Hoa Lư (Ninh Bình): Vì sao không xử lý được dứt điểm tình trạng vi phạm đê điều?

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 19:13, 25/04/2022

(TN&MT) - Mặc dù UBND tỉnh Ninh Bình đã yêu cầu các sở, ngành cùng 8 huyện, thành phố cùng một số đơn vị vào cuộc xử lý dứt điểm vi phạm luật đê điều trên địa bàn. Thế nhưng, đến nay dọc tuyến đê hữu Hoàng Long đoạn qua xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư, loạt nhà xưởng, bãi cát, bãi than… vi phạm hành lang an toàn đê điều suốt nhiều năm nay vẫn “ung dung” hoạt động một cách khó hiểu, gây bức xúc trong nhân dân.

Vi phạm tràn lan

Cầu Gián Khẩu nằm giáp ranh giữa hai xã Gia Trấn (huyện Gia Viễn) và xã Ninh Giang (huyện Hoa Lư của tỉnh Ninh Bình), bắc qua sông Hoàng Long và nằm gần ngã ba giao giữa sông Hoàng Long và sông Đáy. Tại khu vực thượng, hạ lưu cầu Gián Khẩu, dọc tuyến đê hữu Hoàng Long xã Ninh Giang có một loạt bãi cát, bãi than, xưởng dăm gỗ, xưởng đóng tàu trái phép ngang nhiên tập kết, hoạt động từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

03a4c866-a91b-48e0-9ca0-2655471fce37_1_105_c.jpeg
Bãi cát ngang nhiên hoạt động trong hành lang bảo vệ đê Trường Yên (xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư)

Theo quan sát của PV, hai bãi cát của Công ty TNHH TM Hưng Tuấn Anh và Công ty TNHH Trường An Thuỷ tập kết rất nhiều cát, vật liệu trong hành lang bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ. Có rất nhiều máy móc, thiết bị để múc cát, vận chuyển cát vẫn ngang nhiên hoành hành như chưa có chuyện gì xảy ra.

Cách đó không xa, xưởng dăm gỗ của Công ty cổ phần Đức Phát cũng hoạt động tấp nập ngoài đê khu vực thượng cầu Gián Khẩu. Máy móc và nguyên vật liệu nằm sát bờ sông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn hành lang đê.

97a2935a-d384-4c8e-ac67-32ba6e77a469_1_105_c.jpeg
Máy móc và nguyên vật liệu nằm sát bờ sông, tiềm ẩn  nguy cơ gây mất an toàn hành lang đê.

Tại vị trí Km 5+600 thuộc tuyến đê hữu Hoàng Long Công ty cổ phần gạch ngói sông Chanh xây dựng một nhà khung thép ngoài bãi sông diện tích khoảng hơn 100m2, kéo 2 xà lan lên bãi nguyên liệu để sửa chữa…

Không những thế, xưởng than của Doanh nghiệp tư nhân than mỏ Việt Dũng vẫn tập kết than trong hành lang thoát lũ, hành lang bảo vệ đê; hai xưởng đóng tàu vẫn miệt mài hoạt động bất chấp “lệnh cấm”…

b21bd58a-d3ef-4cf2-a644-4ba35a62bae7_1_105_c.jpeg
Các xe vận chuyển cát nối đuôi nhau "hoành hành"

Bà Lê Thị Tâm, xã Ninh Giang bức xúc: Nhà nước làm cho chúng tôi tuyến đê để bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân yên tâm làm ăn sinh sống. Các bãi tập kết, nhà xưởng ngang nhiên đưa phương tiện, máy móc vào làm suốt nhiều năm như vậy ảnh hưởng đến an toàn đê, nhất là khi mùa mưa lũ lại đến gần. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền nhưng đến nay sai phạm không được xử lý dứt điểm khiến chúng tôi ngày đêm lo lắng.

Vì sao không xử lý dứt điểm?

Được biết, tháng 7/2018, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) đã cử đoàn công tác đi kiểm tra các hoạt động khai thác, sử dụng bãi sông khu vực thượng, hạ lưu khu vực cầu Gián Khẩu. Đoàn công tác đã lập biên bản và yêu cầu các doanh nghiệp phải di chuyển toàn bộ nhà xưởng và vật liệu xây dựng ra khỏi phạm vi bãi sông để đảm bảo không cản trở dòng chảy khi có lũ lụt xảy ra.

71cc7517-1c54-4c25-a05f-c2f5b4b13016_1_105_c.jpeg
Trong xưởng dăm gỗ nằm trong hành lang bảo vệ đê điều, từng núi nguyên liệu chất đầy

Mới đây nhất, tháng 2/2022, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành văn bản yêu cầu các Sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố và đơn vị có liên quan vào cuộc xử lý dứt điểm các vụ vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn. Tuy nhiên, không hiểu vì sao các bãi tập kết, các nhà xưởng vi phạm vẫn có thể “ung dung” hoạt động mà không bị cưỡng chế. Trong khi, các bãi tập kết, nhà xưởng này nằm cách UBND huyện Hoa Lư, UBND xã Ninh Giang không xa.

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Quốc Trị, Chủ tịch UBND xã Ninh Giang thừa nhận, các công trình tồn tại ở tuyến đê trên là vi phạm pháp luật đê điều.

Tuy nhiên, nguồn gốc sâu xa ở khu vực này, ông Trị phân tích, trước đây để khuyến khích phát triển kinh tế, Nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho các hộ cá nhân và doanh nghiệp khai thác, sử dụng những khu vực đất hoang hoá. Thời điểm đó, Nhà nước đã cấp giấy tờ cho các doanh nghiệp, hộ gia đình sử dụng đất ở phía ngoài đê. Có trường hợp cấp cả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (17 hộ) tạm thời cho các hộ kinh doanh, buôn bán và làm nghĩa vụ đóng góp thuế, phí cho nhà nước.

6cd2587a-c3a9-44b2-af0a-76215cd2d658_1_105_c.jpeg
Bãi than đã hoạt động từ rất nhiều năm nay ở khu vực hành lang bảo vệ đê Trường Yên mà chưa bị giải toả

Sau này, khi Luật Đê điều được ban hành và có hiệu lực, việc hoạt động của các doanh nghiệp, cá nhân này ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ.

Hàng năm, UBND tỉnh Ninh Bình, UBND huyện Hoa Lư đều có các văn bản chỉ đạo tìm cách phối hợp giải toả các công trình vi phạm này. Tuy nhiên, việc này rất khó vì còn liên quan sinh kế của nhiều người lao động, tài sản của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người lao động…

Theo ông Trị, thẩm quyền của xã hàng năm chỉ ban hành các văn bản yêu cầu các doanh nghiệp, cá nhân này không để phát sinh vi phạm mới và đôn đốc triển khai thực hiện; nhất là trong mùa mưa lũ thì không cho tập kết vật liệu ở đó. Trường hợp nào vi phạm thì UBND xã lập biên bản xử lý vi phạm để sau này làm căn cứ giải quyết.

Chủ tịch xã Ninh Giang cho rằng, các doanh nghiệp, cá nhân trên đã hoạt động sản xuất, kinh doanh những năm 1993, 1994, trước khi có Luật Đê điều. Giờ phải có quy hoạch mới, bố trí địa điểm để các doanh nghiệp này chuyển vị trí.

45383def-cd8e-440b-b08c-f4fefeb187ad_1_105_c.jpeg
Dọc tuyến đê Trường Yên, xưởng đóng tàu  ngày đêm hoạt động ngay sát bờ sông

Hàng loạt vi phạm của các công trình nằm trong hành lang bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ trên địa bàn xã Ninh Giang là quá rõ ràng nhưng không hiểu vì lý do gì suốt nhiều năm qua vấn đề này vẫn chưa thể xử lý triệt để. 

Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...

Tuyết Chinh