Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021
Trong nước - Ngày đăng : 18:53, 25/04/2022
Phát hiện vi phạm về kinh tế 179.304 tỷ đồng, 9.258 ha đất
Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong ban hành, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ có nhiều chuyển biến tích cực, phù hợp với tình hình mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển đất nước. Về quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước, nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước năm 2021 đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra.
Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mua sắm, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước; quản lý, sử dụng tài sản công: hệ thống các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã được ban hành tương đối đồng bộ; công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương tiếp tục chuyển biến, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm.
Bên cạnh đó, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng, đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thể chế tiếp tục được cải cách; trong quản lý sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng thì hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đầy đủ…
Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, trong năm 2021, ngành Thanh tra cả nước đã triển khai 6.809 cuộc thanh tra hành chính và 177.245 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 179.304 tỷ đồng, 9.258 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 17.825 tỷ đồng và thu hồi 811 ha đất…
Về nhiệm vụ, giải pháp năm 2022, Chính phủ xác định chủ đề điều hành của năm 2022 là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, trong đó, tập trung, ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19 trên cơ sở kết hợp linh hoạt, sáng tạo, hài hòa, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả với lộ trình, bước đi chặt chẽ đối với Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, khả thi; điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác; tăng cường kỷ luật tài chính – ngân sách Nhà nước…
Xử lý nghiêm hành vi gây thất thoát, lãng phí trong sử dụng đất đai
Trình bày báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh cho biết, công tác xây dựng, hoàn thiện quy định pháp luật về định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong các ngành, lĩnh vực có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, còn một số văn bản quy định chi tiết nội dung được giao trong các Luật, Nghị quyết của Quốc hội ban hành chậm so với yêu cầu.
Trong mua sắm, sử dụng phương tiện đi lại và phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực Nhà nước dù đã có chuyển biến song tình trạng ách tắc trong việc mua sắm trang, thiết bị y tế chưa được tháo gỡ kịp thời, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch. Còn tình trạng mua sắm hàng hóa, trang thiết bị, vật tư không đúng quy định, mua sắm vượt quá nhu cầu.
Trong đầu tư xây dựng, đầu tư công, bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn còn nhiều dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, không đủ điều kiện phân bổ vốn; tình trạng chưa phân bổ hết vốn ngân sách địa phương diễn ra ở nhiều bộ, ngành, địa phương trong nhiều năm chưa được khắc phục…
Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ tập trung điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành các chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả để hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, kết nối cung cầu lao động, thúc đẩy xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư.
Siết chặt kỷ luật kỷ cương tài chính, quản lý chặt chẽ thu, chi NSNN, chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá trốn thuế, chống gian lận thương mại, phấn đấu tăng thu NSNN; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát ngân sách, tài sản công, triệt để tiết kiệm các khoản chi để ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến các "nút thắt, điểm nghẽn" chưa có quy định chi tiết, hoặc chưa hướng dẫn cụ thể.
Đồng thời, quyết liệt đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công. Tăng cường các giải pháp phòng ngừa, bổ sung các biện pháp chế tài xử lý nghiêm, thu hồi đối với hành vi gây thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản như tình trạng đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa, đất của các nông, lâm trường khai thác khoáng sản trái quy định, lãng phí tài nguyên nước.
Báo cáo cần xác định rõ trọng tâm, trách nhiệm
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, nhìn chung Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã thực hiện khá nghiêm túc, quyết liệt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần huy động, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực phát triển đất nước.
Tuy nhiên, ở góc độ chuẩn bị báo cáo trình Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho rằng, các báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đều có chung 1 mô típ nên khi nghiên cứu để đánh giá về sự tiến bộ cũng như những hạn chế, bất cập, tồn tại và những khuyết điểm mới phát sinh của từng năm rất khó. Toàn bộ những vấn đề ưu điểm, khuyết điểm nêu trong báo cáo không rõ. “Tôi có cảm giác là nếu như thay ngày và thay một vài tình hình, số liệu thì báo cáo của năm sau không khác gì năm trước”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói.
Có cùng quan điểm trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cần thay đổi cách viết báo cáo tóm tắt theo hướng chỉ nêu những vấn đề lớn, vấn đề quan trọng để Quốc hội thảo luận. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Tài chính - Ngân sách bám sát chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí Chính phủ đã ban hành, chủ trì phối hợp với các cơ quan nêu cụ thể 5 – 7 việc nổi bật, tốt hơn so với những năm trước, trong đó, có địa chỉ, con số cụ thể để báo cáo Quốc hội mạch lạc, lắng đọng, làm nổi bật được kết quả. Qua đó, kịp thời động viên các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương làm tốt; đồng thời, cũng phải nói rõ những hạn chế, tồn tại, khuyết điểm và kể cả những vấn đề Chính phủ phải có báo cáo thuyết minh, giải trình cụ thể hơn.
Đối với kiến nghị, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cũng phải nêu rõ, cụ thể như: về thể chế thì kiến nghị làm gì; từng lĩnh vực làm gì, như thế nào... chứ không kiến nghị theo kiểu chung chung; đồng thời, xem xét trách nhiệm cá nhân phải có địa chỉ. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, “chúng ta đổi mới cách làm như thế thì mới khắc phục được, những năm sau hy vọng sẽ có chuyển biến”.
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 so với năm 2020 có một số tiến bộ, mặc dù năm 2021 do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 nên có nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Ý thức tiết kiệm, chống lãng phí từng bước được nâng lên, đảm bảo sử dụng các nguồn lực nhà nước, của nhân dân ngày càng tiết kiệm, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, qua báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra và ý kiến của Thường vụ hôm nay cho thấy, cả 7 lĩnh vực quan trọng theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn diễn ra tình trạng lãng phí, chưa tiết kiệm, còn vi phạm, sai sót ở mức độ khác nhau, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý ngân sách Nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm công, quản lý đất đai, tài sản công, tài nguyên và khoáng sản.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Thường vụ cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ, giải pháp năm 2022 Chính phủ đã nêu trong báo cáo và Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã nhấn mạnh thêm trong báo cáo thẩm tra. Đồng thời, đề nghị cụ thể hóa hơn những giải pháp đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó lưu ý các giải pháp để rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong mua sắm công, quản lý đầu tư công, đất đai, tài sản công, cổ phẩn hóa. Sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách về định mức đơn giá tiêu chuẩn chế độ còn thiếu. Nghiên cứu ban hành quy định tiêu chí để định lượng rõ hơn các vấn đề liên quan đến năng suất, tiết kiệm của cán bộ, công chức, hợp đồng.
Đồng thời, khắc phục tình trạng phân bổ dự toán chậm, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động ở mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm chi ngân sách. Tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, biên chế của các cơ quan Nhà nước để tiết kiệm chi. Tổ chức triển khai tốt Luật Quản lý tài sản công, quản lý chặt chẽ, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, ngân sách nhà nước, đặc biệt là vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó đặc biệt lưu ý các giải pháp gắn liền với việc tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế.