Khát vọng vươn mình
Tài nguyên - Ngày đăng : 18:53, 29/04/2022
Sức bật từ nội lực
Trong nắng sớm tháng 4, thành phố Đà Nẵng đã trở lại sôi động sau 2 năm dịch bệnh kéo dài, với hàng loạt sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, thể thao... chào mừng kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng quê hương. Diện mạo, sức sống và động lực vươn lên mạnh mẽ đang tạo sức bật mới, thúc đẩy phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội cho Đà Nẵng hôm nay.
Vườn tượng mở rộng APEC phía Tây cầu Rồng, dự án Cải tạo nút giao thông khác mức phía tây cầu Trần Thị Lý… - một loạt các công trình đặc biệt được khánh thành, đưa vào sử dụng tiếp tục khẳng định hướng đi ưu tiên đột phá lĩnh vực hạ tầng của chính quyền thành phố. Đà Nẵng đã chứng minh cho cả nước thấy rằng, phát triển hạ tầng, ưu tiên đô thị xanh chính là niềm tự hào của thành phố cuối sông đầu biển này.
Từ những năm 1975 đến năm 1997 (thời điểm thành phố trực thuộc Trung ương), bộ mặt đô thị Đà Nẵng vẫn tồn tại nhiều bất cập, đường phố chật hẹp, khu chức năng đô thị lẫn lộn, bờ Đông sông Hàn bị tách biệt và chưa phát triển... Nhưng nhờ phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng nhiều cây cầu nối đôi bờ sông Hàn, mở rộng đô thị về phía Đông để phát triển du lịch, Đà Nẵng đã có những bước phát triển ngoạn mục. Đến nay tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố vượt gấp hơn 15 lần, không gian đô thị Đà Nẵng được mở rộng hơn 3,5 lần so với thời điểm năm 1997. Thành phố được quy hoạch hướng ra sông, ra biển, xen kẽ đồi núi, vừa hiện đại, vừa quyến rũ, duyên dáng và năng động, là một điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Bên cạnh đột phá về hạ tầng, Đà Nẵng vừa qua cũng đã tổng kết 10 năm đề án xây dựng thành phố môi trường. Sở Tài nguyên & Môi trường cho hay, thành phố đã đạt 7/10 tiêu chí. Đây là nỗ lực của cả chính quyền và từng người dân, từng bước xây dựng hình ảnh Đà Nẵng xanh - sạch - đẹp. Đó không chỉ là hình ảnh đẹp với du khách mà còn là môi trường sống của thành phố hơn 1 triệu dân.
Theo đồ án quy hoạch chung đến năm 2030, đô thị Đà Nẵng rộng khoảng 37.500ha, dân số 2,5 triệu người. Đà Nẵng đang hướng đến trở thành đô thị lớn, thông minh, có bản sắc.
Giờ đây, nhắc đến Đà Nẵng là nhắc đến thành phố 5 không, 3 có; 4 an; thành phố môi trường, thành phố đáng sống. Đà Nẵng đã vươn mình mạnh mẽ, làm một cuộc “đổi đời” đúng nghĩa, hoàn thành sứ mệnh là vai trò trung tâm phát triển của vùng. Thành quả “ngọt ngào” có từ sự đồng thuận, nỗ lực của chính quyền và người dân thành phố cũng đã được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến công tác dự kỷ niệm 25 năm thành phố trực thuộc Trung ương ghi nhận là “thành phố truyền cảm hứng cho nhiều địa phương miền Trung cùng vượt khó vươn lên”.
Vươn lên tầm cao mới
Đà Nẵng đang bước vào giai đoạn mới khi Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng đang tập trung tháo gỡ những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; tiếp tục quy hoạch, quản lý quy hoạch, bảo đảm tính kết nối, liên kết vùng, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai; chú trọng phát triển các lĩnh vực mũi nhọn; giải pháp phát triển văn hóa, xã hội, phấn đấu đưa thành phố trở thành đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên.
TS Huỳnh Huy Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng cho rằng, đây là cơ sở để Đà Nẵng phân bổ lại các nguồn lực trên địa bàn hợp lý hơn, góp phần tối ưu hóa các nguồn lực, tạo ra bản sắc riêng cho thành phố cũng như tiền đề gợi mở nhiều ý tưởng, chủ trương, chính sách quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo.
Để đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, việc triển khai hiệu quả Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được kỳ vọng sẽ khắc phục những hạn chế, tận dụng và sử dụng tốt hơn không gian đô thị, xác định các giải pháp về môi trường, dân số, thích ứng với biến đổi khí hậu, vấn đề an ninh phi truyền thống…
“Trước hết, thành phố cần bảo đảm sự cân bằng giữa việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, tăng sức chống chịu trước những cú sốc từ bên ngoài. Đồng thời, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa các mục đích sử dụng các nguồn lực khác nhau, đặc biệt là nguồn lực về đất đai, hạ tầng và kinh tế, góp phần bảo đảm thành phố tiếp tục phát triển bền vững và hợp lý. Đặc biệt, phải tăng cường và phát huy hiệu quả liên kết vùng, đây là xu thế phát triển tất yếu, trong đó có vai trò dẫn dắt của Đà Nẵng với khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.” - TS Huỳnh Huy Hòa đề xuất.
Cùng chung nhận định tầm quan trọng của Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng, TS. Đặng Huy Đông - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển cho rằng, thực hiện thành công sẽ đạt được mục tiêu cho khát vọng được nêu ra trong Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị, đưa Đà Nẵng thực sự trở thành một đô thị trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Để trở thành một đô thị trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng cần ưu tiên làm những việc mà các địa phương khác không làm hoặc không thể làm dựa theo những lợi thế cạnh tranh đặc trưng của mình để phát triển các lĩnh vực như khoa học công nghệ, logictics, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, sân bay, bến cảng,... để mang lại những giá trị gia tăng thực sự.
Đà Nẵng đang trên đường trở thành đô thị năng động, hiện đại, đáng sống, một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á. Khó khăn và thách thức là không nhỏ, nhưng khát vọng đi tới không bao giờ dừng lại, trở thành phương châm sống của mỗi người dân Đà Nẵng. Và đó cũng là tinh thần của ngày giải phóng dân tộc luôn thôi thúc mỗi người vươn lên.