Xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung 2 Nghị định về quản lý tài nguyên biển

Trong nước - Ngày đăng : 14:06, 18/04/2022

(TN&MT) - Sáng 18/4, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân chủ trì cuộc họp xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một điều của Nghị định 40/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Nghị định số 11/2021/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.
tt-ngan.jpg
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân chỉ đạo tại cuộc họp

Ngày 7/2/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 662/BTNMT-TCBHĐVN gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển đề nghị rà soát, kiến nghị, đề xuất hoàn thiện pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Vụ trưởng Vụ Chính sách Pháp chế của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, đến ngày 16/4/2022, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã nhận được văn bản của 11 Bộ, cơ quan ngang Bộ và 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển. Dựa trên các ý kiến, Tổng cục đã rà soát, tổng hợp các nội dung dự kiến cần xem xét, sửa đổi bổ sung 2 Nghị định trên như sau:

Đối với Nghị định số 40/2016/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung quy định tại Khoản 2 Điều 8 theo hướng quy định rõ hơn về đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm và cách xác định trong một số trường hợp đặc thù; thời hạn điều chỉnh; chỉnh sửa, bổ sung quy định về thẩm quyền xác định, công bố đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm; một số quy định về cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cho phép trả lại giấy phép nhận chìm ở biển theo phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2020 – 2025.

hop-18.jpg
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Vụ trưởng Vụ Chính sách Pháp chế của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam báo cáo tại cuộc họp

Đồng thời, sẽ bổ sung quy định về các trường hợp điều chỉnh Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; trình tự, thủ tục điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu thực tiễn; quy định cụ thể về việc giám sát hoạt động nhận chìm ở biển (Tổ giám sát) trên cơ sở thực tiễn đã thực hiện trong thời gian qua.

Đối với Nghị định số 11/2021/NĐ-CP, sẽ bổ sung Quyết định chủ trương đầu tư là văn bản cho phép khai thác, sử dụng tài nguyên biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân; Quy định về các trường hợp không phải thực hiện giao khu vực biển; các trường hợp phải thực hiện thủ tục chấp thuận; Quy định rõ hơn về đường ranh giới ngoài của vùng biển 3 hải lý, vùng biển 6 hải lý và cách xác định trong một số trường hợp đặc thù.

hop-18-toan-canh.jpg
Toàn cảnh cuộc họp

Ngoài ra, sẽ sửa đổi, bổ sung điểm d, đ và điểm e khoản 4 Điều 5 về yêu cầu phải lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức trong trường hợp xác định vị trí, diện tích các khu vực biển khi chưa có các quy hoạch theo hướng giảm cơ quan phải lấy ý kiến và quy định rõ việc lấy ý kiến này nằm trong quá trình thẩm định hồ sơ giao khu vực biển; sửa đổi thẩm quyền giao, công nhận, cho phép trả lại khu vực biển; gia hạn, sửa đổi, bổ sung Quyết định giao khu vực biển; thu hồi khu vực biển tại Điều 8 theo Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước và Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang (Thông báo số 99/TB-VPCP ngày 05/4/2022 của Văn phòng Chính phủ); Bổ sung quy định cho rõ ràng để thống nhất trong thực hiện, áp dụng về thẩm quyền giao khu vực biển đối với hoạt động nhận chìm ở biển; bổ sung quy định Khoản 4 Điều 10 để quy định tổ chức, cá nhân được công nhận khu vực biển thực hiện nộp tiền sử dụng khu vực biển cho đầy đủ…

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nghiên cứu, xây dựng các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40/2016/NĐ-CP và Nghị định 11/2021/NĐ-CP đối với những vấn đề cấp bách cần khẩn trương ban hành để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tổ chức họp Tổ biên tập, Ban soạn thảo xây dựng Nghị định. Trên cơ sở ý kiến tại cuộc họp Tổ biên tập, Ban soạn thảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định, báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét, ký gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương; đăng dự thảo lên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Cổng Thông tin của Bộ để lấy ý kiến rộng rãi vào khoảng giữa tháng 5 và trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý II năm 2022. 

Phạm Oanh