Thiết kế đô thị miền núi ứng phó biến đổi khí hậu: Nhìn từ thành phố Sơn La
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 13:23, 26/04/2022
Không gian đô thị kết nối con người và thiên nhiên
TP. Sơn La (tỉnh Sơn La) là đô thị loại 2 có tốc độ phát triển bậc nhất trong khu vực. Sự tăng trưởng và mở rộng quy mô dân số nhanh chóng kéo theo hàng loạt vấn đề của đô thị hóa hiện đại, như: Thoát nước đô thị, phòng chống thiên tai, ngập lụt, bảo vệ môi trường và không khí... Đặc biệt, sự tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đã khiến thành phố ngày càng chịu nhiều thiệt hại do hứng chịu mưa đá, lũ lụt và sạt lở đất.
Qua nghiên cứu thực địa, nhóm thiết kế đã chỉ ra những nguyên nhân chính khiến thành phố trở nên dễ bị tổn thương hơn, bao gồm: hoạt động khai thác rừng mất kiểm soát; vị trí thành phố trùng với địa hình thoát nước mưa tự nhiên, vô tình tạo ra các đợt thiên tai đổ về; thiếu trầm trọng không gian xanh, công trình thoát lũ. Sự phát triển đô thị gây cản trở tiếp xúc những cảnh quan đặc trưng của Sơn La là các vùng đồi núi, các con suối chảy qua, thậm chí có nhiều khu vực bị lãng quên trong lòng thành phố, thiếu điểm nhấn thể hiện bản sắc văn hóa cùng cộng đồng dân tộc Sơn La.
Các nhóm nghiên cứu đã đưa ra nhiều phương án thiết kế hạ tầng để khắc phục những vấn đề này, hướng tới đô thị hài hòa với thiên nhiên. Một trong số đó là kết nối các công viên hiện có bằng cách cải tạo tuyến đường dọc suối Nậm La thành một “đại lộ xanh”. Ở khu vực trung tâm thành phố đã bị bê tông hóa, có thể bổ sung các bến nổi với ghế dài, thảm thực vật tạo lối đi trực tiếp ra suối cho người dân được đến gần mặt nước, dễ dàng quan sát và tiếp xúc với cảnh quan. Ở hai đầu suối đang giữ được cảnh quan tự nhiên và là vùng sản xuất nông nghiệp, có thể can thiệp “mềm” bằng cách tạo ra các lưu vực giữ nước và tách dòng suối thành nhiều dòng để kiểm soát lũ lụt, kết nối với các ao, hồ trữ nước nông nghiệp để hỗ trợ kiểm soát lũ.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất 8 địa điểm công viên để tạo thành “dòng chảy xanh”. Với hệ thống công viên hiện có, phương án cải tạo là cải thiện tiếp cận mặt nước, giảm bê tông hóa, tăng mật độ cây xanh và mở rộng hướng nhìn ra mặt hồ công viên. Đặc biệt, hồ Tuổi Trẻ với vị trí giao thoa trung tâm của các khu dân cư, bao gồm các bản làng truyền thống và khu đô thị mới phát triển cần được mở rộng diện tích, cải tạo theo hướng phát huy các giá trị văn hóa bản địa, sinh hoạt cộng đồng và trở thành điểm nhấn của thành phố.
Một phát hiện mới của nhóm là vị trí núi đá Bản Buồn - khu vực nằm trong trung tâm, gắn với di tích lịch sử và có tiềm năng trở thành điểm tham quan, hiện đang bị xâm lấn bởi các khu dân cư xung quanh. Phương án cải tạo sẽ xây dựng tuyến đường dạo quanh chân núi, hệ thống rào thấp để bảo vệ và biến nơi đây thành một địa điểm công cộng. Đặc biệt, các công trình cần ưu tiên sử dụng vật liệu bản địa thân thiện với môi trường để có thể giới thiệu các thế mạnh của địa phương.
Hiện TP. Sơn La đang trong quá trình mở rộng ra các trục phát triển, chưa xây dựng nhiều nên ngay từ bây giờ, các cấp chính quyền hoàn toàn có thể can thiệp vào quy hoạch để hình thành các đô thị tôn trọng địa hình tự nhiên, góp phần đưa Sơn La trở thành đô thị tăng trưởng xanh và bền vững.
Vấn đề chung của quy hoạch đô thị miền núi
Đánh giá cao các phương án thiết kế mà nhóm nghiên cứu đề xuất, ông Đào Mạnh Chiến - Phó ban quản lý dự án ODA tỉnh Sơn La nhận định: “Đây là cách tiếp cận mới và sáng tạo. Thành phố đang trong giai đoạn hoàn thiện quy hoạch chung, chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ các ý tưởng này, kết hợp với các phương án quy hoạch hiện tại”.
Qua yếu tố văn hóa, bản địa và ứng phó BĐKH thể hiện ở đây, Sơn La mong muốn nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của các cấp chính quyền, người dân trong thời gian tới, để dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu được triển khai đạt hiệu quả, góp phần xây dựng thành phố Sơn La phát triển xanh - nhanh - bền vững, từng bước đáp ứng các tiêu chí trở thành đô thị loại I trong thời gian tới - ông Chiến chia sẻ thêm.
Theo ông Conan Herve - Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) nhận định, các phương án thiết kế đã đưa ra cách tiếp cận căn bản để giải quyết vấn đề ứng phó BĐKH tại các đô thị của Việt Nam - một quốc gia được xây dựng gắn liền với sông, hồ - đó là sống chung với sự bất ổn của nguồn nước. Thay vì xây dựng nhiều thêm những công trình hạ tầng cứng, tăng mật độ sử dụng đất, bê tông hóa để đối chọi với thiên nhiên, cần sử dụng hiệu quả không gian cảnh quan, tối ưu hóa công năng các công trình, tạo sự tương tác với tự nhiên gắn chặt với việc phát triển văn hóa bản địa.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để quản lý tích hợp các vấn đề xuất phát từ nội tại phát triển đô thị gắn với giảm thiểu tác động của BĐKH, trên cơ sở phân bổ hợp lý mật độ dân cư. Nếu những quy hoạch mới làm được điều này sẽ góp phần tăng khả năng chống chịu, thích ứng với BĐKH và là động lực cho phát triển kinh tế.