Thanh Hóa: Đảm bảo an toàn công trình thủy lợi mùa mưa lũ năm 2022
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 13:33, 26/04/2022
Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các Công ty khai thác công trình thủy lợi, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 3, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa khẩn trương tổ chức kiểm tra, khắc phục, sửa chữa các hư hỏng và có phương án đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa, lũ năm 2022; trong đó, cần phải tập trung hoàn thành một số nội dung trước ngày 30/5/2022.
Cụ thể, Công ty TNHH một thành viên Sông Chu: Kiểm tra, khắc phục các hư hỏng và có phương án đảm bảo an toàn các công trình âu Mai Chữ, trạm bơm tiêu Thanh Thủy; Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Nam sông Mã kiểm tra, khắc phục các hư hỏng và có phương án đảm bảo an toàn các công trình trên tuyến kênh chính Bắc và tuyến kênh chính Nam thuộc hệ thống kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã; phối hợp với các chủ đầu tư để tổ chức khắc phục, bảo trì đối với các gói thầu đang còn trong thời gian bảo hành theo quy định; Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Bắc sông Mã: Kiểm tra, khắc phục các hư hỏng và có phương án đảm bảo an toàn các công trình cống Mộng Giường II, huyện Nga Sơn và tuyến kênh Nam thuộc hệ thống kênh trạm bơm Hoằng Khánh, huyện Hoằng Hóa.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình đang triển khai thi công, đảm bảo vượt lũ, chống lũ an toàn và sớm đưa vào vận hành, phục vụ sản xuất; UBND các huyện, thị xã, Công ty khai thác công trình thủy lợi có hồ chứa bị hư hỏng nặng, có nguy cơ mất an toàn: Chủ động gia cố, sửa chữa các hư hỏng, tránh để xảy ra sự cố mất an toàn cho công trình và vùng hạ du; chủ động tập kết đầy đủ nhân lực, vật tư, máy móc, thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ” trong phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp được phê duyệt để sẵn sáng ứng phó khi có sự cố xảy ra; đối với 16 công trình đã được bố trí nguồn vốn đầu tư nhưng chưa triển khai thi công, yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư để sớm triển khai thi công, đảm bảo an toàn công trình...
Đối với các đập, hồ chứa lớn do Công ty khai thác công trình thủy lợi quản lý và các đập, hồ chứa mà phạm vi công trình và vùng hạ du liên quan đến địa bàn hai huyện trở lên, lập phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT trước ngày 30/4/2022 để thẩm định, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt theo quy định. Trên cơ sở phương án được phê duyệt, thực hiện rà soát, bổ sung đầy đủ vật tư, nhân lực, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra.