Thái Bình: Người dân nuôi ngao lo lắng vì thiếu cát phục vụ nuôi trồng thủy sản

Xã hội - Ngày đăng : 14:52, 29/04/2022

Thời gian qua, hàng trăm hộ dân khu vực ven biển huyện Tiền Hải (Thái Bình) lâm vào cảnh khốn khó, đứng ngồi không yên vì hàng trăm ha diện tích nuôi trồng thủy sản có nguy cơ bị bỏ hoang vì thiếu hụt nguồn cát mặn để cải tạo đầm, bãi.

Dân biển lao đao vì thiếu...cát mặn

Theo phản ánh của người dân 3 xã: Đông Minh, Nam Cường, Nam Thịnh (huyện Tiền Hải) thì từ giữa năm 2021 tới nay hàng trăm hộ dân nuôi trồng thủy sản (NTTS) lâm vào cảnh thiếu nguồn cát trầm trọng để đảo bãi nuôi ngao phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế, nhiều hộ dân đã lâm vào cảnh nợ nần, nhiều diện tích ao, đầm bị bỏ hoang. 

Ghi nhận thực tế tại khu vực nuôi ngao hàng trăm ha thuộc địa bàn xã Nam Cường, một số ao vẫn đang bị bỏ hoang, rong rêu phủ kín, lán trại đều đóng cửa, vắng vẻ, ít thấy bà con trên đồng.

damho2.jpg
Nhiều diện tích ao nuôi thủy sản của người dân xã Nam Cường, huyện Tiền Hải (Thái Bình) đứng trước nguy cơ bị bỏ hoang do thiếu nguồn cát để cải tạo.

Ông Hoan - một hộ dân nuôi ngao ở xã Nam Cường cho biết: "Mỗi năm chúng tôi cần 2 - 3 lần tưới cát phủ lên bề mặt đáy đầm, bãi để cải tạo môi trường ẩn nấp, đồng thời là nguồn thức ăn cho ngao. Đây là nhu cầu cấp bách và cần thiết của chúng tôi để phát triển kinh tế, sản xuất, nếu thiếu cát biển, chúng tôi không thể cải tạo các ao, đầm để nuôi ngao”.

Theo đặc tính của con ngao, nếu không có nguồn cát bổ sung kịp thời, ngao sẽ bị chết hàng loạt hoặc chậm phát triển, lâu được thu hoạch, giá trị dinh dưỡng, kinh tế không cao.

Cũng theo một hộ dân nơi đây chia sẻ: Với mỗi ha đầm nuôi ngao, trong điều kiện thời tiết thuận lợi, một năm cho tổng thu nhập khoảng gần 1tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, thu lãi được khoảng 500 triệu đồng. Tuy nhiên, gần một năm qua, các hộ dân nơi đây không có nguồn cát để phục vụ sản xuất, không ít hộ đã phải "treo niêu", chấp nhận bỏ hoang đầm, hồ.

Theo ước tính, mỗi một lần cải tạo 1 hecta đầm của các hộ dân nuôi ngao cần từ 400 - 600 m3 cát mặn tự nhiên. Năm 2021, hệ quả của việc thiếu cát, kết hợp nắng nóng kéo dài, khiến hàng vạn ngao giống mới thả bị chết, nhiều hộ dân mất trắng thiệt hại lên đến hàng tỉ đồng.

Theo thống kê, huyện Tiền Hải hiện có khoảng hơn 1.300 hộ dân NTTS, với diện tích lên tới hơn 3.900ha. Trong đó có khoảng 1.990 ha NTTS có nhu cầu sử dụng cát biển. Riêng xã Nam Cường có diện tích nuôi ngao lên đến gần 100ha, chủ yếu là ươm ngao giống.

Cần sớm có giải pháp giúp bà con nhân dân

Ông Hoàng Ngọc Sang - Bí thư đảng ủy xã Nam Cường xác nhận: Việc thiếu cát để bà con nhân dân cải tạo đầm, hồ phục vụ NTTS trên địa bàn xã hiện đang là vấn đề bức thiết, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, kinh tế của bà con. Xã nhận được nhiều đơn kiến nghị và đã gửi báo cáo lên cấp trên để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho bà con, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp cụ thể.

Do khan hiếm cát mặn, nhiều bà con đành phải mua cát nước ngọt về phục vụ sản xuất, nhưng việc đó chỉ là giải pháp tình thế, về lâu về dài không đảm bảo hiệu quả vì con ngao không sinh trưởng và phát triển tốt với loại cát này.

damho4.jpg
Huyện Tiền Hải (Thái Bình) hiện có khoảng hơn 1.300 hộ dân NTTS, với diện tích lên tới hơn 3.900ha.

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng này, theo lý giải của ông Sang là do: Trên địa bàn hiện có khoảng 30 tàu, thuyền hút cát phục vụ NTTS tại các bãi triều ven biển. Các phương tiện này đều nhỏ, không có giấy phép hoạt động, không có đăng ký, đăng kiểm, không đảm bảo các trang thiết bị an toàn hàng hải tối thiểu, người điều khiển và người làm việc trên tàu không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn… nên không được phép hoạt động.

Theo một lãnh đạo Đồn Biên phòng Cửa Lân chia sẻ: Dẫu biết khó khăn của bà con nhân dân trong việc thiếu cát biển để phục vụ sản xuất nhưng với chức trách nhiệm vụ được giao, Đồn Biên phòng Cửa Lân vẫn tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát; tiến hành lập biên bản đình chỉ hoạt động bơm hút cát và không làm thủ tục xuất bến cho các phương tiện hút cát ở những vị trí không được cấp phép.

Đồn Biên phòng Cửa Lân cũng nhận được rất nhiều đơn kiến nghị của các chủ bãi, đầm xin được sử dụng các tàu hút cát để bơm cải tạo bãi, đầm NTTS. Nhưng do các phương tiện trên không đảm bảo đủ các thủ tục, giấy tờ, hút cát ở những khu vực chưa được cấp phép, nên nằm ngoài thẩm quyền giải quyết của Đồn Biên phòng Cửa Lân.

Đến thời điểm hiện tại, trên khu vực biển của huyện Tiền Hải chưa có mỏ cát nào được cấp phép khai thác phục vụ NTTS; việc mua cát của các doanh nghiệp có mỏ cát được cấp phép khai thác khó khăn vì giá thành cao, trong khi đó nhu cầu sử dụng cát biển để cải tạo đầm, bãi NTTS là bức thiết và thường xuyên.

Để giải quyết nhu cầu bức thiết của người dân, Đồn Biên phòng Cửa Lân đang đề xuất với các cấp, các ngành tìm cách tháo gỡ cho bà con nhân dân để có nguồn cát phục vụ mục đích NTTS như: quy hoạch tạm thời hoặc lâu dài khu vực khai thác cát biển, có các bãi trung chuyển để việc vận chuyển cát vào các khu vực NTTS thuận lợi, giúp bà con phát triển kinh tế.

Nguyễn Giang