Hoàn thổ sau khai thác khoáng sản: Chưa quan tâm đúng mức

Khoáng sản - Ngày đăng : 13:13, 14/04/2022

(TN&MT) - Khai thác khoáng sản đem về nguồn thu thuế tài nguyên, tăng kinh phí BVMT cho địa phương. Thế nhưng, việc phân bổ ngân sách đầu tư trở lại nơi có hoạt động khai thác khoáng sản vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Thiếu quy định cụ thể

Huyện Đại Lộc (Quảng Nam) là một trong những địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng và phong phú, từ các loại khoáng sản quý hiếm như Uranium, vàng, than đá… đến các vật liệu xây dựng thông thường như cát, sỏi, đất san lấp, đá xây dựng... Đây là những điều kiện thuận lợi cho phát triển KT - XH của địa phương. Trong năm 2021, các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Đại Lộc đã nộp vào ngân sách Nhà nước gần 5 tỷ đồng, trong đó, thuế tài nguyên là hơn 4,2 tỷ đồng và phí BVMT là 786 triệu đồng.

h2.jpg

Tuy nhiên, theo ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, thực tế ngân sách địa phương bỏ ra để đầu tư trở lại các công trình phúc lợi, cơ sở hạ tầng luôn cao hơn rất nhiều so với nguồn thu về. Bên cạnh đó, từ nguồn ngân sách phân bổ của tỉnh Quảng Nam hằng năm, trên cơ sở cân đối ngân sách toàn huyện, UBND huyện sẽ tiến hành rà soát các danh mục cấp thiết và các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới để ưu tiên ngân sách chứ không quy định rõ nơi có nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản thì phải cân đối tăng ngân sách cho địa phương đó từ nguồn thuế tài nguyên. Điều này gây bất công bằng giữa các huyện trên địa bàn toàn tỉnh.

Hiện nay, các dự án khai thác khoáng sản làm ảnh hưởng đến môi trường, các công trình hạ tầng kỹ thuật và đất ở, đất sản xuất cùng tài sản của người dân, việc đầu tư trở lại xây dựng cơ sở hạ tầng, đền bù tài sản cho người dân cũng như các khoản đóng góp công ích… phụ thuộc nhiều vào sự tự nguyện của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trên cơ sở các cuộc họp dân đi đến thống nhất.

Trong năm 2021, tổng số tiền các doanh nghiệp khai thác khoáng sản nộp ngân sách là hơn 285 tỷ đồng, trong đó thuế tài nguyên là 178 tỷ đồng. Số thu này được UBND tỉnh Quảng Nam đưa vào cân đối ngân sách.

“Để đảm bảo quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác, cần ban hành văn bản pháp luật là cơ sở pháp lý quy định trách nhiệm cụ thể trong việc xác định ảnh hưởng của việc khai thác khoáng sản, quy trình thực hiện trách nhiệm của các tổ chức cá nhân khai thác khoáng sản làm ảnh hưởng đến địa phương và người dân, có chế tài để đảm bảo thực hiện việc đảm bảo ưu tiên sử dụng lao động địa phương vào khai thác khoáng sản và các dịch vụ có liên quan.” - ông Mẫn kiến nghị.

Hài hòa lợi ích người dân - doanh nghiệp

Điều 5, Luật Khoáng sản đã quy định rõ quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác. Cụ thể, địa phương có trách nhiệm phân bổ điều tiết nguồn thu từ hoạt động khai thác để phát triển KT - XH. Đồng thời, doanh nghiệp phải có trách nhiệm đối với cộng đồng địa phương nơi có hoạt động khai thác. Ngoài ra, quy định về việc quản lý sử dụng phí BVMT cũng chỉ rõ: Phí BVMT đối với khai thác khoáng sản phải để lại cho địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản nhằm phòng ngừa, xử lý những hoạt động ô nhiễm và cải tạo cảnh quan… thế nhưng, vẫn còn khoảng cách lớn giữa quy định luật pháp và thực tế.

Tại nhiều địa phương có nguồn khai thác khoáng sản dồi dào đang chịu áp lực môi trường, dân sinh, thế nhưng nguồn thuế thu được từ tài nguyên ít khi được quay lại tái đầu tư cơ sở vật chất địa phương, nâng cao đời sống người dân khu vực này. Vấn đề đặt ra là làm sao cụ thể hóa Luật Khoáng sản để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương và người dân là điều cần thiết.

h1.jpg

Cần quy định cụ thể trách nhiệm của doanh nghiệp với địa phương và người dân nơi khai thác khoáng sản khi gây bụi bặm, đường sá hư hỏng.

Ông Phan Hà - Trưởng phòng Tài nguyên và Khoáng sản (Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam) cho rằng: Hiện nay, Luật Khoáng sản quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đối với việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong khai thác khoáng sản và xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác còn chung chung nên khó áp dụng trong thực tế và mỗi địa phương thực hiện mỗi khác.

“Do đó, khi sửa đổi Luật Khoáng sản, cần quy định cụ thể mức đóng góp, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đối với việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong khai thác khoáng sản và xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác, để áp dụng thống nhất ở các địa phương. Mục tiêu nhằm đảm bảo quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác để vừa thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần kiến tạo môi trường phát triển KT - XH bền vững song song với nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân” - ông Hà kiến nghị.

Võ Hà - Lan Anh