Việt Nam khởi động chuỗi tham vấn hướng tới Hội nghị Stockholm+50 cho một hành tinh khỏe mạnh
Môi trường - Ngày đăng : 14:21, 13/04/2022
Năm 2022, đánh dấu 50 năm kể từ Hội nghị lần đầu tiên của Liên Hợp Quốc về Môi trường và Con người, diễn ra tại Stockholm, Thụy Điển. Trước những thách thức toàn cầu hiện nay liên quan tới biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã quyết định tổ chức một cuộc họp cấp cao: “Stockholm+50: Một hành tinh khỏe mạnh cho sự thịnh vượng của tất cả mọi người - trách nhiệm của chúng ta, cơ hội của chúng ta”, để xác định những hành động cấp bách và cụ thể mà con người cần triển khai để bảo vệ hành tinh, xây dựng một nền tảng lâu dài và bền vững, vì một tương lai xanh và toàn diện. Hội nghị do Chính phủ Thụy Điển chủ trì tổ chức tại Stockholm, Thụy Điển, vào ngày 2 và 3 tháng 6 năm 2022.
Theo Đại sứ Thụy Điển Ann Måwe, Hội nghị Stockholm+50 hướng tới đóng góp đáng kể vào việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và bền vững cần thiết. Trong đó, tập trung vào 3 chủ đề chính: Nhu cầu cấp bách hành động để đảm bảo mục tiêu hành tinh khỏe mạnh; Làm thế nào để phục hồi bền vững sau đại dịch; Làm thế nào thúc đẩy lồng ghép các khía cạnh bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển bền vững.
“Thời gian không còn nhiều và những thách thức toàn cầu mà chúng ta phải đối mặt cần được giải quyết bằng một nỗ lực tập thể và hành động của tất cả mọi người” – Đại sứ Ann Måwe nhấn mạnh và nhắc lại lời của cố Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme: “‘Tương lai là của chung. Chúng ta phải chia sẻ cùng nhau. Chúng ta sẽ cùng nhau tạo ra tương lai”.
Hướng tới Hội nghị, hàng loạt các hoạt động được triển khai rộng khắp trên toàn thế giới để thu thập ý kiến người dân. Việt Nam là một trong 58 nước tổ chức tham vấn quốc gia với các bên liên quan để cung cấp thông tin cho các cuộc thảo luận diễn ra tại hội nghị cấp cao toàn cầu.
Tại Việt Nam, UNDP cùng với các đối tác sẽ triển khai một loạt các cuộc tham vấn quốc gia trực tiếp với nhiều đối tượng khác nhau. Đây sẽ là nền tảng quan trọng nhằm kết nối sáng kiến, hành động cấp toàn cầu để thúc đẩy các hành động bảo vệ hành tinh. Các cuộc tham vấn quốc gia sẽ xác định các lĩnh vực quan trọng đối với dịch chuyển khí hậu công bằng tại Việt Nam nhằm đạt được các cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng tại COP26 đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen cho biết, các tham vấn sẽ thảo luận ba câu hỏi: Thứ nhất, các giải pháp dựa vào tự nhiên nào sẽ đổi chiều xu hướng môi trường nguy hiểm ở Việt Nam. Thứ hai, các hành động nào sẽ đảm bảo dịch chuyển năng lượng xanh và công bằng, tạo ra các cơ hội bền vững giúp hàng triệu người thoát nghèo. Và thứ ba, đâu là các hành động đòn bẩy sẽ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và giải quyết các mô hình tiêu dùng không bền vững khi Việt Nam nhận ra các tiềm năng kinh tế đầy đủ của mình. Khuyến nghị từ các cuộc tham vấn sẽ được tổng hợp thành Báo cáo của Việt Nam và góp phần định hình các thông điệp cho Hội nghị toàn cầu Stockholm +50.
Chia sẻ về nỗ lực của phía Việt Nam, PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết: Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết và quyết tâm mạnh mẽ trong bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, đóng góp vào nỗ lực chung toàn cầu để phát triển nền kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát thải ròng bằng 0 (Net Zero). Theo báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định NDC, Việt Nam sẽ giảm phát thải 9% vào 2030 và tăng lên đến 27% nếu có sự hỗ trợ từ quốc tế. Cam kết này đã được nâng lên rất nhiều với Net Zero vào năm 2050. COP 26 đã đặt ra nhiều vấn đề Việt Nam cần thực hiện và thế giới cần hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu này.
Trong 1 năm qua, Bộ TN&MT và Chính phủ Việt Nam đã làm việc với nhiều bên đa phương và song phương, nhằm đề xuất sáng kiến của Việt Nam tại COP 27 và Hội nghị quốc tế về đa dạng sinh học sắp tới tại Côn Minh (Trung Quốc). Trong sáng kiến của mình, Việt Nam hướng tới mục tiêu đảm bảo công bằng tài chính cho các nước đang phát triển, không bỏ ai lại phía sau và công bằng giữa các thế hệ. Phải đạt được cân bằng giữa phát triển, bảo tồn và bảo vệ. Đây là mục tiêu rất lớn của chúng ta.
Cũng theo PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã yêu cầu phải lồng ghép vấn đề môi trường vào chương tình đào tạo của học sinh, từ bậc mầm non đến bậc đại học. Thanh niên là đối tượng đầu tiên được lựa chọn tham vấn bởi lẽ, đây là đối tượng đã có hiểu biết ở mức độ vừa phải về bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH. Từ nhận thức này cần nâng lên thành hành động.
Hoạt động tham vấn sẽ giúp thanh niên hiểu rằng, những hành động nhỏ bé hằng ngày như không sử dụng túi ni lông, trồng nhiều cây xanh, hạn chế rác thải nhựa… sẽ làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, buộc nhà cung cấp phải chuyển đổi sản xuất sang những sản phẩm thân thiện với môi trường. Các bạn trẻ chính là chủ nhân tương lai của đất nước. Khi khởi nghiệp, tham gia vào lực lượng lao đông, làm việc ở các doanh nghiệp, họ cần phải lựa chọn những giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH. Điều này sẽ góp phần đảm bảo cộng đồng sẽ không bị tổn thương trong tương lai bởi thiên tai, thảm họa và do chính hành động của con người.
Tại buổi Lễ, đại diện UNDP đã có bài chia sẻ về những hành động trọng tâm mà giới trẻ có thể thưc hiện để thúc đẩy các giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trong cộng đồng, hướng tới Hội nghị toàn cầu Stockholm +50. Các đại biểu đã xem phim ngắn nổi tiếng của UNDP: Đưa Khủng long đến Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động khí hậu cấp bách và quyết liệt hơn nữa, phiên bản Việt Nam được Mỹ Linh lồng tiếng. Khủng long xuất hiện như một vị khách đặc biệt trong lễ Khởi động, mang tới thông điệp cấp bách: Đừng chọn tuyệt chủng, hãy bảo vệ muôn loài “trước khi quá muộn”.