Quỹ Tiền tệ Quốc tế hỗ trợ các nước ứng phó với biến đổi khí hậu và đại dịch
Thế giới - Ngày đăng : 15:17, 14/04/2022
Giám đốc điều hành IMF, bà Kristalina Georgieva đã thông báo phê duyệt Quỹ khả năng phục hồi và bền vững mới sau cuộc họp hội đồng. Quỹ này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/5, với mục tiêu huy động được ít nhất 45 tỷ USD.
Theo bà, Quỹ sẽ góp phần vào việc phân bổ 650 tỷ USD cho Quyền rút vốn đặc biệt của IMF năm ngoái bằng cách cho phép các quốc gia thành viên giàu hơn chuyển nguồn dự trữ khẩn cấp của họ đến các nước dễ bị tổn thương để giải quyết những thách thức lâu dài đe dọa sự ổn định kinh tế của các nước này.
“Quyết định lịch sử này thể hiện tinh thần của chủ nghĩa đa phương. Nó cho thấy, khi có nhu cầu và ý chí, chúng ta có thể cùng nhau nỗ lực để đạt được kết quả quan trọng vì lợi ích của tất cả mọi người”, bà Georgieva nhấn mạnh.
Các nhân viên của IMF đã tìm hiểu thông tin chi tiết về quỹ mới trong những tháng gần đây sau khi nó giành được sự ủng hộ của Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) vào tháng 10 năm ngoái.
Theo Hãng tin Reuters (Anh), hiện nay, mặc dù các nước thành viên IMF đối mặt với những thách thức trước mắt của lạm phát gia tăng, không gian tài khóa hạn chế và sự phục hồi của đại dịch - những vấn đề chịu tác động bởi những rủi ro liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine – nhưng họ cũng kêu gọi Quỹ hỗ trợ ứng phó với những thách thức dài hạn như biến đổi khí hậu và chuẩn bị sẵn sàng cho đại dịch.
Hiện tại, IMF cung cấp các khoản tài trợ với chi phí thấp và lãi suất bằng 0 để giúp các quốc gia đối phó với những thách thức ngắn hạn như tháo chạy vốn, lạm phát hoặc giá hàng hóa cao cũng như các thách thức tài khóa và tài chính trung hạn.
Tuy vậy, cho đến nay, IMF vẫn thiếu cơ sở để giúp các quốc gia quản lý rủi ro đối với cán cân thanh toán do các mối đe dọa lâu dài gây ra, và Quỹ tín thác về tăng trưởng và giảm nghèo của IMF chỉ dành cho các quốc gia có thu nhập thấp.
RST, lần đầu tiên được đề xuất bởi bà Georgieva vào tháng 6 năm ngoái, sẽ lấp đầy những khoảng trống đó, cung cấp nguồn tài chính hợp lý cho nhiều quốc gia hơn trong thời gian trả nợ kéo dài, với thời gian đáo hạn 20 năm và thời gian ân hạn (khoảng thời gian tính từ khi khách hàng nhận khoản tiền giải ngân lần đầu cho đến thời điểm khách hàng phải trả khoản nợ gốc đầu tiên) 10,5 năm. IMF cho biết họ có kế hoạch bắt đầu cho vay theo chương trình vào tháng 10. Gần 3/4 trong số 190 thành viên của IMF sẽ đủ điều kiện vay từ RST.
Theo IMF, khoản tài trợ sẽ được cung cấp cho hầu hết các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình, bao gồm tất cả các quốc gia đang phát triển nhỏ. Nhiều nước trong số đó đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và tác động kinh tế.