Thành phố mang tên Bác, hai dấu mốc mùa Xuân

Trong nước - Ngày đăng : 11:13, 30/04/2022

(TN&MT) - Kể từ “mùa bình thường” đầu tiên - mùa xuân 1975 giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đến “mùa bình thường mới” - mùa xuân 2022 đất nước khống chế thành công dịch bệnh Covid-19, khúc khải hoàn ca vang lên trên cả nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên hào sảng và da diết yêu thương.

Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa

Mùa xuân 1975. Chặng cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chiến dịch mang tên Bác kính yêu với cơn sóng thần lịch sử “Thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa; Táo bạo, táo bạo, táo bạo hơn nữa” đã kết thúc bằng thắng lợi rực rỡ. Trưa ngày 30/4/1975 - “Ôi buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp/ Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta/ Chúng con đến xanh ngời ánh thép/ Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa” (Thơ Tố Hữu). Dân tộc đã tới đích sau hai mươi mốt năm đánh trận trường kỳ. Ngày cuối cùng tháng Tư năm 1975, lá cờ giải phóng tung bay trên Dinh Độc Lập, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ Việt Nam cộng hòa. 30 tháng 4 - Ngày Chiến thắng. 30 tháng 4 - Ngày Hòa bình.

a1.jpg

Nhân dân chào đón quân giải phóng tiến vào Sài Gòn. Ảnh Tư liệu

Dấu mốc ấy đã được khắc tạc vào lịch sử dựng nước và giữ nước đầm đìa mồ hôi, máu và nước mắt của dân tộc Việt Nam. Mùa xuân 1975 mãi mãi in sâu trong ký ức của nhiều người từng trải qua. Bữa cơm chiều của những người lính thắng trận trong khuôn viên Dinh Độc Lập đã đi vào thi ca, tạo những cảm xúc sâu lắng. Đấy là tôi muốn nói đến bài thơ “Bữa cơm chiều trong Dinh Độc Lập” của nhà thơ Hữu Thỉnh. Thơ ca không ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ ca mang vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không hình dung hết. Bữa cơm thường của chiến sĩ ta, áo trận còn lấm láp bụi đường, vương bám mùi thuốc súng, bữa cơm ngay tại nơi vừa mới đây thôi là sào huyệt của địch. Mới hôm qua, hôm kia cuộc chiến còn vô cùng khốc liệt, thế mà ngày 30/4, chiều 30/4, những người lính mang tên Giải phóng đã bày bữa cơm thường của họ nơi kẻ thù từng coi là “bất khả xâm phạm”: Cơm dã chiến nấu bằng bếp điện/ Rau muống xanh như hái tự ao nhà/ Trời còn đầy ắp hoa và pháo/ Nhìn nhau chưa vội mở vung ra.

Bữa cơm hòa bình đầu tiên trong ngày hòa bình đầu tiên. Hòa bình đã đến với những người lính, với đất nước Việt Nam. Hòa bình đâu phải cái gì cao xa; nó là đây, trong màu cỏ xanh biếc làm mâm cho bữa cơm của lính, xanh như mơ ước của con người, xanh như lớp lớp yêu thương gối vào nhau mải miết. Hòa bình là đây, trong sự quây quần quanh mâm cơm của các chiến binh dũng cảm, trong sự chan hòa đồng cảm của cảnh với người… Ở cái đích cuối cùng của cuộc chiến bi tráng, bữa cơm cất lên giai điệu hòa bình, tựa như khúc khải hoàn không muốn réo rắt, vang dội mà chỉ mong thấm thía giang sơn và người dân Việt. “Mâm xanh - sân cỏ xanh mải miết/ Quây quần đồng đội đến vui chung/ Hàng cây so đũa cùng ta đó/ Ăn bữa cơm ở đích cuối cùng”. Để có bữa cơm như thế tại Dinh Độc Lập, những người lính phải đi qua hai mươi mốt năm, nói đúng hơn là dân tộc phải đi qua hai mươi mốt năm, gian khổ, hy sinh không kể xiết. Chao ơi, dẫu cố kìm lòng cho dịu bớt những say sưa khải hoàn nhưng rồi cái mê đắm tự do, cái tha thiết hòa bình, cái yêu thương đồng chí, đồng bào vẫn cứ dâng trào không cưỡng nổi: “Kìa gắp đi anh, ai nấy giục/ Có gắp chi đâu, mải ngắm trời/ Tự do xanh quá, mênh mông quá/ Vượt mấy ngàn bom mới tới nơi”.

Không thể diễn đạt khác được, thế trận nhân dân đã làm nên đỉnh chiến thắng. Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong. Có dân, được dân là có, là được tất cả. Bài học ấy được minh chứng rõ ràng qua những thăng trầm của lịch sử dân tộc, trong đó có giai đoạn chống Mỹ cứu nước với đỉnh cao chiến thắng 30/4/1975. Sài Gòn là một điển hình về sự kết hợp tấn công và nổi dậy của quân và dân ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Cùng phối hợp với các mũi tiến quân của bộ đội chủ lực, lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Sài Gòn đã tấn công và nổi dậy làm tan rã chính quyền địch. Suốt từ ngày 29 đến sáng 30 tháng 4 năm 1975, toàn thành phố có 107 điểm nổi dậy (31 điểm ở nội thành, 76 điểm ở ngoại thành) trước khi tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng… Đại thắng mùa xuân 1975 với đỉnh cao 30 tháng 4 của dân tộc Việt Nam anh hùng xứng đáng được tôn vinh muôn thuở. Một sự kiện lịch sử mang tầm vóc nhân loại bởi sự ảnh hưởng to lớn, lâu dài của nó.

Còn đây những ghi nhận và ngợi ca đội quân chiến thắng của các hãng thông tấn nổi tiếng, những phóng viên chiến trường kỳ cựu phương Tây. Hãng UPI đã viết như thế này vào ngày 30/4/1975: “Quân đội phía chiến thắng cưỡi xe tăng vào Dinh tổng thống với nét mặt phấn khởi như vào chỗ không người, thậm chí còn xưng hô “đồng chí” với những người đứng hai bên đường cũng như đối với các nhà báo”. Không phải ngẫu nhiên mà tờ NewYork Times ra ngày 1/5/1975 đã gọi ngày 30/4/1975 là Ngày lịch sử của thế giới. Cách đây 47 năm, trong một bài báo ra ngày 1/5, Hãng AFP khẳng định: “Trong năm 1975, sự kiện nổi bật nhất châu Á là sự kiện 30/4 của Việt Nam, dư chấn rung động địa cầu”. Khó kể hết những tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật trong và ngoài nước nói tới ngày 30/4/1975. Xin dẫn thêm ý kiến của nhà sử học nước Pháp, Alain Rusco: “Sự kiện 30/4/1975 ở Việt Nam gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế về một dân tộc không chịu khuất phục trước quân thù”...

Sài Gòn gắn với dấu mốc lịch sử sáng ngời của mùa xuân 1975. Mùa xuân đại thắng của dân tộc Việt Nam anh hùng trong cuộc chiến đấu với một đế quốc to. Thành phố mở rộng vòng tay đón chào những người lính cách mạng tiến vào. Nắng cuối xuân rực rỡ. Cờ đỏ sao vàng, cờ Giải phóng tung bay. Ánh mắt. Nụ cười. Nước mắt. Trộn hòa nhau. Niềm vui lớn nhất mang tên Chiến thắng. Sài Gòn có hạnh phúc lớn lao là được chứng kiến ngày cuối cùng của một cuộc chiến kéo dài nhất, khốc liệt nhất, huyền thoại nhất của dân tộc ta. Đó cũng là ngày đầu tiên cánh cửa hòa bình của non sông được mở ra. Miền Nam đi trước về sau. Sài Gòn đi trước về sau. Bao nhiêu mất mát, hy sinh mới có được chiến thắng 30/4, trong đó, có những hy sinh thầm lặng nhưng không bé nhỏ chút nào, như những người phụ nữ trong câu thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh: “Một đời người mà chiến chinh nhiều quá/ Em níu giường, níu chiếu đợi anh”.

_ien3959.jpg

Thành phố Hồ Chí Minh ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Vậy đó, không có gì lạ cả khi Sài Gòn cùng cả nước rưng rưng hát khúc khải hoàn ca lộng lẫy. Khúc khải hoàn ca mang tên “Như có Bác trong ngày đại thắng”. Âm vang Việt Nam - Hồ Chí Minh lan tỏa mênh mang trên Tổ quốc hòa bình, thống nhất, lay động tới năm châu bốn biển. Từ dấu mốc 30/4/1975, Sài Gòn vinh dự và tự hào được mang tên Bác - Thành phố Hồ Chí Minh, để rồi từ đó, viết tiếp những khúc ca dựng xây và bảo vệ Tổ quốc mới. Lại phải bươn chải qua muôn vàn gian khó, chênh vênh, những trong đục của dòng đời, những thăng trầm của thế vận, những mở thắt của thời cuộc… Chiến công, thành tích. Thất bại, sai lầm. Thời cơ. Thách thức. Thành phố Hồ Chí Minh vượt qua sóng gió và vẫn xứng đáng với tên Người. Để ghi tiếp một kỳ tích không nhỏ trong cuộc chiến đấu với kẻ thù gần như vô hình có tên Covid-19.

“Cơn bão đen” và Thành phố xanh…

“Cơn bão đen” xuất hiện cuối năm 2019 trên thế giới, rất nhanh chóng phủ trùm lên toàn cầu. Đó là đại dịch Covid-19. Không thể nói khác được. Nó đã làm đảo lộn cuộc sống con người trên Trái đất. Hàng trăm triệu người bị nhiễm bệnh, hàng chục triệu người tử vong. Bức tranh kinh tế thế giới trong hai năm 1920 - 1921 quá ảm đạm khi nhiều chuỗi sản xuất bị đứt gãy, nhiều ngành đứng trên bờ vực phá sản. Mức độ giảm sút kinh tế toàn cầu trong đại dịch vượt hẳn những mốc lịch sử đen tối của loài người như hai cuộc chiến tranh thế giới và đại suy thoái 2009 với thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đô la Mỹ. Việt Nam cũng không nằm ngoài hoàn lưu “cơn bão đen” và cũng chịu những hệ lụy, thiệt hại, mất mát đáng kể dù chúng ta đã chủ động phòng chống ngay khi nó chưa xâm nhập vào. Những điểm nóng, tâm dịch, vùng đỏ nối nhau xuất hiện suốt hơn hai năm qua trên đất nước Việt Nam, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong đợt dịch lần thứ 4 ở Việt Nam, từ những ca nhiễm đầu tiên do biến chủng virus Delta, chỉ một thời gian ngắn, Thành phố Hồ Chí Minh trở thành tâm dịch lớn nhất cả nước. Có những thời điểm, số ca mắc Covid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 50% số ca mắc trong nước. Có thể gọi tháng 7, tháng 8 năm 2021 là hai tháng “đen tối” của thành phố khi có 10.000 ca mắc mỗi ngày khiến chúng ta không khỏi thảng thốt, giật mình và vô cùng lo lắng trước những con số, những hình ảnh, những câu chuyện về đại dịch ở nơi đây. Cái chết đến bất ngờ với không ít người bị nhiễm. Tôi xin kể câu chuyện của cá nhân tôi để thấu hiểu rằng, sự khốc liệt của cuộc chiến không tiếng súng và gần như vô hình không chừa ai.

Chuyện về đại tá, nhà văn Nguyễn Quốc Trung - người cùng Tạp chí Văn nghệ Quân đội với tôi. Anh từng là quân tình nguyện ở Campuchia, sau nghỉ hưu về sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Vào thời điểm Thành phố Hồ Chí Minh rất căng về dịch bệnh, bỗng nhiên tôi thấy Nguyễn Quốc Trung điện ra hỏi thăm và nói: “Này, nghe đâu Nguyễn Hữu Quý vào Quảng Trị rồi phải không? Nhà còn thiếu thứ gì thì nói để mình gửi ra cho nhé!”. Tôi thực sự ngạc nhiên vì từ trước tới nay bạn chưa hỏi mình kiểu như thế. Khi đọc một bài viết của nhà văn Nguyễn Trí Huân (nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội) đăng trên Báo Văn nghệ, thấy anh Huân cũng kể một chi tiết giống thế. Nghĩa là Nguyễn Quốc Trung cũng điện ra cho anh Nguyễn Trí Huân và cũng hỏi một câu như đã hỏi tôi, rằng “Nhà anh còn thiếu gì để em gửi ra cho”.

Chỉ mấy ngày sau, tôi nghe tin nhà văn Nguyễn Quốc Trung bị dính Covid-19 từ một nhân viên giao hàng. Và anh đã không qua khỏi. Một làn khói trắng bay lên cao xanh, chút tro xám nhẹ bẫng đựng trong chiếc bình bé nhỏ, thế là rời cõi trần. Cái sự vô thường là chung cho tất thảy mọi người, không phân biệt giàu nghèo, sướng khổ, thấp cao. Sự ra đi của anh ám ảnh tôi. Thành phố Hồ Chí Minh những ngày ấy ám ảnh tôi. Tôi không quên được những đôi mắt bé thơ mùa thu năm 2021. Những đôi mắt đen láy mở ra ngây thơ sau chuỗi oa oa cất lên trong một bệnh viện giữa những ngày Thành phố Hồ Chí Minh “bị ốm”. Ủ ấm những sinh linh bé nhỏ ấy không phải là cha mẹ người thân các em mà là y bác sĩ - những người cũng đang phải gồng mình vượt qua “cơn ốm” để giành giật lại sự sống cho bệnh nhân Covid-19.

Viết những dòng này, tôi chỉ muốn lắng lòng lại với những gì ấm áp nhất, đẹp đẽ nhất của tình người Việt trong gian nguy, hoạn nạn thể hiện trên thành phố mang tên Bác. Trong gian nguy, lòng dân Thành phố Hồ Chí Minh vẫn sáng lên lẽ sống thương người như thể thương thân của dân tộc ta.

Thật đúng thế, trên đời này không có gì cần thiết hơn sự yêu thương cả. Khoa học công nghệ, kỹ thuật phát triển đến đâu mà con người không có yêu thương thì cuộc sống sớm muộn cũng sẽ lụi tàn. Cái tàn ác, vô cảm chính là dấu hiệu của sự tàn lụi đó. May mắn thay, dân tộc mình thời nào cũng đề cao nhân nghĩa. Hình ảnh lá lành đùm lá rách cứ vậy tồn tại từ đời này qua đời khác, như một lựa chọn ứng xử đầy tính nhân văn của đồng bào ta. Tình yêu thương tỏa sáng trong chiến tranh. Tình yêu thương tỏa sáng trong thiên tai. Tình yêu thương tỏa sáng trong đại dịch.

Bao nhiêu điều muốn nói, bao câu chuyện cần kể, cái tốt đẹp vẫn đang đồng hành cùng cuộc sống. Ở đâu cũng gặp, nơi nào cũng thấy điều đó. Có lúc ta tưởng cuộc sống bộn bề, ào ạt đã làm trôi dạt tình người, sự vô cảm lên ngôi, nhưng không phải thế. Đồng bào ta vẫn đùm bọc nhau, chia sẻ nhau từ cái ăn, cái mặc, cái ở và bao nhiêu thứ lớn nhỏ khác. Những việc làm từ thiện trong sáng đã chạm vào trái tim hàng triệu người và không ngừng tỏa lan nhân rộng.

Chúng ta yêu thương những người Việt Nam đã từng ở tuyến đầu chống dịch. Họ là thầy thuốc, là bộ đội, là công an, là dân… không phân biệt trẻ già, trai gái, dân tộc, tôn giáo; chẳng quản ngại vất vả nguy hiểm, hết lòng vì công việc. Tôi tin rồi đây sẽ có những tác phẩm văn học nghệ thuật xúc động về những tháng ngày gian lao chống dịch Covid-19 của dân tộc ta nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Nguyên mẫu nhân vật đã có sẵn trong cuộc sống hôm nay. Không gian nghệ thuật cũng là không gian cuộc sống ta đang tồn tại. Cái đẹp đang hiển hiện trong đời thường. Đó là phôi liệu quý giá của văn học nghệ thuật. Bởi nói như nhà văn Nguyễn Minh Châu thì: “Chỉ những nhà văn nào theo cái tiêu chuẩn của muôn thuở, tức sự bình dị và tự nhiên, là sẽ còn lưu danh. Nói đến nghệ thuật là nói đến cảm thông. Cái mỹ cảm của con người vẫn có cái gì nhất định, bất biến”. Cuộc sống cho ta sự hàm ơn và tin yêu; đó là những gì làm cho con người biết cân bằng để đứng vững. Đứng vững rồi sẽ bước tiếp trong hành trình Con Người!

Mùa xuân 2022. Sài Gòn trở lại vùng xanh. Tôi nghĩ đó cũng là dấu mốc đẹp, ý nghĩa; đáng nhớ, đáng trân trọng. Niềm tin và hy vọng càng bừng sáng hơn mỗi ngày trên thành phố mang tên Bác. Cuộc sống dần trở về với sự bình thường trong hoàn cảnh mới. Các khu công nghiệp lớn, nhỏ hoạt động trở lại. Con em chúng ta lại được đến trường. Du lịch cũng không hề chậm trễ trong sự chạy đua với thời gian để hồi phục ngành công nghiệp không khói bằng nhiều gói sản phẩm mới. Những đứt gãy trong sản xuất kinh doanh hơn hai năm qua được kết nối lại và hứa hẹn sự tăng trưởng đáng mừng. Đáng mừng hơn khi lòng dân yên. Tuy nhiên, không ai ngây thơ nghĩ rằng mọi cái đã tốt đẹp, suôn sẻ ngay. Còn rất nhiều việc phải làm, cần làm cho nhân dân, cho Thành phố, cho Tổ quốc. Thời cơ và thách thức đều lớn cả. Nhưng ta tin, với tầm vóc bản lĩnh của dân tộc Việt Nam trong đó có thành phố mang tên Bác từng làm nên đỉnh cao Chiến thắng 30 tháng 4 sẽ lập thêm những kỳ tích mới trong công cuộc dựng xây và bảo vệ đất nước. Đất nước và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong ước của Bác Hồ kính yêu.

Nhà văn Nguyễn Hữu Quý