Quảng Ninh ứng phó với BĐKH: “Mong manh” những tuyến đê xung yếu

Tài nguyên - Ngày đăng : 16:51, 13/04/2022

(TN&MT) - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vẫn còn nhiều vị trí đê xung yếu đang xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần. Do vậy, việc giữ an toàn hệ thống đê là nhiệm vụ cấp bách, giúp bảo vệ làng mạc, người dân, cũng như nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của địa phương.

Nhiều nguy cơ tiềm ẩn

Những năm gần đây, hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản được tu bổ, sửa chữa, nhưng vẫn còn một số tuyến đê thuộc các địa phương quản lý đang bị xuống cấp, chưa được sửa chữa, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với sản xuất nông nghiệp và người dân.

anh-qn-03.jpg
Rác thải tràn ngập dọc tuyến đê đoạn qua thôn 8, xã Sông Khoai gây ô nhiễm  môi trường và cản trở việc đi lại của người dân

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 400km đê các loại, trong đó có 1 tuyến đê cấp III tổng chiều dài 33,6km; 20 tuyến đê cấp IV dài hơn 133,8km và 111 tuyến đê cấp V dài hơn 230km.

Tuyến đê xã Hiệp Hòa dài hơn 4km có chức năng ngăn lũ, bảo vệ hơn 400ha đất sản xuất nông nghiệp và hơn 5.000 nhân khẩu của 2 xã Hiệp Hòa và Sông Khoai, tại TX.Quảng Yên. Tuyến đê này được đắp từ những năm 1980 của thế kỷ trước, sau hơn 40 năm hình thành, tuyến đê ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đoạn có nguy cơ sụt lún, sạt lở cao.

Nhiều người dân xã Hiệp Hòa còn nhớ rõ, mùa mưa năm 2021, tại vị trí Cống Miếu thuộc tuyến đê của xã đã xảy ra tình trạng sạt lở phía trong chân đê đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân địa phương. Để khắc phục tình trạng này, xã đã huy động gần 100 người dân tham gia đóng cọc, gia cố đắp bao tải cát nhằm chống tràn bảo vệ an toàn cho tuyến đê.

anh-qn-02.jpg
Nhiều đoạn mặt đê Hiệp Hòa đã xuống cấp, thấp ngang với vườn cây của nhà dân, nên mỗi khi vào mùa mưa bão người dân nơm nớp lo nước tràn vào nhà cửa, ruộng đồng trong đê

Ông Vũ Văn Ba, nhà ở thôn 10, xã Hiệp Hòa, chia sẻ, cứ mỗi khi vào mùa mưa, nếu gặp bão to kết hợp với thủy triều nước dâng mấp mé  mặt đê, nhất là khu vực Cống Miếu làm cho bà con địa phương luôn nơm nớp sợ hãi. Mong rằng các cấp chính quyền sớm đầu tư kinh phí nâng cấp, sửa chữa để bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân.

Trao đổi với PV, Phó Chủ tịch UBND xã Sông Khoai, Nguyễn Văn Mạnh cho biết, hiện nay trên tuyến đê từ Sông Khoai qua Hiệp Hòa tới Yên Giang, nhiều đoạn mặt đê thấp, một số vị trí thân đê đất đang bị phong hóa, không có độ kết dính với nhau, gặp thời tiết mưa bão dễ bị rửa trôi, sụt lún, tiềm ẩn nguy cơ vỡ đê rất cao. Về lâu dài tuyến đê này cần sớm được sửa chữa, nhưng hiện nay do thiếu kinh phí nên chưa biết bao giờ mới có thể triển khai nâng cấp, tu bổ.

Cùng với đó, trên địa bàn TX.Đông Triều hiện có hơn 46km đê nằm dọc sông Kinh Thầy và sông Đá Bạc. Trong đó, riêng tuyến đê phía sông Kinh Thầy được xác định là vùng trọng điểm số 2 của tỉnh.

anh-qn-05.jpg
Tuyến đê đất tại xã Nguyễn Huệ ngày càng xuống cấp, trở nên "mong manh" mỗi khi mùa mưa bão đến

Cụ thể, tuyến đê chính xã Nguyễn Huệ có chiều dài hơn 3,62km được đầu tư từ những năm 1980 theo hình thức đắp thủ công. Lần sửa chữa lớn gần đây nhất vào năm 2015 tại khu vực thôn Đông Mai, chiều dài hơn 2,4km. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn xã còn hơn 1,2km đoạn đê chạy qua thôn Vân Động đang bị xuống cấp, có nguy cơ đe dọa đến tài sản của người dân mùa mưa bão.

Theo nhiều người dân xã Nguyễn Huệ, nhiều đoạn thân, mái đê ở khu vực này đắp bằng nền đất lâu ngày nên một số đoạn xuất hiện vết nứt, vào mùa mưa tiềm ẩn nguy cơ rất cao. Người dân đã nhiều lần kiến nghị cấp có thẩm quyền đầu tư nâng cấp tuyến nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai.

Sớm đầu tư, nâng cấp đồng bộ

Tỉnh Quảng Ninh có bờ biển trải dài, nhiều khu vực trũng thấp so với mực nước biển dâng, trước những diễn biến khó lường của thời tiết, để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, cùng với việc xây dựng các phương án, kế hoạch phòng chống thiên tai, bão lũ, thời gian qua tỉnh đã quan tâm đầu tư kinh phí để tu bổ, sửa chữa các tuyến đê xung yếu bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.

Theo đó, riêng giai đoạn 2019- 2021, bằng nguồn vốn của Trung ương và tỉnh, 3 tuyến đê xung yếu nhất là Hà Nam, Hồng Phong và Đồng Rui với tổng chiều dài 55km đã được đầu tư sửa chữa kiên cố hóa, với mức đầu tư hơn 600 tỷ đồng.

anh-qn-01.jpg
Một trong những điểm xung yếu trên tuyến đê Hiệp Hòa, tiềm ẩn nguy cơ nước tràn đê vào mùa mưa bão cần sớm được tu bổ

Cùng với đó, Quảng Ninh cũng đã tập trung đầu tư xây dựng các công trình phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhằm giảm thiểu thiệt hại tối đa khi có thiên tai xảy ra. Trên địa bàn tỉnh có hơn 500 công trình được đánh giá hiện trạng công trình đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống trạm quan trắc mưa tự động tại một số địa phương để quan trắc, cảnh báo mưa lũ sớm.

Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh còn hoàn thành phê duyệt phương án vùng trọng điểm phòng chống thiên tai trên địa bàn, gồm: Vùng đê Hà Nam, TX.Quảng Yên; dân cư sạt lở vùng lũ quét; vùng dân cư và tàu thuyền hoạt động trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và vùng biển Quảng Ninh; vùng đê tả sông Kinh Thầy, TX.Đông Triều; vùng hồ chứa nước Yên Lập, để làm cơ sở cho các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện phương án ngay trước mùa mưa bão.

anh-qn-04.jpg
Tuyến đê nằm trên xã Bình Dương, TX.Đông Triều xuất hiện nhiều vết nứt dưới chân đê, cần sớm được sửa chữa trước mùa mưa bão

Trao đổi với PV, Phó Chi cục Trưởng Thủy lợi Quảng Ninh, Vũ Mạnh Huy cho biết, những năm qua, Quảng Ninh đã quan tâm sửa chữa, gia cố, nâng cấp một số tuyến đê xung yếu như đê Hà Nam, Đồng Rui, Hồng Phong có thể chống chịu được gió bão cấp 9-10, trong khi hầu hết các tuyến đê còn lại chỉ chịu được bão dưới cấp 8. Do hạn chế về kinh phí, nên các tuyến đê thuộc các địa phương quản lý mới chỉ gia cố những đoạn sạt lở hoặc hư hỏng nặng, nên khó đầu tư đồng bộ cả tuyến.

Trước những diễn tiến về biến đổi khí hậu khiến thời tiết, thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường. Quảng Ninh cần có những giải pháp phù hợp, hữu hiệu trong việc quan tâm, đầu tư nâng cấp, tu bổ, cứng hóa hệ thống đê điều, góp phần nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Phạm Hoạch