Quảng Ninh: Dự án 140 tỷ “đắp chiếu”, hé lộ bất cập trong quản lý Vườn Quốc gia Bái Tử Long

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 19:12, 25/04/2022

(TN&MT) - Dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng vùng sản xuất nhuyễn thể tập trung tại huyện Vân Đồn do Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư trong giai đoạn 2016- 2020 với tổng kinh phí 140 tỷ đồng. Dự án hoàn thành từ năm 2020 đến nay, nhưng các hạng mục đang bị “đắp chiếu” để cỏ mọc hoang hóa, um tùm gây lãng phí đất đai.

Dự án 140 tỷ “đắp chiếu”

Sau hơn 20 phút ngồi xuồng, chúng tôi có mặt tại khu vực đảo Lỗ Ố, xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Từ xa nhìn vào là công trình khá đồ sộ, với nhiều hạng mục nhà được xây dựng kiên cố, nhưng nhiều năm nay bỏ hoang để cỏ dại mọc cao lút đầu người.

anh-vd-01.jpg
Dự án xây dựng vùng sản xuất nhuyễn thể tập trung tại huyện Vân Đồn trị giá 140 tỷ "đắp chiếu" để cỏ dại mọc um tùm

Theo tìm hiểu của PV, Dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng vùng sản xuất nhuyễn thể tập trung tại huyện Vân Đồn do Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư được xây dựng với quy mô diện tích hơn 7,3ha với tổng kinh phí 140 tỷ đồng.

Dự án gồm nhiều hạng mục: Giao thông, sân, đường nội bộ bằng bê tông 2.569,3m2, sân, bãi tập kết hàng hóa 1.915m2 mặt sân bê tông, trạm biến áp 320kva/35/0,4KV, bể nước 1.238m2, trạm bơm cấp nước sinh hoạt diện tích 20m2,  trạm xử lý nước thải với bể xử lý rộng 560m2, nhà quản lý, phòng kiểm định chất lượng giống, cụm nhà công vụ, nhà ăn, nhà bảo vệ...

Quan sát của PV, hàng loạt các nhà xưởng đều trong tình trạng “cửa đóng then cài”, hệ thống điện, nước, máy điều hòa, điện chiếu sáng được đầu tư lắp đặt hoàn chỉnh nhưng tất cả đều chưa đưa vào hoạt động. Để trông nom khu dự án, đơn vị chủ đầu tư thuê một người đàn ông để bảo vệ các công trình trên đảo.

anh-vd-03.jpg
Máy móc thiết bị được lắp đặt từ năm 2020 đến nay nhưng chưa có một ngày được sử dụng, gây lãng phí

Điều ngạc nhiên là, dự án với quy mô rộng hơn 7,3ha với kinh phí đầu tư xây dựng 140 tỷ đồng, nhưng đến nay sau 2 năm hoàn thiện vẫn chưa đi vào hoạt động, để cỏ hoang dại mọc um tùm. Nghiêm trọng hơn, dự án được xây dựng nằm trong vùng lõi được bảo vệ nghiêm ngặt thuộc Vườn Quốc gia Bái Tử Long, nhưng vẫn "vô tư" xây dựng trong nhiều năm qua. 

Một ngư dân thường xuyên đánh bắt hải sản gần khu đảo Lỗ Ố, ông Nguyễn Xuân Miền chia sẻ, khi nghe tin có dự án xây dựng khu này để sản xuất giống nhuyễn thể, bà con làm nghề nuôi trồng nhuyễn thể, bởi trước đây đều phải mua con giống từ các tỉnh phía Nam và từ Trung Quốc. Nhưng không hiểu vì sao, dự án xây to đẹp và đã hoàn thành, nhưng đến nay vẫn chưa thấy hoạt động, để cỏ hoang mọc kín cả khu này, vừa lãng phí tài sản, cũng như đất đai của nhà nước.

Dự án có xâm phạm rừng Quốc gia Bái Tử Long?

Vườn Quốc gia Bái Tử Long được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập theo Quyết định số 85 ngày 1/6/2001 trên cơ sở mở rộng và chuyển hạng từ Khu Bảo tồn thiên nhiên đảo Ba Mùn, huyện Vân Đồn với tổng diện tích 15.783ha, trong đó phần đảo nổi là 6.125ha và 9.658ha diện tích mặt nước biển.

anh-vd-05.jpg
Khu nhà quản lý khóa cửa im lìm, cỏ hoang mọc tận cửa

Tiếp đó, theo Quyết định số 186 ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ thì toàn bộ diện tích rừng trong ranh giới 15.783ha của Vườn Quốc gia Bái Tử Long đã được xác lập là rừng đặc dụng. Đến ngày 30/10/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 1976 phê duyệt hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thì Vườn Quốc gia Bái Tử Long được quy hoạch chuyển tiếp còn 15.283ha (giảm 500ha).

Trên cơ sở quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành nhiều quyết định để xác lập vai trò của Vườn Quốc gia Bái Tử Long.

Tuy nhiên, đối với dự án sản xuất nguyễn thể do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, UBND tỉnh Quảng Ninh lại giao trên 7,3ha để thực hiện dự án, trong khi khu vực này vẫn nằm trong phần diện tích đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bái Tử Long quản lý, bảo vệ.

anh-vd-04.jpg
Cỏ dại mọc bao kín các công trình trên đảo Lỗ Ố

Theo đó, dự án sản xuất nhuyễn thể trên đảo Lỗ Ố được UBND tỉnh Quảng Ninh có chủ trương đầu tư từ năm 2012 và triển khai xây dựng từ năm 2016. Nhưng phải đến năm 2018, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh mới trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi diện tích này ra khỏi Vườn Quốc gia Bái Tử Long và được đồng ý tại công văn số 676 do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký ngày 28/5/2018 với diện tích 7,6ha.

Tuy nhiên, tại báo cáo số 37 ngày 27/1/2022 của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bái Tử Long, đã nêu rõ, dù diện tích của dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao UBND tỉnh Quảng Ninh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất rừng, nhưng cho đến thời điểm đầu năm 2022, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa được UBND tỉnh Quảng Ninh giao quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu vực triển khai dự án.

anh-vd-02.jpg
Hệ thống đường bê tông, điện chiếu sáng bỏ hoang sau 2 năm hoàn thành để cỏ dại mọc

Một lãnh đạo đơn vị trực tiếp thực hiện Dự án, cho biết, dự án được hoàn thành giai đoạn 1 từ năm 2020, nhưng chưa đi vào hoạt động. Còn đối với vấn đề rừng đặc dụng chuyển đổi để thực hiện dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, ngay từ đầu khi có chủ trương đầu tư và tiến hành xây dựng dự án, cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã tham mưu, đề xuất về việc chuyển đổi rừng để thực hiện dự án.

Tuy nhiên, ở thời điểm đó, do tỉnh Quảng Ninh đề xuất chuyển đổi ở nhiều khu vực với diện tích rừng lớn, nên cần phải báo Quốc hội, nên chưa thực hiện được. Do đó, tỉnh đã chủ trương tách phần diện tích triển khai dự án này riêng ra đề trình Thủ tướng Chính phủ, nên mới có việc dự án đã xây dựng một thời gian dài mới được cấp có thẩm quyền đồng ý cho chuyển đổi.

Điều đáng nói là đối với một dự án trị giá lớn như vậy, đến nay đã hoàn thành được 2 năm, các thiết bị máy móc lắp đặt chưa đưa vào hoạt động, gây lãng phí tài sản của nhà nước. Đề nghị tỉnh Quảng Ninh cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan trong việc chọn địa điểm triển khai dự án nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Bái Tử Long trong một thời gian dài mà không được xem xét, xử lý kịp thời.

Phạm Hoạch