Bình Định: Lễ hội Cầu ngư tại xã đảo Nhơn Châu
Văn hóa - Ngày đăng : 21:18, 16/04/2022
Lễ hội Cầu Ngư ở Nhơn Châu bắt nguồn từ tục thờ Ông Nam Hải. Ông Nam Hải là cách gọi trang nghiêm của người dân vùng biển miền Nam Trung Bộ dành cho cá voi – loài cá tượng trưng cho điềm lành với thân hình to lớn, thường cứu giúp ngư dân khi gặp nạn trên biển. Người dân xem cá voi là một trong những vị thần biển linh thiêng. Khi cá chết trôi dạt vào bờ, dân làng chài thường làm tang lễ long trọng và thờ ở Lăng Ông.
Lễ hội Cầu Ngư là một trong những lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của người vùng biển, trở thành phong tục của người dân từ bao đời nay được diễn ra vào mùa đánh bắt hằng năm kéo dài 5 ngày 5 đêm bắt đầu từ ngày 16/3 âm lịch. Nơi diễn ra Lễ hội là toàn làng và ngoài biển, tâm điểm là Lăng Ông - nơi thờ Ông Nam Hải. Lễ hội Cầu ngư ở Nhơn Châu gồm các nghi thức rước Thành Hoàng, nghi thức Nghinh Thủy lục và Hát cầu ngư ông.
Nghinh Thủy lục (còn gọi là nghinh Ông) thường được tổ chức vào buổi sáng khi thủy triều lên. Đây là nghi thức nhằm rước hồn Ông Nam Hải từ ngoài biển khơi về với Lăng thờ để làm lễ Tế Chánh. Lễ diễn ra trên biển với đoàn thuyền ghe ra khơi để rước Ông Nam Hải.
Hát Cầu ngư ông là nghi thức kết thúc Lễ hội Cầu Ngư do đoàn hát bội thực hiện. Phần này thường kéo dài cả ngày đêm, thu hút bà con đến thưởng thức. Những người hát bội thể hiện những vai diễn trong các đoạn trích về lịch sử và đời sống thường ngày của người dân miền biển.
Du khách đến đây tại thời điểm này sẽ được hòa mình vào không khí Lễ hội trang trọng nhưng không kém phần vui tươi, đầy màu sắc bên bờ biển Cù Lao Xanh thơ mộng. Lễ hội Cầu Ngư thu hút du khách không chỉ ở phần lễ trang trọng, thể hiện nét đẹp của tín ngưỡng dân gian mà còn ở phần hội tưng bừng, nhộn nhịp.