Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Long

Trong nước - Ngày đăng : 17:47, 28/04/2022

Sáng 28/4, tại tỉnh Vĩnh Long, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Long.

Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh và phát biểu của đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội và các bộ ngành hữu quan, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phát biểu kết luận, nhấn mạnh hơn 35 năm qua, đặc biệt là sau 30 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Long đã nêu cao truyền thống yêu nước, đoàn kết, phát huy mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, đưa tỉnh từ xuất phát thấp vươn lên thành tỉnh khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều thành tựu nổi bật và tương đối toàn diện trên các lĩnh vực.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển

Trong năm 2021, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả rất đáng trân trọng. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh nhất là dịch COVID-19, GRDP của tỉnh giảm 1,05% so với năm 2020 nhưng GRDP bình quân đầu người tăng 1,1 triệu đồng, đạt 56,6 triệu đồng; sản xuất nông nghiệp ổn định.

Nhấn mạnh Vĩnh Long đạt và vượt dự toán năm 2021 là 100,8%, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc tỉnh tiếp tục huy động được các nguồn lực cho đầu tư phát triển, môi trường đầu tư, kinh doanh và năng lực cạnh tranh tiếp tục được cải thiện. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 của Vĩnh Long xếp hạng 6/63 tỉnh thành trong cả nước.

Đặc biệt, trên 95% doanh nghiệp trong khu công nghiệp và hơn 89% doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp đã hoạt động trở lại sau dịch bệnh là tiền đề để tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, yếu tố rất quan trọng để Vĩnh Long tiếp tục phục hồi và thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022.

Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. An sinh xã hội được bảo đảm, nhất là hỗ trợ kịp thời cho người dân, người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh; giải quyết việc làm mới cho lao động đạt 117,2% kế hoạch. An ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội giảm 15,6%.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm, chú trọng, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI; đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị theo Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, giám sát và đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà lưu niệm cho tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Doãn Tấn/ TTXVN

Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số được quan tâm, hiệu quả quản lý nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng thực tế, sâu sát hơn; nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội được chú trọng đổi mới, khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố và tăng cường.

Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Hội đồng nhân dân các cấp được thực hiện chủ động, tích cực, trong đó có nhiều đóng góp trong triển khai công tác giám sát (như đối với 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội), tiếp xúc cử tri, đối thoại, giải quyết các kiến nghị của cử tri.  

Trong ba tháng đầu năm 2022, kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực; hoạt động sản xuất kinh doanh được khôi phục; thương mại, dịch vụ có tín hiệu phục hồi tốt. Sản xuất nông nghiệp - thủy sản phát triển khá, các kênh phân phối, lưu thông hàng hóa nông sản, tiêu dùng… được khơi thông. GRDP quý I tăng 4,68% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp liên tục có mức tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước (Chỉ số sản xuất công nghiệp IPP quý I tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2021).

Nổi bật là tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 16,03%, trong đó có những mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh như rau quả tăng 195,11%, sản phẩm mây, tre, cói tăng gần 45%...

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tỉnh đã tích cực và kịp thời ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 42/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, bước đầu đạt kết quả đáng ghi nhận. Tỉnh ủy Vĩnh Long đã nhìn nhận rất thẳng thắn về một số khó khăn, tồn tại, hạn chế như: nền kinh tế của tỉnh có xuất phát điểm thấp, sản xuất chủ yếu dựa vào nông nghiệp trong khi chịu tác động thường xuyên của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, dịch bệnh cây trồng, vật nuôi; hạ tầng thiết yếu chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, y tế; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Một số nông sản, ngành hàng vẫn còn khó khăn về thị trường, sức cạnh tranh thấp; hoạt động du lịch lữ hành vẫn chưa thật sự phục hồi do tác động của đại dịch COVD-19…

Tiếp tục thực hiện tốt các Nghị quyết để phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội

Cơ bản tán thành với phương hướng, nhiệm vụ của tỉnh đề ra cho thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh một số nội dung.

Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Vĩnh Long tiếp tục quán triệt thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, tập trung thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; làm tốt công tác tư tưởng, dân vận, kiểm tra, giám sát, giữ nghiêm kỷ luật Đảng; trọng tâm là thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Kết luận số 01- KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị; đặc biệt thúc đẩy việc tự giác nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cơ quan đơn vị, địa phương và  quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức từ tỉnh đến cơ sở vững vàng về tư tưởng chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, tận tụy phục vụ nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong năm 2022, tỉnh Vĩnh Long hoàn thành xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ kế tiếp theo Quy định số 50-QĐ/TW ngày 27/12/2021 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ. Trong rà soát, quy hoạch, tỉnh cần chú ý quy hoạch đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu cho các cơ quan dân cử.

Trong phát triển kinh tế - xã hội cần bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, nhất là Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW (Nghị quyết 13) về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là điều kiện, là cơ hội lớn để phát triển các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Vĩnh Long nói riêng. Do đó, Vĩnh Long cần đặc biệt quan tâm, chuẩn bị kỹ lưỡng và khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết 13 và quan tâm đến công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2030 và tầm nhìn đến 2020 trên cơ sở bám sát Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long đã được phê duyệt và các quy hoạch ngành quốc gia.

Đoàn giám sát của Quốc hội đã hoàn thành công tác giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực và có hai kiến nghị rất quan trọng; trong đó cần đánh giá, tổng kết toàn diện Luật Quy hoạch và các luật có liên quan để tiếp tục hoàn thiện, cùng với đó là trình Quốc hội ban hành nghị quyết nhằm giải đáp, tháo gỡ những nút thắt, khó khăn trước mắt trong công tác quy hoạch, trong đó có những vấn đề đã được tỉnh kiến nghị.

Tinh thần Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị là tập trung phát triển đô thị hóa tại chỗ và công nghiệp hóa tại chỗ. Vĩnh Long tuy có diện tích nhỏ nhưng lại nằm ở khu vực trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, trên vành đai kinh tế, công nghiệp và đô thị Cần Thơ- Mỹ Thuận-Long An-Vĩnh Long và hành lang kinh tế dọc sông Tiền, sông Hậu nên tiềm năng phát triển là rất lớn. Do đó, tỉnh cần quan tâm bố trí quỹ đất để phát triển đô thị và công nghiệp (hiện nay tỷ lệ đô thị hóa mới là 24% và công nghiệp hóa là 16%). Tỉnh chú ý trong công tác quy hoạch phải gắn đô thị hóa với công nghiệp hóa, quy hoạch nông thôn gắn với phát triển đô thị.

Tỉnh quan tâm tổ chức tốt các hoạt động văn hóa - thể thao - du lịch, giáo dục, y tế, sớm khắc phục những yếu kém, hạn chế của “vùng trũng” y tế, giáo dục; đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững; chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Vĩnh Long tiếp tục lãnh đạo đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, của Hội đồng nhân dân tỉnh,  nâng cao chất lượng hoạt động giám sát.

Tỉnh đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tiếp tục tập trung xây dựng nông thôn mới; đồng thời, tiếp tục đầu tư phát triển, hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống giao thông, các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất gắn với đầu tư các công trình thủy lợi, kiểm soát lũ.

Nêu rõ chính sách của Đảng, Nhà nước là nhằm hỗ trợ, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến Nghị quyết về “tam nông”, về vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã làm giảm chi phí đầu vào, gia tăng giá trị đầu ra, hay việc thực hiện tốt Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP)… , sẽ góp phần để Vĩnh Long phát huy tiềm năng phát triển kinh tế đa dạng, nhất là về nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, phát triển dịch vụ, du lịch…

Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, tại cuộc làm việc, đại diện các cơ quan đã có các ý kiến trao đổi, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và giao Văn phòng Quốc hội tổng hợp các đề xuất, kiến nghị gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, nhằm góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và các ý kiến của Đoàn công tác Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ khẩn trương bổ sung các nhóm nhiệm vụ, giải pháp vào các chương trình, kế hoạch công tác; chỉ đạo phát triển kinh tế, xã hội bám sát các văn bản, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ... để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra.

Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chứng kiến Tập đoàn Trung Nam trao 10 tỷ đồng hỗ trợ tỉnh Vĩnh Long xây dựng 200 căn nhà cho hộ nghèo, thực hiện an sinh xã hội.

Theo TTXVN