Phú Văn mở ra con đường phát triển kinh tế - xã hội của huyện Hoài Ân

Điểm nổi bật đầu tiên trong phát triển kinh tế của huyện Hoài Ân là sản xuất nông, lâm nghiệp được duy trì, năng suất các loại cây trồng tăng cao. Huyện đã bám sát Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030, trong đó giữ vững vùng sản xuất lúa và phát triển các loại cây trồng có thế mạnh của địa phương như bưởi da xanh, dừa xiêm, mít Thái, bơ sáp. Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong năm 2021 trên 1.235ha, đạt 102,9% kế hoạch. Ngoài ra, huyện đã ổn định đàn heo theo hướng nâng cao giá trị, đến cuối năm 2021 đạt trên 265 nghìn con và cùng với nhiều vật nuôi mới như gà thả đồi, chim trĩ, công, ong dú.

Ông Nguyễn Xuân Phong - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân cho biết thêm: Thời gian đến, huyện Hoài Ân tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, trong đó tập trung vào các mặt hàng có giá trị và sản phẩm nông nghiệp mang tính hàng hóa, ưu tiên sản xuất các mặt hàng theo Đề án phát triển sản phẩm du lịch của địa phương đến năm 2025.

Những thành tựu mà Đảng bộ, quân và dân Hoài Ân đạt được trong thời gian qua là minh chứng về sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong huyện chung sức đồng lòng xây dựng quê hương Hoài Ân đi lên đầy tự hào, phát triển cùng đất nước trên vùng đất anh hùng.

Mỹ Bình