Nhiều quốc gia loại bỏ dự án điện than mở mới
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 17:53, 27/04/2022
So với thời điểm tháng 1/2021, đến nay, có thêm 7 quốc gia đã loại bỏ hoàn toàn các dự án điện than mới trong các quy hoạch, kế hoạch. Trên thế giới, còn lại 34 quốc gia hiện vẫn có nhà máy điện than mới đang được xem xét phê duyệt.
Đặc biệt, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã cam kết ngừng cấp vốn cho các nhà máy điện than mới ở các nước khác, theo sau là cam kết của tất cả các nước G20 trước thềm COP26. Với những cam kết này, về cơ bản không còn nước nào sử dụng tài chính công để hỗ trợ xây dựng các nhà máy điện than mới ở nước khác. Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn tiếp tục dẫn đầu tất cả các quốc gia về xây dựng các nhà máy điện than mới trong nước. Công suất điện than mới đưa vào vận hành cũng nhiều hơn tất cả phần còn lại của thế giới.
27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu đã cho ngừng hoạt động 12,9 GW điện than - mức kỷ lục - vào năm 2021. Nhiều nhất ở Đức (5,8 GW), Tây Ban Nha (1,7 GW) và Bồ Đào Nha (1,9 GW). Bồ Đào Nha trở thành quốc gia không có điện than vào tháng 11/2021, sớm hơn 9 năm so với mục tiêu loại bỏ điện than vào năm 2030.
Công suất nhà máy điện than trong giai đoạn tiền xây dựng đã giảm 77% kể từ khi Thỏa thuận Paris được ký kết vào năm 2015. Tuy vậy, theo Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), dư địa phát thải carbon không còn nhiều và cần phải loại bỏ hoàn toàn các nhà máy điện than mới, nhằm giảm 75% lượng than sử dụng vào năm 2030 (từ mức năm 2019). Như vậy, mới đủ điều kiện để hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới ngưỡng 1,5 độ C, phù hợp với mục tiêu của Thỏa thuận Paris.
Báo cáo cũng đưa ra nhận định: Năm 2021, công suất tổ máy điện than ròng đang hoạt động đã tăng 18,2 GW. Công suất điện than tiền xây dựng chạm mốc 280 GW trên toàn cầu, tương đương với các tổ máy đang hoạt động hiện tại của Hoa Kỳ và Nhật Bản cộng lại. Cần phải đẩy nhanh tiến độ hơn để đáp ứng các yêu cầu rõ ràng về loại bỏ điện than triệt để trong thập kỷ này.
“Nhiều nền kinh tế mới nổi đã cắt giảm kế hoạch tăng cường công suất nhiệt điện than mới, trong đó mức cắt giảm lớn nhất là ở Ấn Độ, Việt Nam, Bangladesh và Ai Cập. Các nước phát triển đã công bố các mục tiêu loại bỏ việc xây dựng các nhà máy điện than mới và cho ngừng hoạt động các nhà máy hiện đang hoạt động. Hiện, các quốc gia có mục tiêu phát thải ròng bằng 0 nhưng không có kế hoạch loại bỏ điện than phù hợp với các mục tiêu đó cần phải đẩy mạnh tiến trình tiếp theo” – bà Lauri Myllyvirta, nhà phân tích chính của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch cho biết.
Theo ông Leo Roberts, tổ chức E3G cho biết: Những tác động trực tiếp của việc Nga tấn công Ukraine đối với thị trường năng lượng toàn cầu càng làm rõ hơn những gì chúng ta đã biết - xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới là một sai lầm phải trả giá bằng tiền. Những quốc gia vẫn đang cân nhắc xây dựng các nhà máy điện than mới trong năm 2022 đang công khai chấp nhận chi phí năng lượng cao cho người tiêu dùng, mối đe dọa sắp xảy ra từ khối tài sản mắc kẹt đắt đỏ, và tình trạng bất ổn an ninh năng lượng song hành với việc phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để cung cấp năng lượng cho nền kinh tế.
Báo cáo cũng lưu ý, lượng điện năng sản xuất từ than đá đã tăng kỷ lục thêm 9% vào năm 2021, so với mức giảm 4% vào năm 2020. Tiến trình cho các nhà máy đang vận hành ngừng hoạt động trong tương lai tiếp tục được triển khai vào năm 2021, với số lượng nhà máy điện than sắp tới ngày ngừng hoạt động tăng gần gấp đôi lên 750 nhà máy (550 GW).