Quảng Trị: Cần giải pháp căn cơ ứng phó với thiên tai dị thường

Môi trường - Ngày đăng : 09:16, 21/04/2022

(TN&MT) - Mưa lũ dị thường đầu tháng 4/2022 tại Quảng Trị đã khiến 820 ngôi nhà bị hư hại, hơn 11.600ha lúa ngập úng, đổ rạp; hàng ngàn ha rau màu bị hư hại, hàng trăm ha nuôi trồng thủy sản, nhiều km kênh mương nội đồng bị sạt lở, cuốn trôi... Tổng thiệt hại ước tính gần 800 tỷ đồng.

Mưa lũ dị thường gây thiệt hại nặng nề

Thiệt hại do đợt mưa lũ trái mùa vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu nhập, nguy cơ thiếu lương thực của các hộ gia đình nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, trước mắt là nguồn giống cho sản xuất vụ Hè Thu sớm và Thu Đông 2022 tại Quảng Trị. Ngoài ra nhiều hộ gia đình có khả năng thiếu lương thực trong những tháng tới, nguy cơ bất ổn định xã hội ở các địa phương vừa chịu ảnh hưởng có thể xảy ra.

Để giúp người dân sớm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, khôi phục khẩn cấp sau mưa lũ, địa phương đã đưa ra các giải pháp tập trung huy động mọi nguồn lực, ứng dụng đồng bộ các giải pháp mở rộng quy mô, đối tượng, thâm canh tăng vụ, xen canh, gối vụ trên tất cả các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Khẩn trương tổ chức, chỉ đạo đẩy nhanh công tác khôi phục sản xuất, trước mắt triển khai kịp thời sản xuất lại diện tích rau, màu vụ Đông Xuân bị hư hại để đảm bảo thu nhập cho người dân, bù đắp phần nào thiệt hại do thiên tai gây ra.

anh-3-.jpg

Quảng Trị đang tập trung các giải pháp khắc phục hậu quả mưa lũ

Chủ động nguồn giống, vật tư thiết yếu đảm bảo chất lượng để triển khai ngay sản xuất vụ Xuân Hè, Hè Thu và Thu Đông 2022, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và ổn định đời sống nhân dân.

Mục tiêu của tỉnh đặt ra nhằm khôi phục hơn 3.400ha cây trồng bị ảnh hưởng do thiên tai có khả năng phục hồi; vệ sinh, xử lý đồng ruộng hơn 12.000ha cây trồng bị hư hại, không thể khôi phục được để tổ chức sản xuất vụ Hè Thu 2022. Tổ chức sản xuất hơn 3.700ha cây trồng cạn vụ Hè Thu sớm trên diện tích cây trồng cạn bị thiệt hại. Nhanh chóng tái đàn gia cầm để lấy ngắn nuôi dài, tận dụng diện tích đảm bảo để mở rộng chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản, nhất là 450ha diện tích nuôi cá nước ngọt vừa bị mưa lũ cuốn trôi; khắc phục các công trình thủy lợi, đường giao thông bị hư hại...

Cần giải pháp căn cơ, cốt lõi

Trước mắt, tỉnh xác định sẽ chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương triển khai các biện pháp kỹ thuật để khôi phục, xử lý diện tích cây trồng, vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng do thiên tai; giải pháp về chính sách hỗ trợ để phục vụ sản xuất như hỗ trợ kinh phí vệ sinh đồng ruộng, hóa chất xử lý môi trường chăn nuôi, hỗ trợ cây con giống, vắc-xin phòng dịch bệnh...

Hiện mực nước tại các hồ chứa đang cao hơn 30% dung tích vụ Hè Thu mọi năm, vì vậy, để đảm bảo sản xuất lương thực cho năm 2022, tỉnh đã đề nghị các địa phương mở rộng sản xuất diện tích lúa ở vùng đảm bảo điều kiện tưới, đặc biệt là các vùng đất lúa thường bỏ hoang với diện tích khoảng 500ha. Quy hoạch vùng sản xuất đủ điều kiện để tổ chức sản xuất cây trồng vụ Thu Đông và vụ Đông nhằm nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích và chủ động trong việc cung ứng sản phẩm phục vụ tiêu dùng tại địa phương.

Về lâu dài, tỉnh kiến nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ kinh phí khắc phục các công trình thủy lợi hư hỏng do thiên tai từ 2020 đến nay, phối hợp với tỉnh Thừa Thiên - Huế nghiên cứu giải pháp chống lũ thượng nguồn sông Ô Lâu, nghiên cứu thêm giải pháp tiêu thoát lũ chủ động của tỉnh Quảng Trị tại các khu vực thấp trũng Hải Lăng, Triệu Phong. Tổ chức, giám sát môi trường nước thải sinh hoạt để kịp thời khuyến cáo người dân về chất lượng nước, đảm bảo khôi phục sản xuất lớn nhất có thể. Rà soát lại quy hoạch vùng nuôi tập trung và nâng cấp cơ sở hạ tầng, đảm bảo phòng tránh lũ trái mùa, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất khi có thiên tai xảy ra... Tổng kinh phí thực hiện phương án khắc phục dự kiến hơn 111,7 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 36,7 tỷ đồng.

Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Trước mắt, tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ một phần để người dân các địa phương ổn định sau thiên tai, tái sản xuất kịp thời vụ. Tuy nhiên, để đáp ứng đủ số lượng giống cho mùa vụ, tỉnh đề nghị Trung ương có chính sách hỗ trợ bổ sung, cùng với đó, sẽ sớm ban hành lịch thời vụ phù hợp với từng vùng, từng loại giống trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời kiến nghị Trung ương có kinh phí hỗ trợ, khắc phục thiệt hại các công trình thủy lợi, sản xuất nông nghiệp vừa qua.

UBND tỉnh cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh cùng ngành nông nghiệp tham mưu để tỉnh kiến nghị Ngân hàng Trung ương có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho người dân trong điều kiện khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.

“Cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Quảng trị sẽ đề nghị các chuyên gia, các nhà khoa học vào cuộc để trên cơ sở điều kiện hiện có, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, phương án chuyển đổi sinh kế, mô hình sản xuất phù hợp với biến đổi khí hậu và phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, đảm bảo an toàn, an sinh cho người dân và ổn định sản xuất, phát triển kinh tế bền vững” - ông Hà Sỹ Đồng cho biết.

Tiến Nhất