Giải quyết ngay vấn đề người dân bức xúc liên quan Khu xử lý chất thải Sóc Sơn
Môi trường - Ngày đăng : 22:59, 12/04/2022
Sáng nay, 12/4, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội do Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên chủ trì đã có buổi làm việc tại huyện Sóc Sơn về tình hình tổ chức thực hiện xử lý chất thải sinh hoạt tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (LHXLCT). Tham gia đoàn có Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đàm Văn Huân, các đại biểu Quốc hội TP, lãnh đạo các Ban của HĐND TP, ủy viên Ban Đô thị HĐND TP…
Địa phương đề nghị hỗ trợ gỡ khó trong GPMB
Đại diện lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn cho hay, Khu LHXLCT Sóc Sơn thực hiện xỷ lý chất thải cho 17/31 quận, huyện, chiếm 77% lượng rác toàn TP. Dự án được quy hoạch đến năm 2020 với quy mô 157ha (2 giai đoạn), đến năm 2030 quy mô 257ha và đến 2050 là 280ha tại các xã Bắc Sơn, Nam Sơn, Hồng Kỳ. Giai đoạn 1 được đầu tư xây dựng, hoạt động từ năm 1999 với quy mô 73,73ha đã đóng bãi tạm thời. Giai đoạn 2 83,4ha, đang chôn lấp trung bình 5.000 tấn/ngày, lượng nước rỉ rác phát sinh hiện khoảng 3.000m3/ng-đ và lượng nước tồn đọng chưa được xử lý là 650.000m3. Hằng ngày có 550-600 xe chở rác lên Khu LH của 27 đơn vị vận chuyển trên TP, chạy nhiều trong khoảng 19-23h. Hiện rác được tiếp nhận tại vị trí khe hợp nhất ô 5,7, dự kiến tháng 4/2022 hết khả năng tiếp nhận rác.
Tại 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ đang triển khai thực hiện GPMB 22 dự án liên quan Khu LHXLCT Sóc Sơn, với tổng diện tích 918ha. Trong đó, với 2 dự án trọng điểm của TP là dự án đầu tư xây dựng Khu LHXLCT Sóc Sơn (giai đoạn II), đến nay UBND huyện đã phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ 100% diện tích dự án, đã bàn giao 98,65% diện tích. Tại dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường 0-500m, trong tổng diện tích 381ha liên quan 2.136 hộ dân, đã thực hiện GPMB 113,56ha, dự kiến trong năm nay GPMB được 127,53/287,85ha. Đáng chú ý với dự án mở rộng Khu LHXLCT Sóc Sơn giai đoạn III, lãnh đạo huyện cho biết, diện tích hiện 83,5ha, mở rộng đến năm 2050 là 280ha. Việc tiếp tục triển khai giai đoạn III đã được UBND TP từng bước triển khai thực hiện.
Từ thực tế hiện nay, UBND huyện kiến nghị HĐND TP xem xet với dự án mở rộng Khu LHXLCT Sóc Sơn giai đoạn III được điều chỉnh giảm quy mô diện tích quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2014. Để tháo gỡ khó khăn trong GPMB, ổn định tình hình tại địa phương và tăng thu cho NSNN, trong giải quyết tồn tại cấp GCN vượt hạn mức đất ở, đề nghị UBND TP cho phép huyện thực hiện song song điều chỉnh hạn mức đất ở theo đúng quy định theo thời điểm cấp GCN và các trường hợp đã chia tách, biến động, cho phép UBND huyện truy thu tiền sử dụng đất 50% giá đất tại thời điểm cấp GCN. Đồng thời, đề nghị TP tiếp tục có chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn trong GPMB tại các xã xung quanh Khu LHXLCT Sóc Sơn nói riêng và huyện nói chung; nghiên cứu thực hiện GPMB phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường đồng bộ trong lập dự án mở rộng Khu LHXLCT Sóc Sơn giai đoạn III…
Phối hợp chặt chẽ, tham mưu chính sách phù hợp
Tham luận tại buổi làm việc, nhiều ý kiến trong Đoàn giám sát đề nghị, huyện làm rõ hơn một số vấn đề trong công tác GPMB các dự án liên quan Khu LHXLCT Sóc Sơn và trách nhiệm của Ban Chỉ đạo GPMB huyện; tiến độ GPMB các dự án và trách nhiệm phối hợp của các xã; công tác hỗ trợ người dân; công tác quản lý vận hành…
Đáng chú ý, đại biểu Quốc hội TP Nguyễn Anh Trí đề nghị TP sớm có giải pháp phân tán chuyển các xe chở rác ra nhiều nơi chứ không tập trung lên Khu LHXLCT Sóc Sơn như hiện nay, vì đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Đồng thời, TP cần dự kiến lượng rác thải tăng lên tại TP theo tiến độ 10-20 năm để có kế hoạch ứng phó; gấp rút xử lý lượng nước tồn đọng chưa được xử lý tại Khu này (650.000m3).
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đàm Văn Huân đề nghị huyện Sóc Sơn đánh giá rõ hơn tiến độ GPMB các dự án liên quan, ảnh hưởng ra sao cũng như công tác giám sát đầu tư của cộng đồng để ổn định tư tưởng Nhân dân. TP cũng cần quan tâm để các xe chở rác đi qua huyện được hạn chế tối đa nước rỉ ra, gây ảnh hưởng đến môi trường. Khu LHXLCT này cần phát huy được lợi thế và hạn chế tối đa tiêu cực đến sự phát triển của huyện.
Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP Hồ Vân Nga cho rằng, TP rất thấu hiểu nỗi khổ của người dân khu vực bị ảnh hưởng bởi Khu LHXLCT Sóc Sơn, song đề nghị huyện làm rõ công tác thông tin tuyên truyền về những chính sách của TP hỗ trợ người dân khu vực này, nhằm tạo thêm sự đồng thuận trong triển khai các dự án liên quan.
Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức (Uỷ viên Ban Đô thị HĐND TP) bày tỏ ý kiến chia sẻ với những áp lực do xử lý rác thải gây ra đối với chính quyền, người dân huyện Sóc Sơn. Đồng thời cho rằng, công tác tái định cư cho người dân vùng ảnh hưởng rất quan trọng, khi đến nay mới đạt 40% tương đối thấp, đề nghị huyện cho biết vướng mắc do đâu và giải pháp hoàn thành thời gian tới? Cùng đó, đề nghị tăng cường tuyên truyền làm rõ việc tại sao phải mở rộng dự án giai đoạn III, những lợi ích mang lại cho sự phát triển lâu dài. Các sở ngành liên quan cũng cần xem xét để mở rộng đối tượng người dân bị ảnh hưởng cần hỗ trợ; Sở TNMT quan tâm đến quan trắc tại khu vực này để công khai thông tin, nắm vững vấn đề không khí để xử lý bảo vệ sức khỏe người dân…
Đại diện chủ đầu tư chia sẻ, hiện đơn vị đang gặp vướng mắc do giải quyết những kiến nghị của người dân liên quan số tiền chênh lệch trong các phương án bồi thường hỗ trợ GPMB; công tác tuyên truyền phê duyệt các phương án gặp nhiều khó khăn do công nhận hạn mức đất ở, nhiều hộ cùng sinh sống trên một thửa đất…
Lãnh đạo huyện Sóc Sơn khẳng định, địa phương sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận trong Nhân dân cũng như tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở ngành để thực hiện tốt công tác GPMB phục vụ dự án Khu LHXLCT trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên ghi nhận các ý kiến của đoàn giám sát cũng như của địa phương, các sở, ngành. Qua đó khẳng định: Khu LHXLCT Sóc Sơn đã vượt quá hạn mức xử lý chất thải, công nghệ đã lạc hậu, công tác GPMB có nhiều tồn tại, trong các dự án liên quan thì dự án phía Nam chưa được triển khai… Từ đó, Phó Chủ tịch HĐND TP đề nghị đối với dự án giai đoạn II cần được địa phương và các sở ngành liên quan tích cực triển khai công tác GPMB, mới có thể không bị động trong xử lý rác thải. Trước những áp lực trong GPMB, cấp ủy, chính quyền huyện Sóc Sơn và 3 xã có dự án đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động người dân, đề nghị tới đây các sở ngành tập trung cùng địa phương giải quyết những vấn đề người dân bức xúc, nhất là tham mưu đề xuất những cơ chế chính sách, vấn đề quan trắc… phù hợp theo giai đoạn cụ thể.
Cùng đó, Phó Chủ tịch HĐND TP đề nghị huyện và các sở ngành thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của TP, kịp thời phối hợp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Huyện tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách, đề xuất TP. Với những dự án có GPMB chậm tiến độ, huyện chỉ ra nguyên nhân và đề ra tiến độ cụ thể. Với những dự án chậm chưa được báo cáo rõ, đề nghị bổ sung thông tin cho Đoàn giám sát; có giải pháp cụ thể chi tiết đẩy nhanh tiến độ với những dự án phục vụ an sinh; cập nhật bổ sung các thông tin về đất đai, hiện trạng công trình xây dựng… Riêng với Sở Xây dựng, đề nghị tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị xử lý nước rác tồn đọng để giải quyết nhanh nhất, không để đến cuối năm; kiểm tra chặt chẽ các biện pháp thi công đảm bảo phù hợp; quản lý các xe chở rác để đảm bảo chất lượng, trong thời gian chưa bàn giao được cho Sở TNMT. Với Sở TNMT, cần tham mưu TP giải quyết dứt điểm những tồn tại về chính sách, trong đó có chính sách tái định cư với những trường hợp có nhiều hộ cùng sinh sống trong một thửa đất.