Lạm phát đẩy giá đất nền tăng cao

Bất động sản - Ngày đăng : 13:23, 26/04/2022

(TN&MT) - Lo ngại lạm phát leo thang, người dân hiện đang có xu hướng mua đất nền để cất giữ tiền. Chính vì vậy, giá đất nền liên tục tăng mạnh từ nhiều tháng nay.

Đầu tư đất nền tính an toàn cao

Có trong tay 1,5 tỷ đồng tiền tiết kiệm, gia đình chị Nguyễn Thu Trang (Hà Nội) quyết định đi mua đất. Bởi kênh đầu tư này có độ an toàn cao và khả năng sinh lời tốt.

“Tôi mua đất không phải để “lướt sóng” kiếm lời mà mua với tâm thế tiết kiệm bởi tiền mất giá nhanh. Tuy nhiên, việc lựa chọn, tìm mua đất hiện khó vì giá đất tăng nhanh. Các mảnh đất quanh khu vực tôi đang sinh sống tăng 30% so với năm ngoài. Vì vậy, tôi đã phải chấp nhận ra các huyện vùng ven của Hà Nội để tìm mua”, chị Trang cho hay

Cũng với quan điểm đầu tư đất nền dài hạn, anh Nguyễn Hồng Nam, một nhà đầu tư ở Hà Nội đang tìm mua đất tại Hưng Yên cho biết, với nguồn tài chính 2 tỷ đồng, chỉ có thể chọn mua đất tại các tỉnh lân cận Hà Nội. Hai vợ chồng anh đã tích góp 5 năm mới có đủ số tiền này, dự kiến ban đầu mua nhà tại Hà Nội nhưng chưa thể tìm được. Lo lắng tiền mất giá nên anh quyết định mua 1 lô đất liền kề tại dự án bất động sản Hưng Yên.

img_1252.jpeg

Đất nền được xem là kênh đầu tư số 1 trên thị trường BĐS

“Về Hưng Yên tôi thấy giá đất dự án rất phù hợp. Với mức 11 - 14 triệu đồng/m2, số tiền của tôi đủ để mua 1 lô có diện tích 100m2 và còn dư một chút để có khoản dự phòng. Trong khi ở Hà Nội, với số tiền này rất khó để mua được một căn nhà ưng ý”, anh Nam chia sẻ.

Có thể thấy, thời gian gần đây, ngày càng có nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ mạnh dạn tham gia thị trường. Họ là đối tượng có nguồn tiền để dành vừa phải, lại lo sợ lạm phát khiến tiền mất giá nên rút tiền để mua đất.

Theo thống kê mới nhất của website lớn về bất động sản, nhu cầu tìm kiếm đất nền tại nhiều tỉnh thành trên cả nước có xu hướng tăng mạnh trong các tháng đầu năm. Các địa phương như Hà Nam tăng 36%, Hưng Yên tăng 21%, Bắc Giang tăng 22% và Hòa Bình tăng 18% so cùng kỳ năm 2021. Các khu vực lân cận Hà Nội hứa hẹn sẽ khởi sắc trong năm 2022. Riêng trong quý I năm nay, 4 tỉnh gồm Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình ghi nhận lượng giao dịch bất động sản khá lớn với gần 2.000 giao dịch. Giá đất tại các địa phương này cũng tăng 20 - 50%, đặc biệt có những thị trường tăng giá gần 100% so với năm 2020 như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang.

Nhà đầu tư chuyên nghiệp chuyển hướng

Lạm phát cùng với biến động giá vàng, giá xăng dầu khiến người dân tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn. Theo các chuyên gia BĐS, thị trường đang xuất hiện làn sóng các nhà đầu tư chuyên nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh chạy về các tỉnh để tìm cơ hội đầu tư.

Trong bối cảnh các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội khan hiếm quỹ đất phục vụ cho các dự án phát triển nhà ở, dòng vốn đầu tư đã chuyển dịch từ khu vực đô thị lớn sang các khu vực vùng ven các thành phố lớn. Sự phát triển mạnh của hạ tầng cùng xu hướng tăng giá đất ở nhiều địa phương đang khiến nhu cầu mua đất nền làm tài sản trú ẩn vẫn được ưa chuộng trong năm 2022.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam - nhận định, thị trường bất động sản vẫn đang chịu áp lực tăng giá vì nguồn cung thấp, giá đất tăng. Nguồn cung đất nền trên thị trường phần lớn không nằm ở các dự án được phê duyệt quy hoạch mà chủ yếu ở các dự án đấu giá của địa phương và dự án tự phát của nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Trong khi đó, giá đất trúng đấu giá ở hầu hết các địa phương đều rất cao. Cộng với lạm phát có thể tăng cao hơn, ngân hàng dự kiến tiếp tục siết chặt tín dụng bất động sản là những nguyên nhân đẩy giá nhà đất lên cao trong năm nay. Đáng chú ý, khi quỹ đất ngày càng khan hiếm, thị trường BĐS năm 2022 sẽ chứng kiến sự mở rộng ra khu vực ven đô, các dự án đã hoàn thiện pháp lý sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của người mua.

Nhìn nhận về vấn đề này, theo TS. Kinh tế Vũ Đình Ánh, về dài hạn, lạm phát và giá đất di chuyển cùng hướng với nhau. Trong 2 năm dịch Ccovid-19 hoành hành, giá BĐS không những giảm như những ngành kinh tế khác, mà còn leo thang, do đó khi lạm phát tăng cao sẽ càng đẩy giá tài sản lên theo hướng bất lợi cho thị trường. Bởi trong thực tế, lạm phát cao từng kéo theo lãi suất tăng khiến thị trường bị đình trệ.

Bên cạnh đó, lạm phát sẽ khiến những nhà đầu tư thứ cấp, có sẵn nguồn tiền nhàn rỗi tranh thủ tìm kiếm kênh trú ẩn tài sản an toàn, và một trong những kênh đó là BĐS. Còn những nhà đầu tư F0 sẽ dùng đòn bẩy tài chính sẽ phải cân nhắc.

Thùy Linh