Công viên hồ điều hòa Mai Dịch - Hà Nội: Tự ý lấn chiếm đất công viên canh tác hoa màu

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 21:50, 22/04/2022

(TN&MT) - Gần đây, Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được phản ánh xung quanh Khu Công viên hồ điều hoà Mai Dịch (Cầu Giấy) đang xảy ra tình trạng nhiều hộ dân xung quanh khu vực đã chiếm dụng phần đất trồng cây xanh trong Công viên để tự ý phục vụ canh tác, trồng hoa màu…

Qua ghi nhận của PV Báo Tài nguyên và Môi trường, có thể thấy hiện trạng một phần đất tại Khu công viên đang bị tận dụng, chia ra thành nhiều sào, nhiều luống, phân khóm trồng đủ các loại rau, hoa màu… trong phần đất dành để trồng cây xanh của công viên, gần với khu dân cư. 

Quan sát cho thấy, cùng thời điểm khi người dân bắt đầu đi chăm bón hoa màu, các khóm rau trồng được phân tách biệt, từng khóm thuộc từng hộ gia đình khác nhau, mỗi nhà lấy một phần đất để canh tác. Thậm chí nhiều hộ dân còn quây các cọc sào che chắn, bao tải vây quanh “khu đất" của mình để phân biệt với các nhà cùng trồng rau khác. 

Anh Hoàng Minh, một người dân đi bộ quanh Khu Công viên hồ điều hoà Mai Dịch bức xúc cho biết, mấy tháng gần đây mới thấy có sự việc này xảy ra, tuy nhiên không thấy Ban quản lý hay chính quyền địa bàn có sự tác động nào. Việc này có thể gây mất mỹ quan cho hình ảnh tại Công viên, người dân không thể tự ý lấy đất công để sử dụng và phục vụ cho lợi ích cá nhân như vậy…

Liên hệ trao đổi với Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng cấp thoát nước và môi trường, vị đại diện trả lời: Chúng tôi là đơn vị được UBND TP Hà Nội uỷ quyền để ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng dự án Công viên hồ điều hoà Mai Dịch theo hình thức hợp đồng BT, có nghĩa là chúng tôi chỉ đứng tên quản lý về mặt thực hiện các hoạt động tại Khu vực Công viên trên hồ sơ nhà nước chứ không quản lý về khu Công viên hay các công trình trên công viên. 

Qua đó, PV cũng trao đổi với đại diện UBND phường Mai Dịch để tìm hiểu sự việc trên, tuy nhiên, vị đại diện phường Mai Dịch trả lời rằng Khu Công viên hồ điều hoà Mai Dịch đúng là nằm trên địa bàn phường, nhưng không thuộc sự quản lý của phường mà được giao toàn quyền phụ trách, quản lý hoạt động, công trình cho Chủ Đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Sài Đồng (Công ty Sài Đồng).

Sau khi phía Công ty Sài Đồng tiếp nhận thông tin Báo phản ánh về việc một số người dân trên địa bàn tự ý lấy đất công viên để trồng rau, cán bộ phụ trách dự án này cho hay sẽ thông báo lên ban lãnh đạo Công ty để đưa ra các phương án giải quyết những tồn tại trên trong thời gian sớm nhất, tuy nhiên vị này không đưa ra thời gian chính xác để xử lý vi phạm trên, nên tình trạng này chưa biết đến bao giờ mới có thể chấm dứt. 

Trong quy định tại điều 53 Nghị định 139/2017/NĐ-CP có nêu mức phạt vi phạm quy định về bảo vệ cây xanh trong công viên và vườn hoa như:  Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi: Đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, tự ý ngắt hoa, cắt cành cây, lột vỏ thân cây, phóng uế hoặc có hành vi khác làm hư hỏng cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ;....

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Sử dụng các công trình trong công viên không đúng mục đích; Lấn chiếm, xây dựng công trình trên đất cây xanh hiện có hoặc đã được xác định trong quy hoạch đô thị hoặc ngăn cản việc trồng cây xanh theo quy định; Tổ chức, cá nhân được giao quản lý không thực hiện đúng các quy định về duy trì, chăm sóc, phát triển cây xanh đô thị.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tự ý chặt hạ, di dời, đốt gốc, đào gốc cây xanh đô thị hoặc chặt rễ cây xanh không đúng quy định.

Do đó, UBND Phường Mai Dịch cũng rất mong muốn được UBND TP Hà Nội, UBND quận Cầu Giấy cấp phép cho phường được quản lý chung Khu Công viên hồ điều hoà Mai Dịch. Từ đó có thể phối hợp hiệu quả việc sử dụng, trông coi, gìn giữ tài sản công, phục vụ cho người dân trên địa bàn phường cũng như trong khu vực. 

Sau đây là một số hình ảnh Báo Tài nguyên và Môi trường ghi nhận được: 

278759532_2209052862604038_2537354644582023375_n.jpg
Một phần đất trong Công viên liền kề với khu vực nhà dân bị lấn chiếm để trồng rau 
278455900_2209052995937358_7004469029613190653_n.jpg
Các luống rau được phân khóm, các loại rau khác nhau được trồng trên đất 
278499897_2209053065937351_5196145762765869829_n.jpg
Bao tải được quây kín để phân biệt giữa các luống rau của từng hộ dân 
278634005_2209052775937380_7807056517792126355_n.jpg
278737975_2209052789270712_8015380604580038400_n.jpg
Người dân vô tư đi tưới nước, chăm sóc các khóm rau trồng 
278838737_2209052919270699_4978731138881192021_n.jpg
Cọc sào cũng được dựng lên chăm chút để các cây dây leo có thể leo lên
278858674_2209052879270703_4250043475160490375_n.jpg
Vườn rau được chăm sóc cẩn thận với nhiều phần đất bị người dân tự ý lấn chiếm 

Thuỵ Khanh