Ninh Bình: Hàng loạt công trình phòng chống lụt bão và thiên tai xuống cấp

Xã hội - Ngày đăng : 14:41, 20/04/2022

(TN&MT) - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, nhiều cống tiêu thoát nước, đê điều phòng, chống lụt bão đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng; trong đó có một số công trình trọng điểm. Điều này tiềm ẩn nguy cơ cao gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của nhân dân khi mùa mưa bão năm 2022 đang đến gần.

“Lơ lửng” nguy cơ mất an toàn

Tại huyện Kim Sơn, tuyến đê kè hữu Vạc đoạn từ K24+769 - K25+669 được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2014 theo dự án Nâng cấp đê Bình Minh II. Năm 2021, trong quá trình thi công Âu Kim Đài (công trình phục vụ ngăn mặn, giữ ngọt và ứng phó với tác động nước biển dâng cho 6 huyện, thành phố khu vực nam Ninh Bình) đã làm thu hẹp mặt cắt của sông, tăng vận tốc dòng chảy và đổi hướng dòng chủ lưu. Từ đó, gây xói lở chân đê hữu sông Vạc khu vực lân cận cửa âu, vị trí xói lở gần nhất cách chân đê 1,2m tạo thành hàm ếch, gây nguy cơ mất an toàn cho tuyến đê.

Bên cạnh đó, tuyến đường kè 2 bên bờ sông Hồi Thuần đoạn từ cầu Hồi Thuần đến cống Hồi Thuần được đầu tư và xây dựng, đưa vào sử dụng từ năm 2009; hằng năm do ảnh hưởng của mưa bão đã làm tuyến kè bờ sông tả sông Hồi Thuần bị hư hỏng, sạt lở nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân và giao thông trên địa bàn.

pctt.jpg
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Ninh Bình kiểm tra cống Đọ tại xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh. Ảnh: AT

Tại huyện Yên Khánh, Cống Đọ được xây dựng năm 1982; hiện trạng cống xuống cấp; kết cấu bằng đã xây đã bị vỡ, lở; nhiều vị trí xuất hiện tình trạng rò qua thân cống; mái kè thượng, hạ lưu cống bị sụt lún; bê tông dàn van bị nổ, khi vận hành rung lắc; mặt cống yếu không đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện lưu thông qua cống.

Trong khi đó, Cống Cầu Đầm, Xã Khánh Cường, được xây dựng năm 1965; hiện trạng cống xuống cấp; kết cấu bằng đá xây, lốc lở nghiêm trọng hèm cống, tường đầu phía thượng lưu cống và thân cống, có thời điểm bật cánh cống ra khỏi hèm cống khi có độ chênh lệch mực nước thượng, hạ lưu; sân sau hạ lưu cống bị sói sâu khoảng trên 2m so với sân cống gây sạt lở dọc bờ bên phía Nam cống, ảnh hưởng đến nhà một số hộ gia đình phía bờ Nam hạ lưu cống.

Còn ở huyện Yên Mô, khảo sát thực tế tại Đê hồ Yên Thắng và Đê hữu sông Vạc, đê hồ Yên Thắng, đoạn từ Bình Hào, xã Yên Thắng đến Eo Bát, xã Yên Thành, đoạn đê có chiều dài 2,5 km; mặt đê bị nứt gãy, nhiều vị trí bị phá hủy không đảm bảo an toàn cho hồ chứa và an toàn giao thông.

Đê hữu sông Vạc đoạn từ cầu Rào, xã Yên Phong đến ngã ba sông Bút, xã Yên Từ, đoạn đê có chiều dài 3,7km được nâng cấp từ năm 2002; mặt đê chưa đủ cao trình thiết kế, gồ ghề lồi lõm, nhiều vị trí tạo rãnh rất khó khăn cho việc tuần tra đê cũng như giao thông của người dân.

Trên địa bàn TP Ninh Bình, thực trạng cống Bích Đào (xây dựng năm 1990), cống Ninh Phong I (xây dựng năm 1973) đã xuống cấp; bị vỡ, lở nhiều, rò qua thân cống; mái kè thượng lưu cống sụt lún nhiều. Hiện, nay đã xuống cấp không đảm bảo yêu cầu chống lũ.

Hiện trạng đê sông Vó đoạn qua xã Ninh An và xã Ninh Vân (do UBND huyện Hoa Lư quản lý) chưa đạt cao trình theo tiêu chuẩn, thân đê bằng đất đầm chặt. Đáy sông bị bồi lắng, dòng chảy bị ách tắc, giải pháp khắc phục là nạo vét, khơi thông dòng chảy sông Vó.

pctt2.jpg
Kiểm tra công trình phòng chống thiên tai tại thành phố Tam Điệp. Ảnh: MĐ

Cũng trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp, tuyến kênh thoát nước phía Đông Nam Quốc lộ 1A (phường Nam Sơn, TP Tam Điệp) có lòng kênh hẹp, đáy kênh lồi lõm thường xuyên gây ngập úng khi có mưa lũ gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Cũng trên địa bàn thành phố Tam Điệp, tuyến đê sông Bến Đang (đoạn từ đền Đức Thánh Cả đến đình Quang Hiển) thuộc địa bàn phường Tân Bình. Với chiều dài 2 km, hiện trạng mặt đê có nhiều vị trí bị lún, lõm; mái đê nhiều vị trí bị sụt lún, sạt lở. Đặc biệt, đoạn trước cửa đền Đức Thánh Cả sạt lở nghiêm trọng, có nguy cơ mất an toàn tuyến đê trong mùa mưa lũ.

Khẩn trương lập hồ sơ dự án cho từng công trình

Đối với các công trình cụ thể đã xuống cấp, hư hỏng, ông Trần Hồng Quảng, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình yêu cầu các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với các địa phương, ngành liên quan nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, xây dựng phương án phù hợp, hiệu quả, lập hồ sơ dự án cho từng công trình để trình tỉnh xem xét, đảm bảo cho công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn.

Đồng thời, theo phân cấp quản lý các địa phương cũng phải chủ động các phương án khắc phục, sửa chữa tập trung cho các công trình chống thiên tai đang xuống cấp nghiêm trọng đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão 2022.

Bên cạnh đó, các địa phương phải khẩn trương rà soát lại toàn bộ công tác chuẩn bị ứng phó với thiên tai trước mùa mưa bão, chủ động triển khai thực hiện theo phương châm "4 tại chỗ".

Tuyết Chinh