Hải Dương: Tập huấn Luật bảo về môi trường cho cán bộ quản lý và doanh nghiệp
Môi trường - Ngày đăng : 07:07, 27/04/2022
Sáng 26.4, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương tổ chức hội nghị tập huấn Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn luật này cho hơn 100 người làm công tác quản lý về môi trường và một số doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi tập huấn, các đại biểu đã được nghe báo cáo viên phân tích những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Thông tư 02/2022/TT-BTNMT. Trong đó tập trung vào những điểm mới trong nguyên tắc, quan điểm, chính sách các hoạt động đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường; công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra, giải quyết chanh chấp, tố cáo về bảo vệ môi trường; những điểm mới về quản lý chất thải rắn, quản lý chất lượng các thành phần môi trường, trách nhiệm bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh... Qua đó giúp các cán bộ làm công tác quản lý môi trường nắm bắt kịp thời các quy định mới của pháp luật về bảo vệ môi trường để phục vụ công tác quản lý và áp dụng vào thực tế tại cơ sở.
Báo cáo viên cũng chỉ ra một số điểm mới để cho cán bộ, công chức và doanh nghiệp kịp thời nắm bắt một cách hệ thống, qua đó thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về Bảo vệ môi trường.
Một số điểm mới luật bảo vệ môi trường 2020
- Ban hành Tiêu chí môi trường để phân loại dự án đầu tư, đánh giá sơ bộ về tác động môi trường bao gồm các nhóm I,II,III và IV (khoản 3, khoản 4, khoản 5 và khoản 6, Điều 28 đến Điều 29 Luật này;
- Bãi bỏ cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, xả nước thải vào công trình thủy lợi. Luật bổ sung về trách nhiệm, thẩm quyền tham gia, quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường. Ví dụ trường hợp dự án đầu tư có hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi thì hội đồng thẩm định phải có đại diện cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi đó; cơ quan thẩm định phải lấy ý kiến bằng văn bản thì mới đạt được sự đồng thuận trước khi phê duyệt kết quả thẩm định… (điểm d, khoản 3, Điều 34 Luật này); UBND tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh mình. Bộ, ngành có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp tỉnh nơi có dự án phải thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt đầu tư của mình (khoản 3, Điều 35 Luật này). Như vậy, Luật Bảo vệ môi trường mới năm 2020 quy định phân cấp mạnh cho địa phương là UBND cấp tỉnh.
- Quy định cấp Giấy phép môi trường gồm 3 nhóm có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc chất thải nguy hại khi vận hành….Đặc biệt quy định rõ kể từ ngày giấy phép môi trường có hiệu lực, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường thành phần hết hiệu lực (khoản 6, Điều 42 Luật này).
- Quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt thông qua hoạt động phân loại rác thải (Chất thải rắn có khả năng sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất rắn sinh hoạt khác); quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người. Đồng thời quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng. Nếu chất thải được phân loại thì các hộ gia đình, cá nhân có chất thải không phải chi trả dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.
- Quy định từ năm 2020 về sau, nếu hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải, không sử dụng bao bì đúng quy định thì chất thải sẽ bị từ chối thu gom, vận chuyển. Đồng thời hộ gia đình, cá nhân có chất thải đó sẽ bị thông báo cho cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật (khoản 2, Điều 77 Luật này).
- Quy định tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò cộng đồng dân cư trong hoạt động bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo trách nhiệm, quản lý thống nhất giữa các cơ quan nhà nước Trung ương và địa phương, cơ sở có đầu tư dự án./.