Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sóc Trăng phải tập trung đầu tư hạ tầng chiến lược, trọng tâm, trọng điểm

Trong nước - Ngày đăng : 17:41, 28/04/2022

Nhận định Sóc Trăng có tiềm năng rất lớn nhưng hạ tầng chưa phát triển tương xứng, Thủ tướng yêu cầu tỉnh mạnh dạn cắt bỏ những dự án chưa cần thiết, dồn nguồn vốn tập trung cho các dự án lớn, trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa, lâu dài.

Chiều ngày 28/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng về kết quả phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị năm 2021 và 4 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ đến cuối năm 2022, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của tỉnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sóc Trăng phải tập trung đầu tư hạ tầng chiến lược, trọng tâm, trọng điểm - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng dự sự kiện có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, tỉnh Sóc Trăng.

Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng năm 2022; tới thăm, động viên các giáo viên, học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú Huỳnh Cương tại TP. Sóc Trăng.

Chiều 27/4, Thủ tướng và đoàn công tác đi khảo sát thực tế khu quy hoạch cảng Trần Đề tại huyện Trần Đề; thị sát công trường xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1, tại xã Long Đức, huyện Long Phú đang bị chậm tiến độ; dự lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng.

Hạn chế thấp nhất tác động của dịch bệnh, đạt kết quả tích cực về kinh tế-xã hội

Các ý kiến tại cuộc làm việc đánh giá, năm 2021, trong điều kiện nhiều khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ, dịch COVID-19 bùng phát, Sóc Trăng là một trong những tỉnh đầu tiên áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo mức độ nguy cơ, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực của dịch bệnh, được người dân và doanh nghiệp đồng tình ủng hộ.

Qua đó, kinh tế-xã hội của tỉnh đạt kết quả tích cực. Tăng trưởng GRDP đạt 1,18% (tuy không đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra là trên 6,5%, nhưng tốc độ tăng trưởng GRDP của Sóc Trăng xếp thứ 3 vùng ĐBSCL). Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển; sản lượng lúa, thủy sản vượt kế hoạch.

 Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12% so với năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng của tỉnh trong năm 2021, vượt 15% chỉ tiêu Nghị quyết, xuất khẩu thủy sản vượt 1 tỷ USD. Thu ngân sách vượt gần 11% chỉ tiêu Nghị quyết.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sóc Trăng phải tập trung đầu tư hạ tầng chiến lược, trọng tâm, trọng điểm - Ảnh 2.

Bí thư Tỉnh Ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn báo cáo tình hình KT-XH của tỉnh với đoàn công tác - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Kết quả xây dựng nông thôn mới vượt chỉ tiêu đề ra. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm triển khai thực hiện, nhất là chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, kinh tế của tỉnh phục hồi, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì và phát triển. Ước tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh quý I/2022 đạt 3,15%. Trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản đều có bước tăng trưởng so cùng kỳ. Sản lượng lúa đạt hơn 1 triệu tấn (trong đó, lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm 90,5% tổng sản lượng).

Chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2022 tăng 16,11%. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 69%; lượt doanh nghiệp đến làm việc và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh tăng 50%; giá trị xuất khẩu hàng hóa 480 triệu USD tăng 38,34% so cùng kỳ. Thu nội địa ngân sách nhà nước 1.397 tỷ đồng, đạt 33,93% chỉ tiêu Nghị quyết. Tỉnh tập trung triển khai kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, ước đến hết 30/4, giải ngân đạt khoảng 25% so với kế hoạch.

Nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh

Các đại biểu đánh giá, với nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh và cơ hội nổi trội, Sóc Trăng có đầy đủ yếu tố để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, khu, cụm công nghiệp, kinh tế biển và năng lượng tái tạo.

Sóc Trăng có vị trí quan trọng vùng duyên hải phía đông vùng ĐBSCL, nằm ở cuối sông Hậu với vị trị địa lý thuận lợi, gần TP.Cần Thơ; diện tích tự nhiên là 3.311,87 km2, xấp xỉ 1% diện tích của cả nước và 8,3% diện tích của khu vực ĐBSCL.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sóc Trăng phải tập trung đầu tư hạ tầng chiến lược, trọng tâm, trọng điểm - Ảnh 3.

Bộ trường, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn phát biểu tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Với diện tích đất nông nghiệp hơn 280.000 ha, trong đó đất trồng lúa chiếm hơn 149.000 ha, đất nuôi trồng thủy sản chiếm gần 57.000 ha và đất trồng cây lâu năm hơn 44.000 ha, Sóc Trăng được xem là một trong những tỉnh cung cấp sản lượng lương thực quan trọng của cả nước, nơi có sản phẩm xuất khẩu dồi dào và đa dạng, nhất là gạo, thủy sản, nông sản thực phẩm chế biến.

Sóc Trăng có ưu thế phát triển giao thông thủy, trong đó cảng Trần Đề có lợi thế rất lớn đã được quy hoạch là cảng nước sâu đặc biệt, cửa ngõ ĐBSCL, lĩnh vực logistics; có tiềm năng phát triển năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối,…), kinh tế biển…

Tỉnh có bờ biển dài 72 km, ngư trường có trữ lượng thủy sản lớn; với trên 69.000 ha nuôi trồng thủy sản có điều kiện thuận lợi cho nuôi trồng và khai thác thủy sản. Sóc Trăng có khí hậu nhiệt đới ôn hòa (nhiệt độ ổn định, độ ẩm cao, lượng mưa lớn) thích hợp cho trồng lúa, hoa màu và nông sản nhiệt đới.

Tỉnh có nhiều lễ hội nổi tiếng như Lễ hội Ok Om Bok, Lễ hội đua ghe Ngo...; hơn 31% dân số là người Khmer với hơn 200 ngôi chùa. Đặc biệt, Sóc Trăng có dải cù lao chạy dài ra tận cửa biển với vùng cây trái nhiệt đới phong phú, không khí trong lành... là địa điểm lý tưởng để phát triển loại hình du lịch sinh thái. Văn hóa ẩm thực phong phú, đa dạng…

Với dân số gần 1,2 triệu người, Sóc Trăng có nguồn lao động dồi dào, trong đó lực lượng lao động là 641.910 người (qua đào tạo là 60,38%, qua đào tạo nghề 55%).

Tỉnh Sóc Trăng nêu kiến nghị liên quan dự án cảng biển Trần Đề; cơ chế khai thác mỏ cát làm vật liệu phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng; bổ sung định hướng phát triển vùng ĐBSCL trong định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện gió, bổ sung quy hoạch một số dự án năng lượng tái tạo…

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sóc Trăng phải tập trung đầu tư hạ tầng chiến lược, trọng tâm, trọng điểm - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tiềm năng lớn nhưng hạ tầng chưa tương xứng

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết tại lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh và hội nghị xúc tiến đầu tư Sóc Trăng vừa diễn ra, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng đã nêu các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp lớn mà tỉnh Sóc Trăng cần tập trung triển khai trong thời gian tới. 

Tại cuộc làm việc này, cơ bản đồng tình, đánh giá cao các báo cáo và ý kiến phát biểu, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung.

Người đứng đầu Chính phủ đánh giá trong năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, khắc phục mọi khó khăn, năng động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế và đạt được những kết quả tích cực, đóng góp vào thành tựu chung của cả nước.

Tỉnh đã triển khai tương đối có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Dịch bệnh được kiểm soát, tăng trưởng dương, thu ngân sách tương đối tốt trong điều kiện khó khăn. Tỉnh giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội. Các hoạt động kinh tế đối ngoại được triển khai đúng hướng, có hiệu quả.

Tuy nhiên, quy mô nền kinh tế của Sóc Trăng còn nhỏ, thu ngân sách chưa nhiều, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã tốt nhưng so với yêu cầu, tiềm năng phải cố gắng hơn nữa. Các chỉ số cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, chỉ số hài lòng của người dân còn chưa cao. Tiềm năng lớn nhưng hạ tầng chưa tương xứng, cơ chế, chính sách chưa nhiều. Hạ tầng y tế, giáo dục, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số còn rất hạn chế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sóc Trăng phải tập trung đầu tư hạ tầng chiến lược, trọng tâm, trọng điểm - Ảnh 5.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp lớn mà tỉnh Sóc Trăng cần tập trung triển khai trong thời gian tới - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Biến di sản thành tài sản, động lực phát triển

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tập trung triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả để yên tâm mở cửa trường học, du lịch, dịch vụ, phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; hoàn thành sớm việc tiêm vaccine mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên và 2 mũi cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý II/2022.

Phải bám sát các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng phù hợp với tình hình Sóc Trăng, quán triệt nghiêm túc, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 120 của Chính phủ về thích ứng với biến đổi khí hậu; Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Quy hoạch vùng ĐBSCL đã được phê duyệt. Thủ tướng lưu ý, tỉnh cụ thể hóa các nghị quyết, chiến lược, quy hoạch này các bằng các chương trình hành động, kế hoạch cụ thể, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí nguồn lực để thực hiện.

Thủ tướng yêu cầu Sóc Trăng tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa, truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển, mảnh đất của mình, không trông chờ, ỷ lại, "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể". Đã quyết tâm rồi phải quyết tâm hơn nữa, đã cố gắng, nỗ lực rồi phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa; hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sóc Trăng phải tập trung đầu tư hạ tầng chiến lược, trọng tâm, trọng điểm - Ảnh 6.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Sóc Trăng cần biến di sản, truyền thống văn hóa-lịch sử thành tài sản để phát triển kinh tế-xã hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

"Trước đây, trong chiến tranh, chúng ta đã biến các di sản, truyền thống đó thành động lực để bảo vệ Tổ quốc, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Ngày nay, chúng ta phải biến di sản thành tài sản để xây dựng và phát triển. Trong đó, sức mạnh đại đoàn kết giữa các dân tộc chính là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển nhanh và bền vững", Thủ tướng nói.

Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, tăng cường giám sát kiểm tra, phân bổ nguồn lực phù hợp và nâng cao năng lực cán bộ thực thi. Tiếp tục xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vì dân, gần dân, trọng dân, biết lắng nghe tiếp thu những ý kiến xây dựng xác đáng của nhân dân, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường năng lực và phẩm chất của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu.

Về các lĩnh vực phát triển kinh tế, Thủ tướng yêu cầu chuyển đổi tư duy từ "phát triển sản xuất nông nghiệp" sang "phát triển kinh tế nông nghiệp", nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, hiệu quả sản xuất. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp, hướng tới nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh. Thúc đẩy liên kết các chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế như công nghiệp chế biến thủy, hải sản; năng lượng tái tạo, năng lượng xanh và các ngành hàng khai thác thế mạnh nguyên, vật liệu tại địa phương. Chú trọng thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp.

Triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi tăng trưởng các ngành dịch vụ, du lịch gắn với đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, nhất là phát triển du lịch; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên các đặc trưng của tỉnh; đa dạng hóa các loại hình dịch vụ du lịch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sóc Trăng phải tập trung đầu tư hạ tầng chiến lược, trọng tâm, trọng điểm - Ảnh 7.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các nhà đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng năm 2022 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Rà soát, cương quyết cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đầu tư công, mạnh dạn cắt bỏ những dự án chưa cần thiết, tránh dàn trải, chia cắt, manh mún gây kéo dài, chậm tiến độ; dồn nguồn vốn tập trung cho các dự án lớn, trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa, lâu dài.

Một nhiệm vụ mà tỉnh cần tập trung trong năm 2022 là công tác quy hoạch, cập nhật không gian phát triển mới, bảo đảm tiến độ và chất lượng quy hoạch. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tập trung cải thiện ngay Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI).

Tăng cường thực hiện công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, khoáng sản, lĩnh vực biển, khí tượng thủy văn và ứng phó biến đổi khí hậu. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm môi trường; xử lý nghiêm các vi phạm. Thủ tướng lưu ý việc nghiên cứu, sử dụng nguồn tài nguyên cát biển cho các hoạt động xây dựng vừa hiệu quả, vừa bảo đảm môi trường.

Triển khai hiệu quả công tác an sinh xã hội, bảo đảm phúc lợi xã hội. Tổ chức triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là quan tâm nâng cao trình độ văn hóa, giáo dục, giải quyết sinh kế, hạ tầng xã hội, y tế, văn hóa, giáo dục cho người dân. Giữ vững an ninh, quốc phòng; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, mang lại cuộc sống bình yên cho người dân.

Coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Coi trọng công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sóc Trăng phải tập trung đầu tư hạ tầng chiến lược, trọng tâm, trọng điểm - Ảnh 9.

Thủ tướng khảo sát khu quy hoạch cảng lớn nhất ĐBSCL - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư

Về một số nhiệm vụ trước mắt, Thủ tướng yêu cầu tỉnh quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn; tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân, tạo mọi thuận lợi cho các dự án sản xuất, kinh doanh sớm đi vào hoạt động.

Cùng với đó, thực hiện tốt phòng, chống khô hạn và xâm nhập mặn. Tăng cường triển khai các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, nhất là tình hình sạt lở bờ sông, đê biển.

Đồng thời, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ điện phục vụ đời sống và sản xuất của người dân trong mùa khô hạn. Thúc đẩy, tạo điều kiện hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án điện gió đã được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Về các kiến nghị, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan Trung ương phối hợp với tỉnh Sóc Trăng để giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

Về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 5, trong đó có cảng biển Trần Đề, Thủ tướng yêu cầu tỉnh phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, chất lượng tiến độ. Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện, sớm trình Thủ tướng phê duyệt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sóc Trăng phải tập trung đầu tư hạ tầng chiến lược, trọng tâm, trọng điểm - Ảnh 10.

Thủ tướng thị sát công trường xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1, tại xã Long Đức, huyện Long Phú - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng nhấn mạnh việc lựa chọn nhà đầu tư cảng biển Trần Đề theo hình thức hợp tác công tư, tỉnh Sóc Trăng phải có quyết tâm cao, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn, từ đó xác định phương thức đầu tư phù hợp, tiến hành theo các quy định hiện hành, nếu vướng mắc thì đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết, hạn chế "những việc lớn Trung ương đã làm, còn một số việc không lớn lắm, Trung ương không bỏ rơi tỉnh nhưng tỉnh phải phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại", Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng cũng cho ý kiến định hướng và nhấn mạnh quyết tâm giải quyết vấn đề liên quan tới Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 hiện đang chậm tiến độ, giao Bộ trưởng Công Thương với trách nhiệm Tổ trưởng Tổ công tác về Dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 tiếp tục chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam triển khai các biện pháp, thống nhất phương án giải quyết khó khăn, vướng mắc của dự án.

Theo Chinhphu.vn