Nghìn tỷ bị 'thổi bay'
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 19:00, 25/04/2022
Đây là thông tin đáng chú ý nhất tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì ngày 25/4.
Mới bước qua tháng đầu tiên quý II năm 2022, nhưng nước ta phải chứng kiến những hiện tượng thời tiết cực đoan khốc liệt. Mưa lũ lớn trái mùa kèm theo dông lốc trên diện rộng cuối tháng 3 đầu tháng 4 tại các tỉnh miền Trung; rét lịch sử cuối tháng 2 ở khu vực miền núi phía bắc; động đất gia tăng cả về cường độ và tần suất tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum; bên cạnh ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động không nhỏ đến các hoạt động phòng chống thiên tai.
Bao đời nay, thiên tai vốn dĩ khó lường. Từ lũ lụt đến khô hạn, xâm nhập mặn tới các hiện tượng thời tiết cực đoan đều có điểm chung là những hậu quả vô cùng tàn khốc, không thể lường trước về quy mô và mức độ. Dù đã được dự báo trước có diễn biến khí hậu bất thường hơn cùng với sự ấm lên toàn cầu, song chúng ta dường như chúng ta vẫn ngỡ ngàng trước những tổn thất đang phải gánh chịu.
Điều này cũng được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ rõ tại Hội nghị. Ông nhấn mạnh, công tác dự báo thiên tai tuy đã có nhiều cố gắng nhưng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, chất lượng các bản tin dự báo cần tiếp tục được nâng cao hơn nữa. Phương tiện trang thiết bị, công cụ, vật tư phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn hạn chế, vừa thiếu về số lượng, vừa chưa phù hợp với đặc điểm thiên tai từng vùng, từng lĩnh vực, dẫn tới những bị động trong ứng phó, cứu hộ cứu nạn trong nhiều tình huống. Việc đầu tư nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng như hệ thống đê điều, thủy lợi, ... còn hạn chế. Dẫn tới nhiều rủi ro và việc khắc phục ảnh hưởng của thiên tai còn chậm. Công tác hỗ trợ, triển khai khắc phục hậu quả thiên tai còn bất cập, thủ tục rườm rà gây chậm trễ, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra...
Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi thực tiễn, không ít địa phương thiếu các kịch bản cụ thể ứng phó thiên tai, thiếu cập nhật hiện tượng thời tiết cực đoan. Phương châm 4 tại chỗ vẫn còn hình thức, nhiều công trình giao thông gây cản lũ. Hồ chứa nước bên cạnh phục vụ thủy điện, thủy lợi phải chống lũ, chống hạn, không thể gây lũ mà vẫn nói xả đúng quy trình? Xây hồ chứa mà hạn hán lại không có nước cứu hạn? Thành phố ngay cạnh biển mà không thoát được lũ ra biển, bị lụt nhiều ngày, quản lý quy hoạch thế nào mà không tính được đường thoát lũ?…
Các địa phương tập trung nguồn lực để xây dựng, phát triển kinh tế, mỗi năm trôi qua, đều phải dồn mọi tâm trí với nỗi lo canh cánh, sợ chỉ tiêu tăng trưởng không đạt kế hoạch. Nhưng khi khả năng đó gần như cận kề trong tầm tay, thiên tai và nhân tai cùng kết hợp xuất hiện và lấy đi gần như mọi thứ mà chúng ta chắt chiu tích lũy được. Thiệt hại lớn đâu chỉ là sự mất mát phần của cải vật chất mà là tính mạng của con người - điều quý nhất không thể bù đắp được.
Hành vi tận diệt thiên nhiên để phục vụ lòng tham vô đáy của con người rồi cũng có lúc con người phải trả tất cả về với tự nhiên. Rừng Việt Nam bị tàn phá nhanh chóng, những biệt phủ dát gỗ quý cứ thi thoảng lại được lên mặt báo. Những đại gia gỗ, những địa chủ đất rừng thời hiện đại ngày càng nhiều lên và sự lầm than của dân nghèo ngày một trầm trọng.
Không nói đâu xa, ngay trong tháng 4 này, dư luận vô cùng bức xúc và xót xa trước hình ảnh điêu tàn của những cánh rừng tại tỉnh Đắk Lắk. Chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn huyện Ea Súp phát hiện 5 vụ hủy hoại rừng, trong đó, vụ án lớn nhất là phá hơn 382 ha rừng tại các tiểu khu 205, 222 trên địa bàn xã Ya Tờ Mốt. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng khi diện tích rừng bị thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay, vụ phá rừng có quy mô tổ chức khác với các vụ việc phá rừng nhỏ lẻ trước đây để lấy đất sản xuất.
Đáng nói là lực lượng chức năng của tỉnh này nhận định, tình trạng phá rừng diễn ra ở nhiều tiểu khu và trong thời gian dài cho thấy, chủ rừng là các doanh nghiệp, UBND các xã, các lực lượng chức năng trên địa bàn vẫn chưa hoàn thành trách nhiệm được giao, thậm chí có dấu hiệu buông lỏng quản lý, bảo vệ rừng.
Ngoài ra, ở một số tiểu khu ngoài việc xảy ra hủy hoại rừng cũng có rất nhiều nhà dân mọc lên, thậm chí có cả những ngôi nhà còn khá mới, đều do phá rừng, lấn chiếm đất để ở, canh tác, do đó cần quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Vậy, câu hỏi đặt ra tại sao các lực lượng chức năng biết phá rừng trong thời gian dài mà không ngăn chặn kịp thời để rồi hàng trăm ha rừng cứ thế ngã xuống? Rõ ràng, thờ ơ tắc trách đang dung dưỡng thiên tai. Nếu cứ để rừng tàn lụi, cứ chú tâm vào con số phần trăm tăng trưởng ảo, nơi đó sẽ còn chứng kiến nhiều cơn giận dữ của thiên nhiên. Cái giá, nếu quy ra được bằng tiền, còn cao gấp trăm ngàn lần cái lợi vẽ trên giấy tờ dự án. Nhưng tính mạng người dân thì rõ là không quy ra được thành những tờ giấy bạc!
Rừng mất đã rõ, nhưng cũng phải kể đến sự bất lực đến khó tin của lực lượng giữ rừng. Kiểm lâm ở đâu khi cả một khối tài sản công khổng lồ về cả giá trị kinh tế lẫn môi sinh mỗi khi kiểm kê lại giảm sút thêm nhiều phần mà lạ là ít ai chịu trách nhiệm?!
Thiên nhiên ban tặng cho con người rất nhiều thứ quý giá, thế nên, phải giữ gìn và bảo vệ nó. Nếu vẫn tiếp tục áp đặt những tư duy hạn hẹp nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế hạn hẹp, con người sẽ còn phải trả giá. Thay đổi tự nhiên quá ngưỡng chịu đựng, bỏ qua những quy luật vận hành vốn có, ắt hẳn chúng ta sẽ phải gánh chịu sự đáp trả của tự nhiên.
Tất cả những điều đó đặt ra yêu cầu phát triển đất nước phải gắn chặt chẽ hơn với các biện pháp phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Mọi dự án, công trình cần đặt điều kiện số một là sức chống chịu cũng như ảnh hưởng của nó trước bão lũ, nước biển dâng, triều cường, sạt lở đất, nắng hạn. Không thể đòi hỏi có sự thay đổi ngay. Phải nhiều chục năm, nhiều khi hàng thế kỷ nữa may ra chúng ta mới có khả năng ứng phó với tình trạng thay đổi khí hậu trên Trái đất, thậm chí sự ứng phó đó cũng chỉ dừng ở mức hạn chế thiệt hại.
Nhưng nếu chúng ta vẫn tiếp tục tư duy trì trệ thờ ơ, tắc trách mọi lúc, mọi nơi chắc chắn sẽ dung dưỡng cho nhân tai ngày càng dày, càng nặng và rồi thiên tai sẽ còn khôn lường gấp bội.
Đừng để nước đến chân khó nhảy!