Phú Quý - Nghĩa tình tháng Tư…

Trong nước - Ngày đăng : 11:11, 30/04/2022

(TN&MT) - Trong miên man gió, trập trùng sóng, Phú Quý giữa ngàn khơi như một viên ngọc đang được mài giũa, dần sáng lên lấp lánh vẻ đẹp của thiên nhiên ban tặng và của những con người chất phác, cần cù, mạnh mẽ… Đến Phú Quý trong những ngày tháng Tư, kỷ niệm 47 năm Giải phóng đảo (27/4/1975 - 27/4/2022), chúng tôi mới thấu cảm, hiểu sâu sắc giá trị của hòa bình và thiêng liêng hai tiếng “CHỦ QUYỀN” nơi khơi xa…

1. Chia tay Hà Nội trong những ngày tháng Tư mát dịu, khi hoa bách hợp đã bắt đầu bung nở trắng ngần, chúng tôi nhận nhiệm vụ công tác tại huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận. Hành trang mang theo là niềm háo hức và tâm thế sẵn sàng dãi dầu nắng gió, khắc phục những thiếu thốn, khó khăn ở vùng đảo xa…

Vậy nhưng, khác với tưởng tượng ban đầu, Phú Quý hiện lên trước mắt chúng tôi với đầy đủ sự “GIÀU” và “QUÝ”. Sự giàu có của huyện đảo ăm ắp trong những ghe thuyền đầy cá, tôm khi cập bến đất liền lúc trời còn tờ mờ sáng. Sản vật của biển khơi đã giúp cuộc sống của ngư dân trên đảo ngày càng cải thiện, khi hải sản được bán cho các nhà hàng trên đảo hay chở về Phan Thiết, TP. Hồ Chí Minh…

img-1913.jpg

Cột cờ Phú Quý thể hiện chủ quyền của Việt Nam tại đảo.

Nhờ nguồn lợi từ đánh bắt hải sản, người dân Phú Quý xây được nhà kiên cố, điều kiện sống không khác nhiều đất liền với đầy đủ các dịch vụ thiết yếu kèm theo. Không chỉ duy trì nghề đi biển, những năm gần đây, Phú Quý còn đẩy mạnh phát triển du lịch, dựa trên tiềm năng tự nhiên sẵn có như vịnh Triều Dương, bãi Đồi Dương, bãi Nhỏ - Gành Hang… Nơi đây, đá và sóng quấn quện, cùng tạo thành một tuyệt tác vừa hùng vỹ vừa nên thơ, khiến người ta thấy mình nhỏ bé vô cùng trước biển và cũng thật mạnh mẽ vô cùng trước biển…

Trên mảnh đất quý giữa bát ngát trời mây, sóng nước, cũng như biết bao những người từng đặt chân lên Phú Quý, chúng tôi còn bị hấp dẫn bởi sắc màu huyền thoại văn hóa, lịch sử đã thấm đẫm trong những đền chùa, miếu mạo, trong những câu chuyện kể từ đời này qua đời khác, lan theo cơn gió trên mỗi chuyến khơi xa hay bên những nếp nhà mà các bà, các mẹ ngóng chờ chồng đang lênh đênh trên biển. Có một Vạn An Thạnh được kiến lập năm 1781- nơi thờ thần Nam Hải cùng chư vị tiền hiền đã có công khai mở, kiến tạo xóm làng; Chùa Linh Quang là ngôi chùa được tạo lập sớm nhất trên đảo Phú Quý; Khu dinh mộ Thầy Sài Nại được người dân tìm đến cầu nguyện khi gặp khó khăn để được đầu xuôi đuôi lọt hay đi biển được mùa tôm cá. Đó còn là sự tích về công chúa Chiêm Thành có công khai khẩn, giúp nhân dân đánh đuổi giặc ngoại xâm nên khi mất, Bà được lập miếu thờ ở đảo Hòn Tranh…

Với vỉa tầng lịch sử văn hóa quý báu, với vẻ đẹp hoang sơ và kỳ vỹ của thiên nhiên, Phú Quý có đủ điều kiện để phát triển nhanh chóng, đặc biệt là du lịch, dịch vụ. Nhà hàng, khách sạn mọc lên khiến vùng đảo này không còn là “nàng công chúa” ngủ quên. Đường giao thông rộng rãi, trải dài quanh đảo; những turbin gió vươn mình giữa biển trời, giúp điện sáng khắp nơi… Phú Quý - phát triển mà không xô bồ, hiện đại mà không mất đi vẻ mộc mạc cố hữu… Có lẽ vì vậy mà có câu chuyện rằng, người dân đảo sau khi ra thành phố sống, lại tìm về đảo để sống hết quãng đời còn lại của mình…

2. Tình yêu với mảnh đất nơi mình sinh ra đều chảy trong huyết quản mỗi con người, ở bất cứ đâu trên dải đất hình chữ S này. Người dân Phú Quý cũng vậy! Khi ráng chiều dần buông, bên bờ kè Bãi Lăng, người dân xã Ngũ Phụng, gồm cả già, trẻ, gái, trai cùng nhau quét đường, nhặt rác. Các đoàn viên thanh niên còn vẽ tranh lên bờ kè về những loài sinh vật biển nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ như: rùa biển, hải sâm, cá mập, ốc tù, san hô… để truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường. “Em là người con của đảo Phú Quý. Em mong những du khách đến đây sẽ không vứt rác bừa bãi, giữ gìn Phú Quý xanh - sạch - đẹp. Phú Quý dù phát triển nhưng vẫn giữ được nét riêng truyền thống do lịch sử để lại”, em Nguyễn Khoa Điềm - học sinh Trường THPT Ngô Quyền bày tỏ.

img-4973.jpg

Phóng viên Báo TN&MT tác nghiệp tại đảo.

Nỗi lo lắng về sự thay đổi văn hóa, môi trường của thế hệ trẻ ở Phú Quý hoàn toàn có cơ sở khi mỗi ngày, Phú Quý đón hàng trăm lượt khách du lịch tới đảo. Họ mang theo niềm yêu mến, sở thích khám phá, trải nghiệm, giúp Phú Quý phát triển nhanh về kinh tế, nhưng đồng thời cũng tạo thêm áp lực lên môi trường và tập quán sinh hoạt của người dân. Khách đi, rác ở lại. Bên bờ kè, những túi nilông, chai nhựa, ống hút vẫn còn đó, chờ bàn tay người dân đến nhặt đi hay trôi theo sóng biển…

Những con sóng vẫn xô bờ, khi ồn ào, lúc lại dịu êm, như nỗi lòng của những người phụ nữ Phú Quý trong mỗi chuyến chồng ra khơi. Ngày trước, khi phương tiện đánh bắt còn thô sơ, thông tin liên lạc còn hạn chế, có những người mãi mãi không trở về. Nay phương tiện hiện đại hơn, có tàu lớn, tàu nhỏ, thông tin dự báo thời tiết luôn được cập nhật giúp ngư dân chủ động vươn khơi, ùa vào lòng biển. Biển bao dung, cho cá tôm nuôi nấng đời đời…

Với cơ ngơi là một căn nhà rộng rãi, khang trang, hai con trai được học hành đầy đủ, chị Nguyễn Thị Vỹ, thôn Phú An, xã Ngũ Phụng, huyện Phú Quý chia sẻ, chồng chị đi biển dài ngày, cả năm chỉ nghỉ mấy tháng mùa gió chướng, khi biển động. Ở nhà, chị vừa chăm con, vừa tham gia công tác ở Hội phụ nữ xã. Năm ngoái, chị được tham gia tập huấn về phân loại rác thải tại nguồn, chống rác thải nhựa do Hội liên hiệp phụ nữ huyện tổ chức. Về nhà, chị áp dụng theo, đồng thời còn hướng dẫn các chị em trong xã phân loại rác vô cơ, hữu cơ, làm phân bón cho cây, giúp che đi cái cằn cỗi của đất đảo.

3. Nếu như đất đảo Phú Quý cằn khô dưới nắng rát và thiếu nguồn nước ngọt, thì lạ kỳ thay, cây xanh vẫn tỏa bóng rợp khắp các quãng đường, trụ sở, nhà dân. Thông reo rì rào trong gió. Bàng vuông xanh mướt. Hoa sứ nở vàng, thơm ngát vương vấn bước chân người…

img-1918.jpg

Người dân huyện đảo Phú Quý vệ sinh môi trường ở bờ kè.

Đoàn chúng tôi tới trao hơn 300 bồn chứa nước cho người dân Phú Quý. Bà con rục rịch đến từ sớm để nhận quà về. Rồi đây, những bồn chứa nước này sẽ theo ngư dân ra biển, sẽ cùng các bà, các mẹ, các chị nấu cơm và chờ đợi người đi xa trở về… Cuộc sống bình dị và giản đơn như vậy!

Có thể, trong vòng xoáy của những cơn sốt đất từ đất liền đã ra đến tận huyện đảo xa xôi này, trong sự phát triển tất yếu của kinh tế biển, nhịp sống ở Phú Quý sẽ vội vã hơn. Phú Quý ngày thêm giàu có! Song vẫn còn đó sự quý giá của tình người Phú Quý với mảnh đất ông cha khi mỗi lần giong thuyền ra khơi đều mong ngóng được trở về. Vẫn còn đó sự quý giá của cơ tầng văn hóa lịch sử được bảo tồn qua nhiều thế hệ. Ở Phú Quý, lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió lộng, tiếng hát Quốc ca cất lên hào sảng như một minh chứng cho biển trời Tổ quốc vẫn hiện sinh trong hàng vạn trái tim…

Tống Minh