Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc ngày 23/5, kéo dài 20 ngày
Trong nước - Ngày đăng : 21:47, 19/04/2022
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về hình thức tổ chức họp, dự kiến nội dung, dự kiến chương trình, thời gian khai mạc, thời gian bế mạc, công tác chuẩn bị, lễ tân, hậu cần, an ninh an toàn phòng chống dịch bệnh, thông tin tuyên truyền cho kỳ họp.
Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, do tình hình dịch bệnh COVID-19 đang từng bước được kiểm soát trên phạm vi cả nước, nên đề nghị Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội; tuy nhiên vẫn có dự phòng phương án họp trực tuyến trong trường hợp cần thiết.
Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 20 ngày. Quốc hội sẽ họp phiên trù bị và khai mạc vào thứ 2, ngày 23/5, dự kiến bế mạc vào thứ Sáu, ngày 17/6/2022. Dự kiến chương trình chi tiết kỳ họp được bố trí trên cơ sở tiếp tục phát huy những cải tiến đã được áp dụng hiệu quả tại các kỳ họp trước, trong đó đề nghị bố trí xen kẽ việc trình bày các tờ trình, báo cáo với việc thảo luận một số luật, nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua; bố trí khoảng cách hợp lý giữa phiên thảo luận ở tổ, hội trường; không bố trí Quốc hội làm việc ngày thứ bảy, chủ nhật để có thời gian cho các cơ quan có thời gian tổng hợp, giải trình ý kiến thảo luận và tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án, dự thảo trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, đến nay công tác chuẩn bị nội dung kỳ họp đã và đang được các cơ quan hữu quan tích cực, khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, tiến độ, kịp phục vụ kỳ họp. Ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan khẩn trương tổng hợp, nghiêm túc giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, tổ chức nhiều cuộc khảo sát thực tế, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để có thêm thông tin, cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ việc thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật… bảo đảm chất lượng các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.
Dự kiến sau phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phần lớn các nội dung trình Quốc hội đều được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, báo cáo về kiến nghị của cử tri… sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại phiên họp tháng 5/2022 để kịp thời phục vụ cho kỳ họp.
Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao công tác chuẩn bị của Tổng Thư ký Quốc hội, phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để rà soát các nội dung. Cơ bản nhất trí với dự kiến thời gian, chương trình họp, các ý kiến cũng cho rằng trong bối cảnh tình hình dịch bệnh cơ bản kiểm soát thì việc Quốc hội họp tập trung cả kỳ phù hợp, đây cũng là đề xuất của các Đoàn đại biểu Quốc hội.
Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về thời gian khai mạc kỳ họp vào ngày 23/5. Thời gian bế mạc phụ thuộc vào việc bố trí thời gian cho từng nội dung. Do đó, đề nghị Tổng Thư ký tiếp tục rà soát để bố trí thời gian cho từng nội dung một cách phù hợp, xem xét thứ tự sắp xếp các nội dung làm việc; sử dụng các hình thức trình bày báo cáo đa dạng, tiết kiệm thời gian từ đó tiết kiệm thời gian kỳ họp nhưng nhưng vẫn nâng cao được chất lượng. Tiếp tục rà soát các danh mục, các báo cáo của cơ quan liên quan, báo cáo gửi, bao gồm Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan hữu quan.
Cho biết đến nay có thể tổ chức họp tập trung, song Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý không chủ quan mà phải bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh; đồng thời chú trọng công tác thông tin, truyền thông, an ninh, trật tự, đảm bảo an toàn cho kỳ họp và các nội dung bảo đảm khác.
4 chuyên đề giám sát năm 2023
Ngày 19/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và biểu quyết lựa chọn 4 chuyên đề giám sát năm 2023, bao gồm:
Chuyên đề 1: Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; Chuyên đề 2: Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030);
Chuyên đề 3: Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nguồn năng lượng tái tạo.