Ninh Bình: Hơn 40ha đất bỏ hoang do Nhà máy xi măng “đắp chiếu” suốt hàng chục năm

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 17:01, 13/04/2022

(TN&MT) - Nhà máy xi măng Phú Sơn thuộc xã Phú Sơn, huyện Nho Quan (Ninh Bình) được triển khai cách đây hơn 15 năm trên diện tích 40ha. Tuy nhiên, đến nay dự án nghìn tỷ vẫn đắp chiếu gây lãng phí đất đai.

Khu đất rộng lớn dành cho Dự án Nhà máy xi măng Phú Sơn nằm gần Tỉnh lộ ĐT.477 do Công ty Cổ phần xi măng Phú Sơn làm chủ đầu tư với công suất dự kiến khi đi vào hoạt động là 11 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ, dự kiến năm 2011 sẽ cho ra lô xi măng đầu tiên. Tuy nhiên, 15 năm qua, nhà máy này đã bị chủ đầu tư bỏ hoang.

Theo người dân tại xã Phú Sơn, năm 2006, gần 200 hộ dân thuộc các thôn 1, thôn 3 và thôn 4 nhất trí đồng thuận và nhanh chóng bàn giao đất đai (chủ yếu là đất 2 lúa) với tổng diện tích là hơn 40ha. Sau khi hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng, năm 2007 dự án bắt đầu được triển khai rầm rộ.

913b609033418fe33f9b94defa5f37a8.jpg
Dự án Nhà máy xi măng Phú Sơn ở xã Phú Sơn, huyện Nho Quan (Ninh Bình)  có tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng

Thế nhưng, dự án nghìn tỷ này chỉ thi công được một thời gian ngắn, càng về sau các hoạt động xây dựng càng ít, càng chậm và đến năm 2009 thì dừng hẳn cho đến nay.

Theo quan sát, hiện trên khu đất hơn 40ha của Dự án Nhà máy xi măng Phú Sơn mới chỉ san lấp mặt bằng, xây dựng được một phần bờ tường bao quanh, bể nước, khu văn phòng điều hành 3 tầng mới chỉ xong phần thô và nhiều cọc nhồi bê tông dang dở.

Đáng chú ý, sau thời gian dài bỏ hoang, giờ đây dự án nghìn tỷ hoành tráng ngày nào đã hóa hoang phế, cỏ dại mọc um tùm, các hạng mục công trình dở dang đã rỉ sét, xuống cấp nặng nề. Nhiều vị trí đã xuất hiện các vết nứt, một số vị trí tường bao đã bị rỗng chân tường, nguy cơ đổ là bất kỳ lúc nào.

Vậy thì vì sao một dự án nghìn tỷ, được kỳ vọng là điểm nhấn ngành Công nghiệp của huyện miền núi phía Tây tỉnh Ninh Bình, hiện lại không có tác dụng gì ngoài việc chăn thả, nuôi nhốt dê, lợn và trâu bò của các hộ gia đình xung quanh nhà máy?

291828a7509a6014e87530841a7805c0.jpg
Khu nhà điều hành của Nhà máy xi măng nghìn tỷ Phú Sơn mới chỉ xong phần thô và hiện đã xuống cấp nặng nề.

Tìm hiểu được biết, ngày 16/9/2017, chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần xi măng Phú Sơn đã có Văn bản số 22/CV-PS giải trình khó khăn, đồng thời hứa hẹn “hồi sinh” dự án đã bỏ hoang nhiều năm qua. Nội dung giải trình nêu rõ do khó khăn về mặt tài chính dẫn đến sự đình trệ trong việc triển khai hoạt động xây dựng Nhà máy xi măng Phú Sơn trong suốt thời gian dài vừa qua, gây thiệt hại nặng nề đối với Công ty Phú Sơn. Đến thời điểm hiện tại, Công ty Phú Sơn đã thu xếp xong nguồn vốn bổ sung để có thể tiếp tục triển khai hoạt động xây dựng Nhà máy xi măng Phú Sơn trong thời gian tới.

Tiếp đó, Công ty Phú Sơn sẽ tiến hành cuộc họp cổ đông với Ngân hàng BIDV trong khoảng thời gian từ ngày 2-6/10/2017 để giải quyết dứt điểm công nợ tồn đọng và tiến tới giải ngân vốn đầu tư của chủ đầu tư mới để tiếp tục hoạt động xây dựng Nhà máy xi măng Phú Sơn.

Đồng thời, Công ty Phú Sơn sẽ tiến hành báo cáo giải trình trực tiếp với UBND tỉnh Ninh Bình về nguyên nhân dự án chậm tiến độ dẫn đến phải gia hạn tiến độ, đề xuất kế hoạch thi công phần còn lại của dự án và mốc thời gian hoàn thành. Công ty Phú Sơn sẽ hoàn tất nghĩa vụ thuế VAT hàng hóa nhập khẩu đối với cơ quan Hải quan và Thuế Ninh Bình để hoàn tất hồ sơ xin gia hạn giấy phép đầu tư theo yêu cầu của các Sở, ban, ngành tỉnh Ninh Bình. Hoàn tất những thủ tục cần thiết trong hoạt động xin cấp phép khai thác mỏ nguyên liệu đá vôi và đá sét.

24b162b903b95f36bf263a5cf62038cd.jpg
Khu đất rộng lớn của dự án Nhà máy xi măng Phú Sơn bị bỏ hoang nhiều năm gây lãng phí đất đai

Công ty Phú Sơn cũng cam kết bắt đầu tiến hành lại hoạt động xây dựng Nhà máy xi măng Phú Sơn từ ngày 20/11/2017. Mặc dù vậy, đã gần 5 năm trôi qua, cam kết vẫn chỉ nằm trên giấy.

Liên quan vấn đề này, lãnh đạo huyện Nho Quan cho biết, địa phương đã nhiều lần kiến nghị nếu năng lực tài chính của chủ đầu tư không đủ tiềm lực để tiếp tục triển khai dự án thì rất mong tỉnh Ninh Bình sớm thu hồi dự án, giao đất cho chủ đầu tư khác vừa tránh lãng phí đất đai vừa tạo việc làm cho nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Dự án xi măng nghìn tỷ đắp chiếu gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai, khiến người dân bức xúc. Mặc dù dự án chậm tiến độ nhiều năm nhưng chưa bị thu hồi dự án, thu hồi đất. Dư luận rất mong UBND tỉnh Ninh Bình sớm có động thái thu hồi và chấm dứt dự án nghìn tỷ “chết yểu” này.

Tuyết Chinh