Hội thảo về vai trò của Tuần báo Nhành lúa và Kinh tế Tân văn ở Thừa Thiên - Huế

Xã hội - Ngày đăng : 19:24, 12/04/2022

Ngày 12/4 tại TP. Huế, Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên – Huế phối hợp với Báo Thừa Thiên – Huế và Hội Khoa học lịch sử tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học “Vai trò chủ đạo của Tuần báo Nhành Lúa và Kinh tế Tân văn trong Mặt trận dân chủ Đông Dương (1936-1939) ở Thừa Thiên - Huế”.

Hội thảo nhân dịp kỷ niệm 85 năm ngày Tuần báo Nhành Lúa và Tuần báo Kinh tế Tân văn ra số đầu tiên (1937 - 2022). Cả hai tờ tuần báo này đều là cơ quan ngôn luận công khai của Tỉnh ủy Thừa Thiên và Xứ ủy Trung Kỳ.

Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương; ông Hoàng Hải Minh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế; Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên – Huế Nguyễn Thị Hồng Hạnh; Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng – Nguyễn Đức Nam; Tổng Biên tập Báo Quảng Trị - Trương Đức Minh Tứ; lãnh đạo Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên – Huế; cùng các nhà nghiên cứu về lịch sử, báo chí, văn học...

z3334891534922_d891234c51490f860d7d65791e3b9a44.jpg

Hội thảo “Vai trò chủ đạo của Tuần báo Nhành Lúa và Kinh tế Tân văn trong Mặt trận dân chủ Đông Dương (1936-1939) ở Thừa Thiên - Huế”

Tờ Nhành lúa do nhà báo Nguyễn Xuân Lữ đứng tên xin phép và làm chủ nhiệm kiêm quản lý. Tờ Kinh tế Tân văn do nhà báo Hồ Cát đứng tên người sáng lập.

Hai tờ tuần báo ra đời trong một hoàn cảnh hết sức hà khắc của chế độ cai trị, bên ngoài tỏ vẻ tự do dân chủ nhưng bên trong chúng lại thẳng tay đàn áp. Vì thế, hai tờ báo này tuổi thọ rất ngắn kéo dài hơn 2 tháng. Trong đó, tuần báo Nhành lúa chỉ ra được 9 số và Kinh tế Tân văn tồn tại 4 số. Dù vậy, cả hai tuần báo đều có sức hấp dẫn, cần kíp cho phong trào cách mạng nên đã đi vào đời sống thợ thuyền, quần chúng lao động và cả những viên quan lại tiến bộ, trí thức yêu nước đồng thời ảnh hưởng tích cực khá dài về sau.

Ông Nguyễn Khoa Điềm cho rằng, mặc dù tồn tại trong một giai đoạn ngắn, tuy nhiên 2 tuần báo này đã có nhiều đóng góp trong hoạt động báo chí và cả trong hoạt động chính trị. Sự ra đời, hoạt động tuyên truyền hiệu quả của Nhành Lúa và Kinh tế Tân văn đã xác lập chỗ đứng trong dòng chảy lịch sử báo chí cách mạng ở Huế, miền Trung và rộng ra là cả nước, trong đó nổi bật lên vai trò chủ đạo của các nhà báo, đồng thời là nhà hoạt động cách mạng.

Tại hội thảo, Ban tổ chức nhận được 16 tham luận hưởng ứng tham gia của nhiều tác giả trên các lĩnh vực nói về hai tờ báo, như bàn về vai trò, vị trí, hoàn cảnh ra đời của hai tuần báo; bàn về các nhà báo tham gia biên tập và viết bài; bàn về ngôn từ, thơ văn, thể loại, tin bài và tính chiến đấu trên hai tờ báo.

277939366_1423646761420485_2292240950252424793_n.jpg

Đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban tư tưởng văn hóa Trung ương chia sẻ tại hội thảo

Các tham luận khẳng định Nhành Lúa và Kinh tế Tân văn thực sự là một mắt xích quan trọng trong dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam, để từ đó, trên cơ sở những bài học kinh nghiệm đã được rút ra và những kết quả đạt được trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, các cơ quan ngôn luận, báo chí của Đảng bộ tỉnh tiếp tục con đường đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương.

Theo nhà báo Dương Phước Thu – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên – Huế và là Trưởng Ban tổ chức hội thảo, thông qua sự kiện này, thêm một lần nữa chúng ta nhìn lại, đánh giá, khẳng định sự đóng góp của báo chí cách mạng công khai những năm 1936 - 1939 và trước, trong Cách mạng tháng 8/1945 ở Huế cũng như ở miền Trung.

“Thông qua chỉ đạo có tính định hướng của Ban biên tập về nội dung cụ thể cho từng số, từng bài được in công khai trên Nhành Lúa và Kinh tế Tân văn cho thấy các nhà hoạt động báo chí đồng thời là hoạt động cách mạng, dùng phương tiện báo chí để hiệu triệu quần chúng, tổ chức cho quần chúng đấu tranh. Từ thực tiễn và môi trường xã hội họ nắm vững đặc thù, thế mạnh của thể loại báo chí, qua hoạt động họ trở thành những nhà báo giỏi về nhiều mặt: chính trị, tư tưởng, tính chiến đấu, tính mục đích, sử dụng câu chữ dễ hiểu nhưng mạnh mẽ, quyết liệt đối diện với thế lực cai trị… Tất cả đều được xử lý chặt chẽ và đúng định hướng chủ trương của Đảng cộng sản”, ông Dương Phước Thu nhấn mạnh.

Hội thảo cũng đề xuất nên tổ chức một không gian trưng bày/xây dựng một bảo tàng báo chí ở Huế; đồng thời, tổ chức xây dựng hồ sơ di sản tư liệu cho báo chí cách mạng ở Thừa Thiên - Huế.

Văn Dinh