Chứng nhân của hòa bình
Trong nước - Ngày đăng : 18:51, 29/04/2022
… Sau thất bại của Mỹ - ngụy, tại Chiến dịch “Đường 9 - Nam Lào”, Binh trạm 44 chúng tôi được Bộ Tư lệnh Sư đoàn 470 giao nhiệm vụ mở tuyến đường B46 từ Cao nguyên Boloven (Lào) xuống chi viện trực tiếp cho mặt trận, điểm tuyến cuối thuộc vùng đất huyện Nam Giang (Quảng Nam). Đây là tuyến nhánh nối đường chính Trường Sơn sang Đông Trường Sơn chi viện cho mặt trận Quân khu V. Chủ công mở đường là Tiểu đoàn 21 Công binh, nhiệm vụ đã được triển khai ngay từ năm 1970.
Đánh hơi thấy hoạt động của ta, máy bay địch suốt ngày đánh phá ác liệt, đặc biệt là các trọng điểm dốc núi độc đạo, các ngầm qua sông, suối, cua yên ngựa, cua tay áo… không có đường vòng tránh. Để phục vụ cho công binh mở đường và vận chuyển hàng thắng lợi, Tiểu đoàn 21 thành lập các Tiểu đội thép, là các đồng chí có tinh thần chiến đấu dũng cảm, có trách nhiệm, trình độ để quan sát, đo đạc, đếm, ghi chép tỉ mỉ và phân loại các loại bom địch rải xuống tuyến đường, báo ngay về Sở chỉ huy có kế hoạch tổ chức lực lượng bám đường thông tuyến đảm bảo thắng lợi cho việc mở đường và tổ chức vận chuyển an toàn hàng hóa vào mặt trận. Tiểu đội thép trọng điểm Ngầm Se Ka Mán chúng tôi ra đời từ chính nhiệm vụ ấy.
Tiểu đội trưởng Huynh, tiểu đội phó Nhận (đều người Nam Định), các chiến sĩ Nhậm, Thức, Bốn, Hải (những chiến sĩ có thâm niên trên 1 năm Trường Sơn) và tốp lính mới quê Hà Tây gồm tôi, Thư, Bảo, Lê, Chấn vừa được bổ sung về trước Tết 1970. Ngày đầu nhận nhiệm vụ, Trung đội trưởng Tạ Văn Thị đưa ánh mắt hiền từ nhìn lướt một lượt chúng tôi, giọng anh nhỏ nhẹ: “Tớ chào các chú lính mới, chào anh em Tiểu đội thép và những người đồng hương Hà Tây quê lụa, hôm nay nhận các chú vào đây, tớ mong muốn sau hòa bình lại được bàn giao cho gia đình các chú nguyên vẹn thế này”… Tôi nghe giọng anh run run, đôi mắt rớm lệ. Mãi sau này anh mới nói với tôi, mấy mùa qua, đơn vị đã mất nhiều đồng chí hy sinh vì nhiệm vụ.
Sau màn “chào đầu”, chúng tôi vượt dốc núi qua khu rừng già rậm rạp, dừng lại trước khu nhà hầm được xây dựng bí mật dưới tán các cây săng lẻ và leo lên trạm quan sát được anh em làm hết sức khéo léo trên các cành cây to. Trung đội trưởng Tạ Văn Thị chỉ tay về phía con đường đất đỏ hiện ra ngoằn nghèo: Kia là cây số 79, đến cây số 81 và trọng điểm ngầm Sê Ka Mán, đường B46 của chúng ta, chuẩn bị đến đường nhánh kín mở thẳng về khu V vận chuyển hàng cho chiến trường. Sắp tới mùa khô, địch sẽ đánh phá hết sức ác liệt. Chúng ta có nhiệm vụ theo dõi ghi chép tỉ mỉ từng loạt bom đạn đánh phá trọng điểm, trinh sát theo dõi chính xác tọa độ bom, loại bom, giờ địch rải xuống trọng điểm, báo cáo và phân tích kịp thời xác định cơ bản thời gian tự nổ của từng loại bom theo quy luật… để đại đội và tiểu đoàn có phương án kịp thời, giải phóng đường, thông tuyến, đảm bảo xe chở hàng vào điểm tập kết chi viện cho khu V.
Sau chừng một giờ thực nghiệm trọng điểm và mục sở thị các loại bom địch đã rải xuống trọng điểm, xuống khỏi đài quan sát, ra tuyến, chúng tôi được học kỹ năng tránh bom, nhất là bom từ trường, kỹ năng xử lý bom mìn, kỹ thuật hủy nổ, gây nổ và hạn chế sát thương… Buổi ấy, chúng tôi còn được thực hành vần những trái bom trên trọng điểm xuống vực sâu…
3 tháng đầu thực nghiệm ở trọng điểm trôi qua rất nhanh, Tiểu đội thép chúng tôi đã thành thạo, hàng ngày ghi chép rõ ràng rành mạch thời gian, số lượng loạt bom trút xuống, những quả nằm trên đường đều được vần xuống vực sâu, có quả chui sâu khoảng 2 - 3m dưới mặt đất để lại lỗ bom đen ngòm đều được anh em dùng thuốc nổ buộc vào đầu cây nứa dài điểm hỏa cho nổ. Có ngày trọng điểm bị đất đá vùi lấp kín mặt đường chừng vài ba ngàn khối, anh em đã huy động sức máy và người thông tuyến ngay trong đêm…
Có một kỷ niệm làm tôi nhớ mãi.
Trước chiến dịch vận chuyển mùa khô năm 1971, chúng tôi được lệnh đảm bảo giao thông cho đoàn xe hàng 26 chiếc của Binh trạm trong đêm 8/3, xuất phát từ kho K65. Sáng sớm, trên đài quan sát, chúng tôi đã thấy 2 chiếc OV10 (loại máy bay trinh sát, chỉ điểm bằng bắn pháo khói trắng báo tọa độ máy bay ném bom). Chỉ chừng mươi phút sau, một tốp 3 chiếc F4 đến trút 3 loạt bom phá xuống trọng điểm. Rồi cả ngày hôm đó, bom chồng lên bom làm cả ngàn khối đất đá gây ách tắc toàn bộ cung đường xuống ngầm. Đại đội 4, Đại đội 1 và tổ phá bom được huy động tác nghiệp theo hướng dẫn của Tiểu đoàn và sự phối hợp của Tiểu đội thép. 15 giờ, trời Trường Sơn không còn nắng, cũng là lúc anh em công binh ra mặt đường cùng hai máy xúc chi viện gạt đất đá nhằm thông tuyến nhanh nhất có thể. Cứ chừng 30 - 40 phút, trên đài quan sát, chúng tôi lại báo hiệu rút quân xuống hầm trú ẩn chờ loạt bom nổ theo quy luật; dứt bom, anh em từ các hầm trú ẩn lại bung ra mặt đường hối hả làm việc, chạy đua với thời gian và bom đạn. Dưới ngầm, những chỗ bị bom đều được anh em B4 chuyển đá, cắm tiêu mở rộng đường. Trên đài quan sát của Tiểu đội thép, Chính trị viên Trần Hữu Sim, Tiểu đoàn phó La Văn Chẩy và Đại đội trưởng Nguyễn Văn Dửng vừa cùng tổ cán bộ tham mưu tác chiến hội ý với chúng tôi nắm tình hình để báo cáo về Binh trạm hạ quyết tâm thông tuyến, cho xe hàng xuất phát lúc 20 giờ từ K65.
18 giờ, trời càng lúc càng nhiều mây mù, bằng kinh nghiệm của người lính trinh sát, chúng tôi báo cáo quy luật rải bom theo tọa độ của địch và đề nghị cho rút hết lực lượng về nơi ẩn nấp an toàn. Qua ống nhòm trên vị trí quan sát, cơ bản lực lượng ta đã rút hết, chợt có tiếng máy bay ầm ì từ trên cao vọng về, tôi vừa kịp lạc giọng báo cáo: “còn tiểu đội cảm tử đang cắm cọc tiêu tại ngầm” thì loạt bom trút xuống, 3 chiến sĩ trong đội cảm tử hy sinh, trong đó có Tiểu đội trưởng Điều.
Đêm vận chuyển chuyến hàng đầu tiên cho Quân khu V, cả 26 xe hàng đều về kho K17 an toàn. Một tuần sau, Tiểu đội thép được anh Thị trực tiếp trao thư khen và phần thưởng là một thùng lương khô 702, 2 bao thuốc Điện Biên và 2 gói trà Thanh Hương của Binh trạm trưởng.
…Sau mấy năm làm nhiệm vụ ở Trường Sơn, cùng với các mặt trận, chúng tôi có mặt trong đội hình Quân đoàn 3 tham gia Chiến dịch Tây nguyên và đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, được chứng kiến phút giây miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Hòa chung không khí chiến thắng của cả nước, chúng tôi reo hò ôm nhau mừng tủi. Giây phút chứng kiến niềm vui vỡ òa của dân tộc, trong tôi hiện về hình ảnh người mẹ ở quê hương. Những năm chiến trường đằng đẵng xa, nhiều ngày tháng nhiệm vụ cuốn tôi đi, không một lá thư về; cũng có những lá thư gửi đấy mà quê nhà không nhận được vì cách trở đạn bom. Tôi hình dung giây phút này, chắc mẹ tôi vừa mừng vui vừa bồn chồn mong đứa con trai của mẹ bình yên trước hòn tên mũi đạn để được chứng kiến phút giây hạnh phúc của hòa bình.
Rồi tôi nhớ đến những đồng đội đã hy sinh, nhớ đội cảm tử và Tiểu đội trưởng Điều nằm lại ngầm Sê Ka Mán và bao đồng đội trên khắp các chiến trường đã ngã xuống mà không kịp chứng kiến phút giây hạnh phúc này. Nghĩ về những tháng năm dài dặc gian khổ, mất mát và đau thương của dân tộc, nghĩ về những người đồng đội đã ngã xuống mới thấm thía về giá trị của sự sống và hòa bình.
47 năm đã trôi qua mà mỗi dịp 30/4, nghĩ về thời khắc hòa bình đầu tiên, lòng tôi vẫn vẹn nguyên cảm xúc. Từ thế hệ chứng nhân của hòa bình, lớp lớp thế hệ đã tiếp nối cha anh gìn giữ hòa bình, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng, to đẹp. Chiến thắng 30/4/1975 đã ghi một mốc son lịch sử, để mỗi người con yêu nước Việt Nam đều trở thành một chứng nhân của hòa bình, chủ nhân của hòa bình, bởi tôi tin với tình yêu Tổ quốc sâu sắc, nền hòa bình của dân tộc Việt Nam sẽ mãi mãi được những chủ nhân của hòa bình nâng niu, giữ gìn bền vững trường tồn dù có phải đánh đổi bằng mọi giá.
Hà Nội, tháng 4 năm 2022