Động đất tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận có xu hướng mạnh dần

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 12:55, 19/04/2022

Theo đánh giá của Viện Vật lý địa cầu, trong thời gian gần đây, các số liệu thống kê cho thấy hiện tượng động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận có tần xuất xảy ra thường xuyên và xu hướng mạnh dần.

Sáng 19/4, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai phối hợp với một số cơ quan liên quan tổ chức cuộc họp ứng phó với động đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

2.jpg
Quang cảnh cuộc họp

Xu hướng tăng về độ lớn

Theo ông Trần Quang Hoài, từ đầu năm đến nay, diễn biến động đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum diễn ra phức tạp, trong đó có một trận động đất với độ lớn 4.5 độ richter. Ban Chỉ đạo tổ chức cuộc họp để nhận diện tình hình động đất biến động, tìm hiểu nguyên nhân, khả năng thiệt hại và các giải pháp ứng phó cho chính quyền và người dân vùng động đất,...

Ông Đặng Thanh Nam, Chủ tịch UBND huyện Kon Plôn (tỉnh Kon Tum) cho biết, ngày 15/4 trên địa bàn huyện xảy ra 7 trận động đất, vị trí chấn tâm chủ yếu xảy ra trên địa bàn xã Đăk Tăng, Đăk Ring. Trong đó, trận động đất có cường độ cao nhất là 4,1 độ richter, xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.825 độ vĩ Bắc, 108.282 độ kinh Đông, trên địa bàn xã Đăk Tăng, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.

Ngày 16/4 xảy ra 2 trận động đất, vào các thời điểm: Trận 1 vào 6 giờ 21 phút 2 giây có cường độ 3,3 xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.856 độ vĩ Bắc, 108.230 độ kinh Đông trên địa bàn xã Đăk Ring, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.5 km; trận 2 vào 23 giờ 15 phút 25 giây có cường độ 2,5 có tọa độ 14.872 độ vĩ Bắc, 108.209 độ kinh Đông trên địa bàn xã Măng Bút.

Tiếp đó, ngày 17/4 xảy ra 1 trận, vào lúc 00 giờ 43 phút 50 giây, có cường độ 2,8 độ, tại vị trí có tọa độ (14.906 độ vĩ Bắc, 108.161 độ kinh Đông trên địa bàn xã Măng Bút), độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km.

Theo ông Đặng Thanh Nam, qua tổng hợp báo cáo của UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, đến thời điểm hiện nay, các trận động đất chưa gây thiệt hại về người và tài sản.

Thống kê của Viện Vật lý Địa cầu cho biết, trong khoảng thời gian từ năm 1903 đến năm 2020, trên khu vực huyện Kon Plông và lân cận đã ghi nhận được 33 trận động đất có độ lớn từ 2,5 trở lên, trong đó chỉ có hai trận động đất xảy vào năm 1937 (M = 3.9) và năm 2015 (M = 3.0).

Theo Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu Nguyễn Xuân Anh, từ tháng 4/2021 đến nay, các số liệu thống kê cho thấy hiện tượng động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận có tần xuất xảy ra thường xuyên và xu hướng mạnh dần. Cụ thể, trong năm 2021 đến nay ghi nhận 169 trận động đất có độ lớn từ M >=2.5 xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Đặc biệt trong các ngày 15-18/4/2022 đã ghi nhận động đất xảy ra liên tục tại khu vực này với tổng số 22 trận động đất với độ lớn M = 2.5 đến 4.5.

“Trên cơ sở số liệu động đất ghi nhận được tại khu vực huyện Kon Plông cho thấy động đất xảy ra thường xuyên hơn trong thời gian gần đây và có xu hướng tăng lên về độ lớn. Mặc dù cho đến nay chưa ghi nhận thiệt hại về nhà cửa và người tại khu vực trên, tuy nhiên chắc chắn các rung động địa chấn do động đất gây ra đã ảnh hưởng nhất định đến đời sống của nhân dân trong khu vực”, ông Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh.

6.jpg
Tâm chấn trận động đất mới nhất ở Kon Tum

Cần các nghiên cứu chuyên sâu

Phó ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết, khu vực xung quanh huyện Kon Plông và tỉnh Kon Tum có nhiều hồ chứa, đặc biệt nhiều hồ xung yếu và nhiều hồ đã tích đầy nước. "Việc này đặt ra bài toán đảm bảo an toàn cho người dân đang sinh sống tại khu vực hạ du các hồ chứa trong trường hợp xảy ra những yếu tố bất thường, đặc biệt là động đất", ông Trần Quang Hoài nói.

Ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh, việc cảnh báo diễn biến động đất có độ trễ. Nếu xảy ra tình huống khẩn cấp, thời lượng trễ này là thời gian vàng để cơ quan chức năng ứng phó. Do đó, ông đề nghị Viện Vật lý địa cầu tăng cường kết hợp với đơn vị quản lý thủy điện và các địa phương để cung thấp thông tin nhanh chóng hơn.

Theo ông Phạm Trọng Thực, Phó cục trưởng Cục An toàn môi trường (Bộ Công Thương), nhà máy thủy điện thượng Kon Tum đang trong quá trình tích nước với dung tích hiện đạt 73%, còn 7 m nước nữa mới đạt đến mực nước dâng bình thường. Mực nước này không phải quá lớn so với dung tích của hồ chứa.

Vì vậy, ông Thực nhận định quá trình vận hành nhà máy thủy điện thượng Kon Tum vẫn đảm bảo an toàn và "trong tầm kiểm soát". Về nhận định nguyên nhân động đất tại Kon Plông có thể là động đất kích thích do việc tích nước, ông Thực cho rằng cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu thêm việc này.

"Bài học về động đất ở thủy điện Sông Tranh năm 2015 cho thấy chúng ta cần rất nhiều thời gian (1-2 năm) để kết luận về nguyên nhân. Do đó, việc này cần sự đánh giá kỹ lưỡng thông qua nghiên cứu, quan trắc số liệu tại khu vực, sau đó chúng tôi mới có thể xây dựng phương án ứng phó cụ thể", ông Thực nói.

Nhằm giảm thiểu thiệt hại do động đất có khả năng gây ra tại khu vực trên, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu Nguyễn Xuân Anh kiến nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai xem xét cho phép tiến hành thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về độ nguy hiểm và rủi ro động đất đối với khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cụ thể, tiến hành nghiên cứu đánh giá chi tiết mô hình cấu trúc và độ lớn động đất cực đại có khả năng phát sinh của các hệ thống đứt gãy khu vực huyện Kon Plông và lân cận. Thiết lập ngay một mạng trạm quan sát động đất địa phương (gồm 5 trạm) tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận.

Đồng thời, tiến hành triển khai việc nghiên cứu nguyên nhân phát sinh chuỗi động đất xảy ra tại huyện Kon Plông và lân cận; tiến hành đánh giá mức độ rủi ro và xây dựng các kịch bản ứng phó rủi ro có thể xảy ra cho khu vực huyện Kon Plông và lân cận. Thực hiện hiện rà soát, đánh giá về công tác thiết kế kháng chấn đối với các dự án thủy điện và các công trình quan trọng trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và ứng phó động đất cho người dân nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của động đất.

Thanh Tùng