Đồ chơi 0 đồng

Câu chuyện môi trường - Ngày đăng : 13:23, 26/04/2022

(TN&MT) - Gia đình anh Nguyễn Văn Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) mặc dù có 3 con nhỏ nhưng chưa bao giờ tốn tiền mua đồ chơi cho con. Gian đồ chơi phong phú mà các con anh đang dùng toàn được “mua” với giá 0 đồng, hay nói chính xác hơn, nó được tạo ra từ tình yêu của người cha với các con và từ tình yêu của một công dân đối với môi trường.

Anh Nam chia sẻ: "Mặc dù có khả năng để mua được rất nhiều đồ chơi hiện đại cho các con nhưng mình luôn hạn chế điều đó. Mình muốn tự làm đồ chơi cho con để đồng hành cùng con trong quá trình phát triển và giúp con tăng khả năng sáng tạo khi cùng bố mẹ tạo ra món đồ chơi cho chính mình. Mình hy vọng các con sẽ biết trân trọng và giữ gìn đồ chơi hơn vì trong đó có cả công sức của các con".

Đặc biệt, tất cả những món đồ chơi anh Nam làm cho con đều tận dụng các nguyên liệu bỏ đi như vỏ hộp thuốc, lon nước ngọt, nắp chai, ống nước, bìa carton, hộp sữa chua... Những nguyên liệu 0 đồng này vừa tạo ra những món đồ chơi độc đáo, thú vị, mà còn góp phần hạn chế được lượng chai nhựa thải ra bên ngoài môi trường.

khung-xe-cuu-hoa-lam-tu-ong-nhua-vo-ngoai-lam-bang-tam-fomex.-ca-xe-dat-len-tam-van-ep-co-gan-4-banh-xe..jpg

Từ món đồ chơi đầu tiên tự làm cho con năm 2018, đến nay, gian đồ chơi của các con anh đã khá phong phú với kệ trưng bày ô tô, xe cứu hỏa, hộp ánh sáng, mô hình tháp hồng, kệ trưng bày ô tô có hình dạng con thuyền, cây thông Noel, hộp nuôi thú cưng, bàn bi-lắc, xe tải ben, máy bay trực thăng, xe đạp...

Những đồ chơi này thường anh làm theo ý thích của các con rồi tham khảo ý tưởng trên mạng. Có những đồ chơi hoàn toàn do anh nghĩ ra.

Trong quá trình làm đồ chơi, anh Nam luôn "kéo" 2 con cùng tham gia cùng bố. Các con có thể phụ giúp vào việc tô màu, cắt dán giấy để hoàn thành sản phẩm. Công việc đơn giản nhưng đòi hỏi các con phải tập trung và tỉ mỉ, anh dùng hoạt động này "lồng ghép" vào để dạy con kỹ năng sống.

Theo anh Nam, việc để các con cùng làm đồ chơi là phương pháp anh giúp con có tư duy sáng tạo, rèn luyện tính tỉ mẩn và bớt lệ thuộc vào các thiết bị điện tử như tivi, điện thoại. Đó cũng là cách anh giáo dục con quý trọng, giữ gìn đồ chơi, trân trọng sức lao động. Bởi để làm ra một đồ chơi phải trải qua nhiều công đoạn mới có được.

Ngoài ra, với việc tận dụng các đồ bỏ đi để làm đồ chơi, còn giúp anh Nam dạy các con biết yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường hơn, việc làm nhỏ nhưng góp phần giảm rác thải ra môi trường.

Ngọc Mơ