Tháo gỡ vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai: Góp phần giải phóng nguồn lực, đẩy mạnh cải cách hành chính

Đất đai - Ngày đăng : 13:25, 26/04/2022

(TN&MT) - Trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai, nhiều vấn đề vướng mắc phát sinh đã được Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN&MT tháo gỡ. Điều này góp phần đưa Luật vào cuộc sống, giải phóng nguồn lực đất đai, đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực này. Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo TN&MT, bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết:

Luật Đất đai năm 2013 là một trong những đạo luật quan trọng, thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. Để tổ chức thi hành Luật Đất đai, Chính phủ và các bộ, ngành theo thẩm quyền được phân công đã ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thi hành, góp phần đưa Luật Đất đai đi vào cuộc sống.

Sau gần 8 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả đất đai, khai thác nguồn lực đất đai cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, một số những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật đòi hỏi cơ quan quản lý liên tục cập nhật tháo gỡ.

1-3-.jpg
Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai

Trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn nhận được các phản ánh, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp. Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý đất đai chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các địa phương, người dân và doanh nghiệp trong việc tổ chức thi hành Luật Đất đai. Có thể kể đến một số văn bản sau: Nghị định 01/2017/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; Nghị định số 148/2020/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT ngày 30/6/2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai…

PV: Vậy cụ thể, những văn bản pháp luật đã này đã giải quyết những vướng mắc ở lĩnh vực nào, thưa bà?

Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ: Theo tôi, các văn bản quy phạm pháp luật trên đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong nhiều góc độ khi tổ chức thi hành Luật Đất đai trong thời gian qua.

Ví dụ như Nghị định 01/2017/NĐ-CP đã giải quyết các vướng mắc cụ thể liên quan đến việc điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất cấp huyện để đáp ứng yêu cầu quỹ đất cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; cho phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa để phát huy hiệu quả sử dụng đất.

Đồng thời, gỡ vướng quy định chi tiết việc thu hồi đất do vi phạm tiến độ sử dụng đất, không thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng đất; thu hồi đất đối với trường hợp dự án bị chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật về đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện.

Để tổ chức thi hành Luật Đất đai 2013, Bộ TN&MT, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu xây dựng và trình Chính phủ ban hành 25 Nghị định; các bộ, ngành đã ban hành 59 thông tư, thông tư liên tịch, trong đó Bộ TN&MT đã chủ trì ban hành 46 thông tư. Việc ban hành kịp thời, đồng bộ và khá đầy đủ các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thi hành, góp phần đưa Luật Đất đai đi vào cuộc sống.

Nghị định còn tháo gỡ khó khăn trong cấp Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất thông qua việc quy định bổ sung một số loại giấy tờ về quyền sử dụng đất để làm cơ sở xem xét công nhận quyền sử dụng đất; quy định giao UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện cụ thể về bộ máy tổ chức, cơ sở vật chất để cho phép Sở TN&MT được ủy quyền cho Văn phòng Đăng ký đất đai cấp GCN trong trường hợp đăng ký biến động đất đai, cấp đổi, cấp lại GCN…

Về Nghị định 148/2020/NĐ-CP đã bổ sung quy định giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước quản lý; bổ sung cơ quan tiếp nhận hồ sơ gồm: Văn phòng Đăng ký đất đai và Chi nhánh văn phòng Đăng ký đất đai; bổ sung quy định về một số giấy tờ mà chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở có trách nhiệm gửi Sở Tài nguyên và Môi trường sau khi hoàn thành công trình…

Về Thông tư 09/2021/TT-BTNMT đã có nhiều hướng dẫn cụ thể về xử lý đất nông lâm trường khi trả về địa phương; đảm bảo thống nhất, đầy đủ hồ sơ theo quy định, đẩy nhanh tiến độ thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác…

PV: Theo đánh giá của cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai, hiện chính sách, pháp luật đất đai đang còn có những bất cập gì, thưa bà?

Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ: Trên cơ sở phản ánh kiến nghị của các địa phương, cử tri, đại biểu Quốc hội, hiện nay còn 6 bất cập chính thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Đầu tiên là bất cập liên quan đến hoạt động của các tổ chức dịch vụ công như Văn phòng Đăng ký đất đai, Tổ chức phát triển quỹ đất còn khó khăn, chưa phát huy hết vai trò của Tổ chức phát triển quỹ đất trong việc tạo lập quỹ đất.

t3.jpg

Luật Đất đai 2013 đã nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Hoàng Minh

Công tác đăng ký, cấp GCN còn gặp khó khăn. Cụ thể, đối với tổ chức chưa quy định rõ trách nhiệm của các bên có liên quan; Đối với hộ gia đình, cá nhân còn so bì, chưa công bằng khi xác định lại diện tích đất ở trong trường hợp sử dụng đất từ trước 18/12/1980 nhưng không có giấy tờ về quyền sử dụng đất; Việc cấp GCN quyền sở hữu đối với các công trình xây dựng là khách sạn, căn hộ - khách sạn, văn phòng lưu trú, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng, nhà nghỉ du lịch và công trình khác (công trình phục vụ mục đích lưu trú, du lịch) trên đất thương mại - dịch vụ chưa được thực hiện thống nhất tại các địa phương…

Việc xác định giá đất còn kéo dài, giá đất chưa phù hợp với thị trường do thông tin đầu vào phục vụ định giá chưa đáp ứng yêu cầu, việc áp dụng các phương pháp định giá còn thiếu thống nhất; Việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian qua còn phát sinh nhiều bất cập.

Thủ tục hành chính trong việc xác định các trường hợp bất khả kháng ảnh hưởng đến tiến độ sử dụng đất, thủ tục thu hồi đất trong trường hợp dự án bị chấm dứt hoạt động đầu tư chưa đủ rõ; Chưa có quy định về trình tự, thủ tục gia hạn sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân mua tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thông qua bán đấu giá, phát mãi; Việc áp dụng các quy định xử lý chuyển tiếp liên quan đến thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất trong các nghị định đã ban hành trước đây kéo dài, gây tình trạng chây ỳ và có nguy cơ thất thoát nguồn thu cho ngân sách…

PV: Để giải quyết những vướng mắc này, Tổng cục có những tham mưu, đề xuất gì trong thời gian tới, thưa bà?

Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ: Để kịp thời giải quyết 6 bất cập chính nêu trên, Chính phủ đã giao Bộ TN&MT xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai để giải quyết những vướng mắc, tồn tại trong thực tiễn trong khi Quốc hội chưa ban hành Luật Đất đai sửa đổi. Hiện dự thảo đang được gửi lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương và nhân dân.

Những tồn tại, bất cập như đã nêu ở trên đã được nghiên cứu để sửa đổi trong một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, Nghị định số 44/2014/NĐ-CP và một số Nghị khác có liên quan. Tôi cho rằng, nếu Dự thảo Nghị định được thông qua trong thời gian tới và cùng Nghị định 148/2020/NĐ-CP sẽ tháo gỡ được các vướng mắc khi thi hành Luật Đất đai ở địa phương, đưa nguồn lực đất đai vào phát triển kinh tế - xã hội, giảm thủ tục hành chính…

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Trường Giang (thực hiện)