Ngành Địa chất, Khoáng sản và công nghiệp khai khoáng - Định hướng mới, tầm nhìn mới: Điều tra cơ bản phải đi trước một bước

Khoáng sản - Ngày đăng : 06:46, 14/04/2022

(TN&MT) - Nghị quyết số 10 vừa được Ban Chấp hành Trung ương ban hành có nhiều điểm mới so với Nghị quyết 02. Trong đó, tăng cường nguồn lực thực hiện công tác điều tra cơ bản (ĐTCB) địa chất là một trong những nhiệm vụ chủ yếu mà Nghị quyết số 10 đưa ra.

Cụ thể, Nghị quyết mới nêu rõ cần ưu tiên bố trí ngân sách Nhà nước kết hợp huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong xã hội cho công tác ĐTCB địa chất, khoáng sản theo quy hoạch, kế hoạch để có đầy đủ thông tin, dữ liệu địa chất phục vụ đa mục tiêu (quốc phòng, an ninh, giao thông, xây dựng, công thương, nông nghiệp...); điều tra phân định các cấu trúc địa chất sâu thuận lợi, hướng đến ứng dụng công nghệ chôn lấp carbon, đánh giá tiềm năng khoáng sản phục vụ quy hoạch thăm dò, khai thác.

Đồng thời, khuyến khích đầu tư, đổi mới đồng bộ công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường cho công tác ĐTCB tài nguyên địa chất, khoáng sản (nhất là khoáng sản kim loại ẩn sâu trên các khu vực có triển vọng đến 1.000m) và khai thác, chế biến khoáng sản. Hoàn thành việc chuyển đổi toàn diện công nghệ, thiết bị các cơ sở khai thác, chế biến đá làm vật liệu xây dựng quy mô nhỏ bảo đảm an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trước năm 2030.

Ngoài ra, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên địa chất, khoáng sản, quản lý tập trung, thống nhất trước năm 2025; thiết lập nền tảng tài nguyên số, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, khai thác khoáng sản bảo đảm công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước.

anh-2-bai-3-chuyen-de-nq10.jpg

Điều tra, thăm dò, làm rõ tiềm năng, trữ lượng của nhiều loại khoáng sản quan trọng

Bên cạnh đó, hoàn thành đầu tư dự án khai thác, chế biến quặng cromit tại Cổ Định (Thanh Hóa), luyện, cán thép tại mỏ sắt Quý Xa (Lào Cai) trước năm 2025. Nghiên cứu, lựa chọn công nghệ tiệm cận trình độ thế giới để đầu tư khai thác than nâu vùng đồng bằng sông Hồng; đánh giá hiệu quả đầu tư, hiệu quả KT - XH bền vững để xem xét đầu tư các dự án khai thác, chế biến: Sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh); titan (Bình Thuận), hoàn thành trước năm 2030.

Cùng với đó, duy trì hoạt động hiệu quả các dự án khai thác, chế biến bôxít - alumin - nhôm, đất hiếm, xi măng, sắt - thép, đồng, đá hoa trắng trở thành ngành công nghiệp chủ đạo, phát triển bền vững tương xứng với quy mô khoáng sản; sử dụng công nghệ, thiết bị khai thác, chế biến tiên tiến, hiện đại theo mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính và sử dụng than hợp lý, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trước năm 2050.

Theo ông Nguyễn Văn Nguyên - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Nghị quyết số 02 vẫn chưa đạt được một số mục tiêu đề ra, công tác điều tra cơ bản địa chất vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Để khắc phục tình trạng này, ĐTCB địa chất, khoáng sản phải đi trước một bước, làm cơ sở xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, phát triển KT - XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thích ứng với BĐKH.

Theo đó, Nghị quyết số 10 định hướng rõ sự cần thiết những dữ liệu điều tra địa chất, khoáng sản phục vụ phát triển KT - XH của đất nước trong giai đoạn tới. Chẳng hạn, việc ưu tiên hoàn thành đo vẽ lập bản đồ địa chất 1/50.000 ở trên đất liền và cả ở ngoài biển và hải đảo sẽ tạo ra dữ liệu để các ngành giao thông, nông nghiệp, xây dựng, công thương... sử dụng quy hoạch chuyên ngành của mình.

Ngoài ra, điều tra cảnh báo tai biến địa chất cần được tiến hành sớm và nhanh vì những số liệu này mới có tính thiết thực phục vụ quy hoạch các vùng phát triển kinh tế của các địa phương và cảnh báo giảm thiểu thiệt hại cho người dân; điều tra đặc điểm địa chất công trình cần tiến hành và quản lý có hệ thống tập trung vào một đầu mối để kịp thời cung cấp số liệu quy hoạch các khu đô thị, nhất là các công trình ngầm đòi hỏi ngày càng cấp thiết và cũng cung cấp những số liệu chính xác về việc xảy ra sụt lún ở những khu vực rộng lớn như Đồng bằng Sông Cửu Long...; những số liệu điều tra về di sản địa chất cần sớm được hoàn thiện, đưa vào phục vụ nhu cầu của người dân và gìn giữ di sản không thể tạo ra được.

Đối với một số khoáng sản mang tính chiến lược như đất hiếm, cần được ưu tiên đầu tư đủ và cho phép triển khai để xác định tổng thể tiềm năng tài nguyên các kim loại có giá trị này. Từ đó, nhanh chóng có được chính sách phát triển công nghiệp khai thác, chế biến các kim loại đất hiếm, đánh thức giá trị của nó, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh.

“Để làm được như vậy, Nhà nước cần ưu tiên bố trí ngân sách và có chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư cho công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản; tập trung điều tra, đánh giá các khoáng sản chiến lược, quan trọng. Ngoài ra, Nhà nước phải quản lý tập trung, thống nhất thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản”, ông Nguyễn Văn Nguyên nhấn mạnh.

Lan Chi