Kinh tế TP.HCM: Hồi sinh và bứt phá
Kinh tế - Ngày đăng : 11:13, 30/04/2022
Khởi đầu thuận lợi nhưng không chủ quan
Trong quý I/2022, tổng thu ngân sách Nhà nước của TP.HCM ước đạt 121.037 tỷ đồng, đạt 31,31% dự toán, tăng 9,41% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 11,9 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 2,2%); tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 17,4 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 17,7%).
Bên cạnh đó, những tháng đầu năm 2022, trên địa bàn thành phố có gần 9.200 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là gần 146.000 tỷ đồng (tăng gần 28% về số lượng doanh nghiệp và giảm 7,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ). Đến nay, hơn 98% các cơ sở sản xuất đã mở cửa nhà máy, phân xưởng sản xuất, việc lưu thông hàng hóa bảo đảm thông suốt. Các điểm bán lẻ, hệ thống phân phối, nhà hàng, khách sạn, hàng quán kinh doanh ăn uống... đã mở cửa trở lại toàn hệ thống.
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, đặt trong bối cảnh TP.HCM vừa trải qua năm 2021 phải chiến đấu khốc liệt với dịch Covid-19 với mức tăng trưởng âm 6,78%, mức tăng trưởng trong quý 1/2022 đã chứng minh cho sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM. Đây là sự khởi đầu thuận lợi, rất phấn khởi, thể hiện năng lượng mạnh mẽ để vượt qua đại dịch của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể người dân thành phố.
Tuy nhiên, Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng cho rằng, mặc dù có một sự khởi đầu thuận lợi rất phấn khởi, TP.HCM vẫn không nên quá lạc quan vì hiện nay thành phố vẫn còn phải đối diện với nhiều khó khăn, thử thách. Đó là, dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp do chủng Omicron; tình hình thế giới bất ổn kéo theo một số yếu tố bất lợi về tăng giá xăng dầu dẫn đến nguy cơ tăng giá các mặt hàng, gây khó khăn cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội thành phố...
Trước những thách thức đó, theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, thành phố sẽ thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2022 là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”. Trong đó, TP.HCM sẽ tăng cường kiểm soát giá cả, lĩnh vực thương mại, dịch vụ, bình ổn giá, duy trì xuất khẩu, nâng cao công tác dự báo và cập nhật thường xuyên.
Năm 2022, TP.HCM sẽ tiếp tục duy trì 100% số hộ dân sử dụng nước sạch; duy trì xử lý chất thải rắn, y tế và nước thải công nghiệp đạt 100%; tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 6,6 triệu m2 và diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 21,2m2/người; diện tích cây xanh đô thị đạt không dưới 0,57m2/người...
Đồng thời, TP.HCM cũng sẽ sớm tháo gỡ khó khăn trong thực hiện dự án Vành đai 2, 3, 4; quản lý chặt chẽ, minh bạch thị trường bất động sản; rà soát, xử lý các dự án chậm triển khai, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng; tăng cường các hoạt động chỉnh trang đô thị, giảm ngập nước và bảo vệ môi trường; triển khai các hoạt động thúc đẩy góp phần từng bước tăng diện tích mảng xanh đô thị.
Đẩy mạnh kinh tế số
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế TP.HCM năm 2022 với chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP.HCM trong tương lai” được tổ chức mới đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết: Mục tiêu phát triển đến năm 2025, TP.HCM là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Đến năm 2030, TP.HCM là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, chính quyền số, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Trong đó, TP.HCM phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số đóng góp khoảng 25%, đến năm 2030 là và 40% trong cơ cấu GRDP.
Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ này, TP.HCM phải vượt qua một biến cố chưa từng có trong lịch sử, đại dịch Covid-19 đã làm đứt gãy nhiều hoạt động kinh tế - xã hội. Song cũng từ môi trường này, trong ứng phó với đại dịch, môi trường chuyển đổi số lại có cơ hội phát triển mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực, nhiều doanh nghiệp và địa phương sử dụng. Có thể nói, kinh tế số đã phát triển nhanh hơn nhờ đại dịch.
Và để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế số, cần đòi hỏi tinh thần dám nghĩ, dám làm, chủ động thay đổi, đổi mới sáng tạo của đội ngũ cán bộ, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể người dân thành phố. Triển khai hiệu quả chuyển đổi số, kinh tế số là một trong những cơ hội quan trọng, giúp TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung đi tắt, đón đầu, phát triển nhanh chóng, đuổi kịp và tiến vượt so với các nước trong khu vực.
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, đến nay, TP.HCM đã xây dựng kế hoạch hành động, quyết tâm thực hiện chương trình chuyển đổi số. Trong đó, TP.HCM ưu tiên chuyển đổi số một số lĩnh vực như đất đai, xây dựng, hộ tịch, đăng ký doanh nghiệp, đầu tư; triển khai những đề án về kinh tế số, hệ sinh thái sản phẩm. TP.HCM cũng tập trung chuyển đổi số nâng cao hiệu quả doanh nghiệp và hộ kinh doanh, phát huy tính sáng tạo, tăng cường khả năng tiếp cận các mô hình kinh doanh mới nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả.
Đồng thời, thành phố sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ thuộc chương trình nghiện cứu AI, trở thành công nghệ cốt lõi trong đô thị thông minh, triển khai đồng bộ hạ tầng số, nghiên cứu triển khai chính sách có thử nghiệm dịch vụ kinh tế số mới, tập trung triển khai trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nghiên cứu đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.
Ngoài ra, TP.HCM đặt mục tiêu sớm đưa Viện Công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo Thành phố, Trung tâm tư vấn hỗ trợ chuyển đổi số hoạt động hiệu quả; tập trung triển khai đề án xây dựng đô thị thông minh (giai đoạn 2); hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước thúc đẩy các đề án phát triển giáo dục thông minh, y tế thông minh, chương trình Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo; quyết tâm hình thành nhanh một hệ sinh thái toàn diện phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế số của thành phố.