Trăn trở môi trường của nữ phó giáo sư nhận Giải thưởng Nhân tài Đất Việt
Môi trường - Ngày đăng : 17:13, 16/04/2022
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt trong lĩnh vực tài nguyên môi trường năm nay được dành cho 2 công trình của PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM và các cộng sự. Cụ thể:
- Công trình khoa học Xây dựng bản đồ phát thải khí nhà kính CO2 ở TPHCM, đề xuất giải pháp xây dựng thành phố phát thải thấp cacbon.
- Công trình khoa học Công nghệ xử lý nước thải bằng hồ thủy sinh phủ hệ thực vật mới Cỏ Lông Tây (Brachiaria mutica), giải pháp xử lý nước thải khu công nghiệp tập trung hướng đến phát triển bền vững.
Công trình, đề tài được nghiệm thu xuất sắc cấp Bộ năm 2018 và được đánh giá cao về mặt thực tiễn thông qua việc được Ban Quản lý khu công nghiệp TPHCM tiếp nhận, chuyển giao ứng dụng kịp thời tại các khu công nghiệp để xử lý môi trường.
Chia sẻ với Dân trí sau buổi lễ trao giải chiều 15/4, PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân cho biết bà cảm thấy vinh dự, hạnh phúc khi nhận được Giải thưởng Nhân tài Đất Việt.
"Đây là vinh dự cho bản thân tôi, cho đơn vị công tác, thành viên nhóm nghiên cứu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các bộ, ban, ngành"- bà Vân nói.
Trong đó, "Công trình khoa học Xây dựng bản đồ phát thải khí nhà kính CO2 ở TPHCM, đề xuất giải pháp xây dựng thành phố phát thải thấp cacbon" là công trình nghiên cứu có tính cấp thiết rất lớn, đặc biệt vừa qua đã diễn ra COP26 (Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu).
Công trình đã được nghiên cứu thành công nhằm đưa ra đánh giá được lượng phát thải CO2 từ các nguồn phát thải và lượng hấp thu CO2 từ đó ứng dụng công nghệ GIS trong việc xây dựng bản đồ hiện trạng phát thải và hấp thu khí CO2 từ các nguồn phát thải và hấp thu điển hình tại TPHCM; đề xuất các giải pháp giảm phát thải CO2 để xây dựng mô hình thành phố phát thải thấp cacbon.
Bà Vân cho biết, công trình nghiên cứu đã xây dựng bản đồ phát thải cho 24 quận, huyện TPHCM, từ dân sinh, giao thông, các khu công nghiệp,… để đánh giá được sự phân bố C02. Qua đó đề xuất giải pháp khả thi nhằm giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp vào mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam và toàn cầu.
"Đây là hướng nghiên cứu mang tính thực tiễn có thể mở rộng cho các thành phố khác ở Việt Nam và các nước lân cận"- PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân tin tưởng.
Công trình nghiên cứu thứ 2 về xử lý nước thải bằng hồ thủy sinh phủ hệ thực vật mới là giải pháp thân thiện với môi trường, mang tính bền vững và có thể đưa ra công nghệ xử lý với chi phí thấp, đem lại môi trường xanh, sạch.
"Giải pháp này đang được rất nhiều công ty, nhà máy quan tâm để chuyển giao ứng dụng cho xử lý nước thải nhà máy, nước thải công nghiệp, dệt nhuộm, nước thải y tế, chăn nuôi,… Nhóm nghiên cứu đang chuyển giao công nghệ này cho các công ty"- bà Vân thông tin.
Chia sẻ thêm về các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực môi trường, PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân khẳng định, mỗi cá nhân chúng ta đều có những trăn trở về môi trường sống xung quanh và cần có những hành động để đóng góp vào bảo môi trường.
"Chúng tôi luôn muốn đồng hành, thúc đẩy những nghiên cứu khoa học về lĩnh vực môi trường, để chúng ta có môi trường xanh, sạch, bền vững, để người dân được sống trong môi trường trong lành trong thời gian tới"- bà Vân chia sẻ.