Đổi mới, nâng cao năng lực công tác theo dõi, dự báo, cảnh báo thiên tai
Trong nước - Ngày đăng : 18:52, 25/04/2022
Hội nghị được kết nối trực tuyến tới hơn 700 điểm cầu UBND của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và UBND cấp quận, huyện trên cả nước.
Thiên tai làm 108 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế trên 5.200 tỷ đồng
Báo cáo tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021, triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, năm 2021, thiên tai trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến bất thường, khốc liệt, với gần 380 trận thiên tai gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Mặc dù, các quốc gia đã rất nỗ lực phòng, chống, song thiên tai đã làm 16.000 người chết, thiệt hại về kinh tế trên 343 tỷ USD (cao hơn nhiều so với năm 2020).
Ở trong nước, hậu quả nghiêm trọng của đợt mưa lũ lịch sử năm 2020 chưa được phục hồi, trong khi năm 2022 thiên tai đang diễn biến hết sức phức tạp. Cụ thể năm 2021, đã xảy ra 18/22 loại hình thiên tai, trong đó, có 12 cơn bão và ATNĐ; 326 trận dông, lốc, mưa lớn; 170 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 139 trận động đất; 403 điểm sạt lở nguy hiểm; 1.030 vụ hỏa hoạn; 20 vụ nổ; 13 vụ sập đổ công trình; 866 vụ tai nạn trên biển; 263 vụ tai nạn đường thủy nội địa.
Mặc dù, bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 cũng như thiếu thốn về nguồn lực, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo, lãnh đạo Ban Chỉ đạo quốc gia PCTT, Ủy ban Quốc gia ƯPSCTT&TKCN, các Bộ, ngành đã khắc phục khó khăn, đặc biệt là sự chủ động của các địa phương và cộng đồng nên thiệt hại do thiên tai năm 2021 giảm nhiều (so với năm 2020 và các năm trước đó), thiên tai năm qua, đã làm 108 người chết và mất tích (giảm 70% so với năm 2020), thiệt hại về kinh tế trên 5.200 tỷ đồng (giảm 87% so với năm 2020).
Những tháng đầu năm 2022, thiên tai tại nước ta đã cho thấy, những diễn biến phức tạp, dị thường, điển hình như đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ ngày 19 - 24/2/2022 tại các tỉnh miền Bắc đã khiến nhiệt độ giảm sâu, có nơi nhiệt độ thấp nhất xuống dưới 0 độ C như tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) nhiệt độ xuống tới -1,4 độ C. Đây là đợt không khí lạnh mạnh nhất trong 40 năm so với cùng thời kỳ.
Đặc biệt là đợt mưa lũ lớn bất thường, trái quy luật ngay giữa mùa khô, kèm theo dông lốc, sóng lớn từ ngày 30/3-2/4 tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa với tổng lượng mưa từ 200-600mm, trong đó, có nơi mưa đặc biệt lớn như tại Khe Tre (T.T.Huế) 835mm (là đợt mưa là kỷ lục trong 60 năm so với cùng thời kỳ). Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay, ước tính lên tới 2.400 tỷ đồng (gần bằng ½ thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra năm 2021).
Mặc dù, bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 cũng như thiếu thốn về nguồn lực, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban chỉ đạo, lãnh đạo Ban Chỉ đạo, Ủy ban Quốc gia, các Bộ, ngành, lực lượng vũ trang đã khắc phục khó khăn, đặc biệt là sự chủ động của các địa phương và cộng đồng nên công tác PCTT năm 2021 đã đạt được những kết quả toàn diện, nổi bật là công tác tổ chức bộ máy, xây dựng văn bản QPPL, công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai và là năm đạt kỷ lục về việc giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, thiệt hại về người và tài sản thấp nhất từ trước đến nay.
Bão, ATNĐ có khả năng xuất hiện sớm
Nhận định về xu thế thiên tai trong năm 2022, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái cho biết, đối với hiện tượng ENSO, dự báo xu thế nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm Thái Bình Dương tiếp tục trong pha lạnh và hiện tượng La Nina còn duy trì từ nay đến khoảng giữa năm 2022 với xác suất khoảng 65-70%, sau đó sẽ chuyển dần sang trạng thái trung tính trong khoảng nửa cuối năm 2022. Trong những năm xảy ra sự chuyển pha của ENSO như năm 2022, các hiện tượng thời tiết, khí hậu như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa, lũ… thường có những diễn biến trái quy luật.
Bão, ATNĐ có khả năng xuất hiện trên khu vực biển Đông sớm hơn so với TBNN, dự báo có khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt nhiệt đới trên khu vực biển Đông và 4 - 6 cơn có khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta, thấp hơn đến xấp xỉ so với TBNN (TBNN khoảng từ 12-14 cơn, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khoảng từ 5-7 cơn).
Về mưa lớn, ông Trần Hồng Thái cho biết, kết quả dự báo xa cho thấy mùa mưa bắt đầu sớm hơn so với TBNN ở khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Tổng lượng mưa dự báo ở mức thấp hơn đến xấp xỉ trung bình so với TBNN ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ trong các tháng 6 đến tháng 8/2022.
Trong đó, khu vực Bắc Bộ dự báo tổng lượng mưa ở mức cao hơn TBNN trong các tháng 7 đến tháng 9/2022. Khu vực Trung Bộ, tổng lượng mưa dự báo cao hơn TBNN trong các tháng 9 đến tháng 11/2022, đề phòng khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn gây lũ và ngập lụt trong giai đoạn này. Các dự báo chi tiết hơn sẽ được Hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia cập nhật trong các bản tin dự báo tuần, tháng và mùa.
Về lũ, ngập lụt, khu vực Bắc Bộ: đỉnh lũ năm 2022 trên các sông ở Bắc Bộ, phổ biến ở mức BĐ1-BĐ2, phổ biến cao hơn năm 2021, riêng các sông suối nhỏ từ BĐ2-BĐ3. Các đợt lũ lớn phổ biến tập trung vào nửa cuối mùa lũ (tháng 8).
Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, lũ trên các sông ở khu vực Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên đến sớm hơn TBNN, ở khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ xuất hiện tương đương TBNN. Đỉnh lũ năm 2022, tại hạ lưu các sông chính khu vực Bắc Trung Bộ ở mức BĐ1-BĐ2 (xấp xỉ TBNN và cao hơn năm 2021); các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3, tương đương đỉnh lũ TBNN.
Khu vực Nam Bộ: mùa lũ 2022, trên sông Mê Công khả năng đến sớm hơn so với TBNN, nhưng chưa có dấu hiệu xuất hiện lũ lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long; nhận định đến cuối tháng 7, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu, Châu Đốc dao động ở mức 2,2 - 2,6 m. Đỉnh lũ năm 2022 ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức BĐ1 và trên BĐ1, thấp hơn TBNN từ 0,3-0,5m.
Theo ông Trần Hồng Thái, nhiệt độ trung bình các tháng trong năm 2022 có xu hướng xấp xỉ đến thấp hơn TBNN, riêng các tháng cuối năm có xu hướng ở mức xấp xỉ đến cao hơn TBNN cùng thời kỳ. Dự báo nắng nóng có khả năng xuất hiện muộn hơn so với trung bình và có khả năng không gay gắt, không kéo dài.
Chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa
Tại Hội nghị các đại biểu đã nghe báo cáo tham luận của nhiều Bộ, ngành, địa phương: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Công Thương; các tỉnh: Hà Giang, Thanh Hóa, Phú Yên, Kon Tum, Cà Mau...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, nhấn mạnh: Tình hình thiên tai thế giới năm 2021 diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Song những thiệt hại do thiên tai gây ra ở trong nước rất mừng đã giảm đáng kể.
Theo Phó Thủ tướng, kết quả trên có nguyên nhân khách là sự may mắn của năm 2021, số cơn bão, sự cố thiên tai ít hơn, mức độ nhẹ hơn so với các năm trước. Nguyên nhân chủ quan là sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; các Bộ ngành, cơ quan Trung ương, lực lượng vũ trang, đặc biệt là sự vào cuộc tích cực của các địa phương và toàn hệ thống chính trị cơ sở. Đặc biệt quan trọng là sự cố gắng, tinh thần tự giác của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.
Bên cạnh những kết quả rất quan trọng đã đạt được, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng cho rằng, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cũng vẫn còn không ít những tồn tại, hạn chế như: Công tác dự báo thiên tai tuy đã có nhiều cố gắng nhưng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, chất lượng các bản tin dự báo cần tiếp tục được nâng cao hơn nữa. Phương tiện trang thiết bị, công cụ, vật tư phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn hạn chế, vừa thiếu về số lượng, vừa chưa phù hợp với đặc điểm thiên tai từng vùng, từng lĩnh vực, dẫn tới những bị động trong ứng phó, cứu hộ cứu nạn trong nhiều tình huống. Việc đầu tư nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng như hệ thống đê điều, thủy lợi, ... còn hạn chế. Dẫn tới nhiều rủi ro và việc khắc phục ảnh hưởng của thiên tai còn chậm. Công tác hỗ trợ, triển khai khắc phục hậu quả thiên tai còn bất cập, thủ tục rườm rà gây chậm trễ, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra...
Về những nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu, các Bộ, ngành, địa phương cần đổi mới, nâng cao năng lực công tác theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai. Có thể nói, chất lượng công tác dự báo là yếu tố quyết định, là cơ sở cho công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai một cách chủ động, từ sớm, từ xa. Đây là công việc rất khó, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm của đội ngũ, và nguồn lực đầu tư lớn. Trước những diễn biến phức tạp, khó lường, cực đoan của khí hậu, việc đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trình độ đội ngũ, mở rộng hợp tác quốc tế là rất quan trọng.
Bên cạnh đó, với phương châm phòng là chính, chỉ đạo từ sớm, từ xa, Phó Thủ tướng đề nghị cần triển khai ngay công tác kiểm tra, rà soát phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai trên cả nước. Đây là nhiệm vụ hết sức cần thiết, quan trọng, góp phần bảo đảm an toàn, giảm rủi ro khi xảy ra thiên tai. “Ngay sau Hội nghị này, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai năm 2022 để đánh giá mức độ an toàn, kịp thời phát hiện và có biện pháp khắc phục những tồn tại, sự cố, hư hỏng của công trình đê điều, hồ đập, công trình giao thông,... bảo đảm vận hành an toàn trong mùa mưa lũ”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành, huy động và phối hợp lực lượng ứng phó với diễn biến thiên tai, sự cố. Khi tình huống thiên tai, sự cố xảy ra, phản ứng nhanh chóng, kịp thời, chính xác của cả hệ thống từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là của cấp ủy Đảng, chính quyền và các lực lượng ở cơ sở (cấp xã, huyệt) là rất quan trọng, đóng vai trò quyết định đến hiệu quả chung. Cần chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản một cách cụ thể, khoa học để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống thiên tai.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp thông tin về thiên tai đến từng người dân trong vùng bị ảnh hưởng; tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng ứng phó các tình huống thiên tai, sự cố; lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào chương trình đào tạo, giảng dạy trong nhà trường và hoạt động hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng tại địa phương.
Quan tâm đầu tư cho phòng, chống thiên tai. Đầu tư cho phòng, chống thiên tai là đầu tư cho phát triển bền vững. Cần quan tâm tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước, đa dạng hóa nguồn lực, sử dụng hiệu quả nguồn lực. Ưu tiên bố trí kinh phí để kịp thời khắc phục sự cố, nâng cấp đê điều, hồ đập, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, đầu tư trang thiết bị chuyên dùng tìm kiếm cứu nạn; hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt...
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, chính sách, pháp luật về phòng chống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn, nhất là Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 76 và các Nghị định của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống thiên tai. Rà soát, hoàn thiện pháp luật, xây dựng các chính sách xã hội hóa để động viên, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp, người dân vào công tác phòng, chống thiên tai; nghiên cứu các chính sách nhằm hỗ trợ người dân có chỗ ở đảm bảo an toàn, phát triển sản xuất bền vững nhất là ở những khu vực thường xuyên bị thiên tai; triển khai cơ chế vận hành chính sách bảo hiểm rủi ro thiên tai.
Tại Hội nghị, Ban tổ chức đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ 5 tập thể và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống thiên tai. Đài Cao không (Tổng cục KTTV) là 1 trong 5 tập thể được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.