Điện Biên: Vật liệu xây dựng tăng “phi mã” doanh nghiệp “khóc ròng”
Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 10:20, 24/04/2022
Nguyên nhân dẫn đến việc các nhà thầu phải bù lỗ thuộc các gói thầu có nguồn ngân sách nhà nước có 2 yếu tố chủ quan và khách quan; do giá vật liệu xây dựng tại thời điểm trúng thầu so với thời điểm thi công chênh lệch lớn. Còn yếu tố chủ quan từ phía Sở Xây dựng, đơn vị công bố bảng giá nguyên vật liệu xây dựng tại địa bàn chưa sát với thực tế.
Chia sẻ vấn đề này, ông Bùi Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Điện Biên, cho biết: Từ đầu năm đến nay, giá nguyên vật liệu thực tế trên thị trường ở địa bàn tỉnh Điện Biên tăng cao hơn so với giá dự toán. Cụ thể, giá vật liệu xây dựng tháng 2/2022 của Sở Xây dựng công bố, thép phi 6 là 19.417 đ/kg, trong khi giá thực tế ngoài thị trường là 22.300 đ/kg; thép phi 10 là 19.580 đ/kg, giá thực tế ngoài thị trường là 22.550đ/kg. Cũng 2 loại thép này, bảng công bố giá tháng 3/2022 của Sở Xây dựng thì cũng có giá thấp hơn 21.375 đ/kg (phi 6); 21.610 đ/kg (phi 10), trong khi đó giá ngoài thực tế từ 22.000đ/kg và 22.220đ/kg. Như vậy, mỗi một tấn thép nhà thầu phải bù lỗ từ 230.000đ đến 2,9 triệu đồng.
Ngoài việc nhà thầu phải bù lỗ nhóm sắt, thép thì nhóm đá, cát, gạch cũng là một trong những đối tượng nhà thầu phải bù lỗ khá cao. Tính sơ bộ, mỗi một khối đá (các loại), cát công bố của Sở Xây dựng so với thực tế nhà thầu luôn phải bù lỗ từ 5000đ – 30.000đ/khối, điều này gây bất lợi lớn cho các doanh nghiệp xây dựng, tạo nhiều rủi ro trong sản xuất kinh doanh và cho cả phía chủ đầu tư. Giá đá, cát, thép… đồng loạt tăng làm nhiều đơn vị trúng thầu xây dựng gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến chậm tiến độ, ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Cũng theo ý kiến của Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Điện Biên, nhiều doanh nghiệp xây dựng khác trên địa bàn và những đơn vị liên quan là chủ đầu tư, giám sát A-B thì đơn giá vật liệu xây dựng thời gian qua chưa sát với thực tế. Trong khi giá đá, giá cát, sỏi, sắt thép trên thực tế lại tăng cao gấp nhiều lần, điều này khiến nhà thầu và cả nhà đầu tư rơi vào tình trạng thi công cầm chừng, thậm chí dừng thi công để chờ giá vật liệu giảm xuống. Đặc biệt, những gói thầu đã ký hợp đồng từ cuối năm 2021 đang thi công dở dang thì theo bảng Công bố giá của Sở Xây dựng tháng 12/2021 so với tháng 3/2022, mỗi tấn thép nhà thầu phải bù lỗ từ 3 – 5 triệu đồng. Mỗi một khối đá nhà thầu phải bù lỗ từ 100.000đ – 200.000đ. Trong khi đó, tỷ trọng của hai nhóm vật liệu này trong các công trình xây dựng thuộc nguồn ngân sách nhà nước chiếm tương đối lớn. Đây chính là yếu tố khách quan dẫn đến các nhà thầu phải bù lỗ nhóm vật liệu này.
Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng 28 Điện Biên nêu thực trạng từ tháng 12/2021 đến nay, giá nguyên vật liệu cát, gạch xây, gạch ốp … tăng từ 5 – 10%. Nguyên vật liệu thép và đá chiếm tỷ trọng về giá cao nhất trong giá thành xây dựng, chiếm khoảng 20% giá trị. Trong khi đó, các hợp đồng xây dựng giữa chủ đầu tư và nhà thầu đa số ký theo hợp đồng trọn gói hoặc hợp đồng đơn giá cố định.
Công ty này kiến nghị, đối với các công trình dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện Biên cần kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh tổng mức đầu tư. Sở Xây dựng công bố đơn giá vật liệu xây dựng hàng tháng kịp thời, bám sát diễn biến thị trường, cập nhật đầy đủ chủng loại chính tại công trình dự án. Riêng đối với nhóm sơn, bột bả… đề nghị Sở Xây dựng Điện Biên quy ước một đơn vị đo lường là lít hay kilogam… không để như tình trạng hiện nay, mã thì ghi lít, mã ghi thùng, mã ghi bao, mã ghi lon… gây khó khăn cho chính các đơn vị là chủ đầu tư và các đơn vị liên quan.
Trước đó, trong buổi gặp mặt Hiệp hội Doanh nghiệp Điện Biên với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 19/4, trước kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện Biên về việc công bố giá xây dựng tại Điện Biên chưa kịp thời và sát thực tế. Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, nhấn mạnh: Yêu cầu Sở Xây dựng kiểm tra, rà soát lại… không lệ thuộc hoàn toàn vào báo giá của các cơ sở kinh doanh. Yêu cầu liên Sở Tài chính – Sở Xây dựng chấn chỉnh lại quy trình công bố giá vật liệu, giá công nhân tại địa phương.