Tận dụng thời cơ từ Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực
Đầu tư - Tài chính - Ngày đăng : 21:47, 19/04/2022
Hội nghị nhằm cung cấp thông tin cho phóng viên, biên tập viên chuyên trách thuộc các cơ quan thông tấn, báo chí về Hiệp định RCEP và các chính sách mới nhất của Việt Nam để thực hiện RCEP đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
RCEP được 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 nước đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào ngày 15/11/2020 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam làm Chủ tịch. Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Khi có hiệu lực đầy đủ với tất cả các quốc gia tham gia ký kết, Hiệp định RCEP tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, GDP khoảng 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số. Do vậy, Hiệp định RCEP giúp tạo lập một thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, góp phần thúc đẩy việc thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam.
RCEP sẽ tiến tới loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia ký kết trong vòng 20 năm, thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, thương mại và quyền sở hữu trí tuệ. RCEP được thiết kế nhằm cắt giảm chi phí và thời gian cho các thương nhân khi cho phép họ xuất khẩu hàng hóa sang bất kỳ quốc gia ký kết thỏa thuận nào mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của từng quốc gia.
Bên cạnh đó, RCEP cũng mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Thậm chí, với hiệp định này, Việt Nam và các nước ASEAN hoàn toàn có cơ hội để trở thành trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam được đánh giá là một điểm đến an toàn và hấp dẫn, do đó cơ hội tăng tốc thu hút đầu tư từ các nước thành viên RCEP sẽ lớn hơn, nhất là khi Việt Nam đang nỗ lực xây dựng nhiều cơ chế, chính sách vượt trội để đón đầu dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển. Ngoài ra, việc thực thi RCEP cũng tạo nên khuôn khổ pháp lý ràng buộc trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử..., tạo ra sân chơi công bằng trong khu vực. Nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ nội khối RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan, từ đó gia tăng xuất khẩu trong khu vực, đặc biệt là ở các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand...
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, các chuyên gia kinh tế cho rằng, RCEP có thể mang tới những sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ bên ngoài.
Mặt khác, cam kết trong RCEP cũng sẽ làm giảm thuế quan của nhiều nước trong khối đối với hàng hóa Trung Quốc. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ buộc phải cạnh tranh trong nước với một loạt hàng hóa mới có giá thành thấp hơn từ Trung Quốc. Một số ngành sẽ bị ảnh hưởng bởi việc giảm thuế quan này. Đặc biệt, kinh tế thế giới cũng như nhiều nước trong khu vực đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19... Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động để thích ứng, nỗ lực chinh phục, biến thách thức thành cơ hội.
Trong bối cảnh đó, TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần được hỗ trợ về nhiều mặt để vượt qua các thách thức nêu trên. Trong đó, có hỗ trợ về quy tắc xuất xứ như hướng dẫn cách hiểu và thực hiện các quy định của RCEP, cơ chế cấp C/O thuận lợi, hướng tới thực hiện tự chứng nhận xuất xứ.
Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần được hỗ trợ tận dụng ưu đãi thuế quan. Cụ thể, cần sớm ban hành nghị định biểu thuế ưu đãi, các thông tư về quy tắc xuất xứ và cơ chế liên quan; thủ tục xuất nhập khẩu liên quan tới RCEP thuận lợi, nhanh chóng; cơ chế thường trực hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn về tận dụng ưu đãi thuế quan RCEP khi xuất khẩu, nhập khẩu.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng có thể hỗ trợ doanh nghiệp kiểm soát hàng nhập khẩu để hạn chế tối đa gian lận thương mại, kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu, qua đó bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại quốc gia, ngành hàng. Đối với hàng nông sản, cần đẩy nhanh tiến trình đàm phán giấy phép nhập khẩu các loại trái cây Việt Nam ở các thị trường yêu cầu (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…); xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ xuất khẩu nông sản ở biên giới; cải thiện môi trường kinh doanh, chuyển đổi số, cải thiện năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.
Tại hội nghị, các phóng viên, biên tập viên đã được nghe trình bày chuyên sâu một số nội dung: Hiệp định RCEP-những nội dung cơ bản doanh nghiệp cần biết; dự báo một số tác động của Hiệp định RCEP đối với nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam; quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định RCEP (Thông tư 05/2022/TT-BCT ngày 18/2/2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 4/4/2022); một số nội dung về thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, dịch vụ tài chính và thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại của Việt Nam để thực hiện Hiệp định RCEP...