“Hiến kế” bảo vệ đại dương

Thế giới - Ngày đăng : 12:52, 19/04/2022

(TN&MT) - Phát biểu tại “Hội nghị Đại dương của chúng ta lần thứ 7” tại Palau mới đây, ông Abdulla Shahid - Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã kêu gọi cộng đồng quốc tế mở rộng các khu vực bảo tồn biển, hỗ trợ cộng đồng khoa học và giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa.

Hội nghị Đại dương của chúng ta lần thứ 7 năm nay đã diễn ra tại một trong những quốc đảo có nguy cơ cao nhất do mực nước biển dâng cao bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). Theo ông Shahid, cách duy nhất để bảo vệ đại dương là các bên liên quan cùng nhau “lội ngược dòng” nhằm đưa ra các giải pháp hữu hiệu.

Ông Shahid đã nêu ra 4 giải pháp chính về bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương và biển. Thứ nhất, ông kêu gọi mở rộng các khu bảo tồn. Mặc dù đại dương bao phủ khoảng 70% diện tích hành tinh, nhưng chưa đến 8% trong số đó được bảo vệ. Theo ông, Hội nghị Đại dương của chúng ta năm nay tiếp tục tạo động lực toàn cầu về vấn đề này. 6 hội nghị trước đó đã dẫn đến hơn 1.400 cam kết, lên tới hơn 90 tỷ USD, bảo vệ ít nhất 5 triệu km2 đại dương.

Thứ hai, Chủ tịch Hội đồng LHQ kêu gọi đầu tư vào “dữ liệu và thông tin khoa học đại dương bền vững, đáng tin cậy và dễ tiếp cận”, có thể được sử dụng để cung cấp thông tin cho các chính sách và chương trình.

anh-1-trang-quoc-te-so-thu-3.jpg

Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Abdulla Shahid phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: UN

Năm ngoái, LHQ đã tuyên bố khởi động Thập kỷ Khoa học Đại dương vì sự Phát triển Bền vững. Theo ủy quyền của Đại hội đồng LHQ, Ủy ban Hải dương học Liên chính phủ (IOC) của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) đang làm việc với các nước thành viên để tăng cường năng lực quốc gia về khoa học, nhằm hiểu rõ hơn và cải thiện việc quản lý đại dương, bờ biển và hệ sinh thái.

Năm nay, một số hội nghị cấp cao quốc tế lớn cũng đang được tổ chức để tăng cường bảo vệ đại dương. Vào cuối tháng 6/2022, Bồ Đào Nha sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Đại dương của LHQ nhằm tìm cách thúc đẩy các giải pháp đổi mới dựa trên khoa học cần thiết và bắt đầu một chương mới của hành động đại dương toàn cầu.

Thứ ba, ông Shahid nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhận ra và giải quyết các mối đe dọa mà đại dương phải đối mặt. Nhấn mạnh báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH (IPCC) được đưa ra vào đầu tháng này như một "lời cảnh tỉnh", ông Shahid cho rằng với mức độ axit hóa tăng lên, các hệ sinh thái biển và đa dạng sinh học biển sẽ mất mát nhiều hơn.

Chỉ trong vài tuần qua, Ban Quản lý Công viên Hải dương Great Barrier Reef (GBRMPA) và Viện Khoa học biển Australia (AIMS) nhấn mạnh, BĐKH đã gây ra vụ tẩy trắng hàng loạt rạn Great Barrier Reef lần thứ 6. Trong khi đó, các nhà khoa học của UNESCO đang cân nhắc xem có nên liệt rạn san hô này, 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên của thế giới, vào danh sách "đang gặp nguy hiểm" hay không.

Giải pháp thứ tư mà ông Shahid nhấn mạnh là "giải quyết ô nhiễm nhựa". Ông cho biết, mới tuần trước, các nhà nghiên cứu lần đầu tiên tìm thấy hạt vi nhựa trong phổi của con người, qua đó cho thấy quy mô và mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

Theo ước tính, nhựa mất hàng trăm năm để phân hủy và chỉ khoảng 20% lượng nhựa được tạo ra từ những năm 1950 được đốt hoặc tái chế thành công.

Nhấn mạnh vai trò của việc tăng cường sự kết hợp giữa hành động vì đại dương và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) khác, như xóa đói giảm nghèo, tiêu dùng và sản xuất bền vững, ông Shahid nhắc lại tầm quan trọng của lệnh cấm hoàn toàn ô nhiễm nhựa trong đại dương của chúng ta.

Theo Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, năm nay đánh dấu kỷ niệm 40 năm kể từ khi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển được thông qua. Đây là dịp để các quốc gia xem xét và làm mới các cam kết đối với đại dương, quản trị, sử dụng bền vững và bảo tồn đại dương.

Mai Đan - Tổng hợp từ UN News