Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Ninh Thuận

Trong nước - Ngày đăng : 09:16, 16/04/2022

Sáng ngày 16/4, tại tỉnh Ninh Thuận, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Ninh Thuận (1/4/1992-1/4/2022), 47 năm ngày giải phóng Ninh Thuận (16/4/1975-16/4/2022), hướng tới kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022).

Buổi lễ do Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Thuận tổ chức. Cùng dự buổi lễ có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương.

Nhân dịp này, tỉnh Ninh Thuận vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Ninh Thuận - Ảnh 2.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ninh Thuận là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng kiên cường, bất khuất, luôn có quyết tâm, khí thế vươn lên.

Được tách ra từ tỉnh Thuận Hải, tái lập năm 1992, qua 30 năm, với bản lĩnh và ý chí, tinh thần dám nghĩ, dám làm, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Ninh Thuận đã vượt khó vươn lên, chuyển mình mạnh mẽ.

Trong 30 năm qua, quy mô GRDP năm 2021 tăng gấp 69,6 lần so với năm 1992, tốc độ tăng trưởng bình quân 8,14%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân của cả nước; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng hơn 440 lần. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng, tỉ trọng công nghiệp và xây dựng tăng hơn 20%.

Thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Tỉ lệ hộ nghèo đa chiều giảm nhanh, từ 14,93% năm 2016 xuống còn 4,57% năm 2021. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Ninh Thuận - Ảnh 3.

Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Ninh Thuận - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 thời gian qua, tỉnh đã triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội và duy trì tốc độ tăng trưởng cao (GRDP năm 2021 tăng 9%, đứng thứ tư cả nước, đứng đầu vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung).

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng nhiệt liệt chúc mừng, đồng thời biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực và thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Thuận đạt được trong suốt chặng đường 30 năm xây dựng, đổi mới và phát triển.

Đến năm 2025, là tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước

Trong diễn văn tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh nêu rõ, trong lịch sử đấu tranh cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ, quân và dân Ninh Thuận luôn kiên cường, bất khuất; một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, nhất là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ninh Thuận là chiến trường vô cùng gian khổ và ác liệt ở cực Nam Trung bộ, là nơi nhận được sự chi viện về sức người, sức của cả ba miền Bắc - Trung - Nam, của tỉnh Yên Bái kết nghĩa và cán bộ, chiến sỹ trên mọi miền Tổ quốc.

Tỉnh được giải phóng ngày 16 tháng 4 năm 1975, tạo thế mở đường cho đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, bằng thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - Mùa xuân năm 1975. Ngày 16 tháng 4 năm 1975 đã trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng; thể hiện sức mạnh của tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường, bất khuất; là niềm tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội của Đảng bộ và Nhân dân Ninh Thuận dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau khi được giải phóng, chính quyền cách mạng lâm thời tỉnh Ninh Thuận được thành lập, nhanh chóng ổn định tình hình và đời sống của Nhân dân. Kể từ ngày 01/4/1992, tỉnh Ninh Thuận được tái lập và chính thức đi vào hoạt động. Việc chia tách 2 tỉnh là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, đã đáp ứng nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đồng thời, đánh dấu bước phát triển mới của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Ninh Thuận. Việc tái lập tỉnh là cơ hội tốt để Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, cùng với tư duy và hành động xuyên suốt của các thế hệ lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ - là sự chủ động, sáng tạo trong việc đề ra các chủ trương, đường lối đúng đắn, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, đi trước, mở đường cho sự phát triển, và với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã tạo nên một Ninh Thuận có được vị thế như ngày hôm nay.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận, 30 năm qua, tỉnh đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa quan trọng, toàn diện trên rất cả các lĩnh vực, đưa Ninh Thuận từ tỉnh có xuất phát điểm phát triển kinh tế - xã hội thấp, đến nay nền kinh tế của tỉnh có sự thay đổi mạnh mẽ, sự  tăng trưởng cao liên tục trong nhiều năm; từ một tỉnh nghèo có thu nhập thấp đã vươn lên trở thành tỉnh có thu nhập trung bình.

Những kết quả đạt được hết sức ấn tượng, thể hiện khát vọng vươn lên trên mỗi chặng đường phát triển, cùng với tư duy "nghĩ lớn hơn, nhìn xa hơn, rộng hơn" đã góp phần quan trọng đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Thời gian tới, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân trong tỉnh phải quyết tâm, nỗ lực cao hơn nữa, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục hạn chế để thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra, là: "Phát huy truyền thống đoàn kết, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ứng dụng khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững, kinh tế biển là động lực, đưa quy mô nền kinh tế đến cuối nhiệm kỳ tăng 1,9 lần so với năm 2020. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; bảo đảm quốc phòng - an ninh. Đến năm 2025, là tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước, là một trong những trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo. Đến năm 2030, trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước".

Theo Chinhphu.vn